Pạ Phì: Loại rau đọc "đau cả miệng" nhưng là đặc sản hiếm có ở Y Tý

Nguyễn Tố Thứ sáu, ngày 07/05/2021 13:48 PM (GMT+7)
Phải nghe đến lần thứ 4 tôi mới đọc được chính xác tên loại lá này, và cũng phải thưởng thức đôi ba lần tôi mới nhớ được tên. Thứ lá đọc "đau cả miệng" ấy chỉ là loại rau rừng nhưng hương vị thì vô cùng ấn tượng, khó quên; đó là lá pạ phì.
Bình luận 0

Pạ phì chỉ là một loại lá dại, mọc trong rừng và được người dân hái về thay rau những ngày chống đói. Tôi không rõ loại lá này có ở những đâu, nhưng chỉ được thưởng thức nó khi đến Y Tý (Bát Xát - Lào Cai). Thậm chí cách Y Tý chỉ tầm 80km là "thiên đường" nghỉ dưỡng Sapa cũng không thấy người ta ăn loại rau này. 

Loại lá đọc tên "đau cả miệng" nhưng là đặc sản hiếm có ở Y Tý - Ảnh 7.

Pạ phì - loại lá đặc trưng ở Y Tý - vùng biên giới của huyện Bát Xát (Lào Cai). ẢNh: Nguyễn Tố

Lá rau pạ phì có hình bầu dục, hơi thuôn dài, vị đắng tương tự như rau tầm bóp nhưng ăn giòn và đậm hơn. Sau khi ăn còn đọng lại vị ngọt nơi cuống lưỡi. Nhiều người còn nhận xét khi ăn lần đầu cảm thấy hơi ram ráp ở lưỡi nhưng đa phần đều  nhận định là dễ ăn và khá hấp dẫn.

Theo anh Phu Chuy Thó, chủ một homestay ở thôn Nhìu Cồ San (Y Tý): "Người Hà Nhì chúng tôi không ai không biết loại rau dại này. Tuy là rau dại nhưng ăn rất mát, lành, vị ngon ngọt. Trước đây người dân vẫn thường hái pạ phì trên rừng về ăn thay rau. Từ khi du lịch Y Tý phát triển loại lá này cũng được giới thiệu nhiều đến du khách".

Loại lá đọc tên "đau cả miệng" nhưng là đặc sản hiếm có ở Y Tý - Ảnh 4.

Lá rau pạ phì có hình bầu dục, thuôn dài, hơi giống lá của cây tiêu. Ảnh: Nguyễn Tố

Lá pạ phì có rất nhiều cách chế biến, ngoài những cách đơn giản và phổ biến như: luộc, xào, nấu canh, người Hà Nhì còn dùng lá Pạ Phì để ăn sống với cá hồi, thả lẩu. Đặc biệt khi ăn sống lá pạ phì không hề có vị đắng, rất hợp khi cuốn với đồ tanh như cá hồi.

Loại lá đọc tên "đau cả miệng" nhưng là đặc sản hiếm có ở Y Tý - Ảnh 2.

Rau pạ phì mọc hoang dại ở rừng, không khó kiếm nhưng chỉ người dân địa phương mới phân biệt được. Ảnh: Nguyễn Tố

Khi được hỏi vì sao không hái về bán hoặc trồng ở nhà, phát triển thành loại rau đặc sản, anh Ly Xá Xuy ở thôn Mò Phú Chải (Y Tý) cho hay: "Từ trước đến nay lá pạ phì đã quá quen thuộc với bà con ở đây nên không ai nghĩ đến việc bán cả. Chỉ cần vào rừng hái là có. Cũng vì suy nghĩ đó nên chẳng ai trồng trong vườn nhà".

Loại lá đọc tên "đau cả miệng" nhưng là đặc sản hiếm có ở Y Tý - Ảnh 5.

Tuy xấu mã nhưng pạ phì có vị ngon ngọt khó cưỡng. Ảnh: Nguyễn Tố

Cũng theo anh Thó, mùa xuân là mùa loại lá này phát triển tốt nhất, cây xanh mơn mởn, lá non, vị giòn ngọt hơn hẳn các mùa khác. "Ở chợ phiên cũng có bán pạ phì nhưng đa phần là phục vụ dân địa phương đã ăn quen, còn bình thường như nhà tôi đều vào rừng hái. Nhiều du khách ăn xong nhớ vị, khi quay lại Y Tý đều order món rau này"

Loại lá đọc tên "đau cả miệng" nhưng là đặc sản hiếm có ở Y Tý - Ảnh 6.

Lá pạ phì dùng ăn gỏi cá hồi sống cùng các loại rau gia vị khác như tía tô, cà rốt, gừng, uống kèm bia của người Hà Nhì là món ăn được nhiều thực khách order khi đến Y Tý. Ảnh: Nguyễn Tố


Loại lá đọc tên "đau cả miệng" nhưng là đặc sản hiếm có ở Y Tý - Ảnh 1.

Lá rau pạ phì nấu cùng mì tôm là món ăn sáng "thần thánh" ở Y Tý. Ảnh: Nguyễn Tố



 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem