PAN của ông Nguyễn Duy Hưng “thắng lớn” nhờ tôm, cá tra, hạt điều

Quốc Hải Thứ sáu, ngày 26/07/2019 18:23 PM (GMT+7)
Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019, nếu loại bỏ phần hạch toán lợi nhuận từ lợi thế thương mại do mua FMC đầu năm 2018, thì hoạt động sản xuất kinh doanh chính tại PAN của ông Nguyễn Duy Hưng tăng trưởng gần 30% so với cùng kỳ, với điểm sáng đến từ các mảng kinh doanh tôm, cá tra và hạt điều.
Bình luận 0

Ngày 26/07/2019, Công ty CP Tập đoàn PAN (HoSE: PAN) chính thức công bố Báo cáo tài chính bán niên hợp nhất năm 2019.

img

Sản xuất hạt điều tại Lafooco - một DN con của PAN

Theo đó, doanh thu thuần hợp nhất của PAN đạt 3.313 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế giảm 14%, tuy nhiên loại bỏ phần hạch toán lợi nhuận từ lợi thế thương mại do mua FMC đầu năm 2018 thì hoạt động sản xuất kinh doanh chính tăng trưởng gần 30% so với cùng kỳ, với điểm sáng đến từ các mảng kinh doanh tôm, cá tra và hạt điều.

Cụ thể, báo cáo tài chính bán niên của PAN cho thấy, cùng kỳ năm 2018, sau khi nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) để đưa FMC trở thành công ty con, Tập đoàn đã ghi nhận khoản thu nhập tài chính 70 tỷ từ giao dịch này. Sáu tháng đầu năm 2019, do không có khoản thu nhập tài chính tương tự, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của tập đoàn đạt 175 tỷ, tương đương 33% kế hoạch năm và giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 96 tỷ đồng, đạt 28% kế hoạch năm và giảm 15% so với cùng kỳ.

“Nếu loại trừ ảnh hưởng của khoản thu nhập tài chính do đầu tư vào FMC thì so với cùng kỳ 2018, Tập đoàn có sự tăng trưởng tích cực về lợi nhuận. Xét riêng hoạt động sản xuất kinh doanh lõi, lợi nhuận sau thuế hợp nhất tăng trưởng 30% từ 135 tỷ lên 175 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ tăng trưởng hơn gấp đôi từ 43 tỷ lên 96 tỷ đồng”, đại diện Tập đoàn PAN, thông tin.

img

Chế biến cá tại Aquatex Bến Tre  - thành viên của PAN

Cũng theo báo cáo tài chính bán niên, kết quả lợi nhuận đó chủ yếu đến từ mảng tôm xuất khẩu (đạt gần 92 tỷ, tăng 51%, tương đương 54% kế hoạch năm), cá tra xuất khẩu (đạt 27 tỷ, hoàn thành 89% kế hoạch năm) và hạt điều (lãi 5,5 tỷ so với lỗ 27 tỷ cùng kỳ).

Ngoài ra, VFG cũng đóng góp 27 tỷ đồng vào lợi nhuận bán niên của Tập đoàn sau khi trở thành công ty liên kết.

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu thuần hợp nhất của Tập đoàn là 3.313 tỷ đồng, đạt 32% kế hoạch năm và giảm nhẹ 6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu mảng cá tra tăng 9% đạt 214 tỷ đồng, mảng bánh kẹo giữ nguyên, hai mảng giống cây trồng và tôm giảm nhẹ lần lượt 5% và 7% so với cùng kỳ. Mảng kinh doanh hạt điều doanh số chỉ đạt 159 tỷ đồng do Tập đoàn quyết định giảm sản lượng kinh doanh nhân điều sơ chế, tập trung nguồn lực vào kinh doanh hạt điều thương hiệu chế biến sâu, tuy giảm mạnh về doanh số nhưng tăng trưởng cao về hiệu suất lợi nhuận.

Doanh thu hợp nhất 6 tháng đạt 32% kế hoạch cả năm 2019, do kế hoạch nâng tỉ lệ sở hữu tại Công ty CP Khử trùng Việt Nam (HoSE: VFG) lên trên 50% vào quý 2 đã không thực hiện theo tiến độ nên doanh thu của VFG chưa được hợp nhất vào doanh thu của Tập đoàn.

img

Chế biến tôm tại Fimex VN - thành viên của PAN

Sáu tháng cuối năm 2019, ngành nông nghiệp được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp. Song theo chia sẻ của ông Nguyễn Duy Hưng tại đại hội tổng kết 6 tháng đầu năm của Công ty CP Giống cây trồng miền Nam tại Lâm Đồng vừa qua, hai quý sau là giai đoạn đẩy mạnh tăng trưởng của cả hai lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm của “ngôi nhà chung” PAN.

Cụ thể, cuối năm 2019 là thời điểm PAN khánh thành nhà máy giống, gạo lớn nhất Đông Nam Á tại Đồng Tháp và nhà máy bánh kẹo mới tại Long An. Sự ra đời của Công ty CP Phân phối hàng tiêu dùng PAN (PAN CG) vừa qua cũng giúp tối ưu hóa chi phí phân phối và lưu kho, phát huy sức mạnh cộng hưởng từ hệ thống phân phối hiện tại.

Trước đó, Tập đoàn PAN đã thông qua phương án chào mua công khai cổ phiếu của Công ty cổ phần Bibica (mã chứng khoán: BBC). Doanh nghiệp này dự kiến mua hơn 7,7 triệu cổ phiếu, tương đương 49,93% vốn điều lệ để nâng tỷ lệ sở hữu và đầu tư lâu dài.

PAN hiện không sở hữu cổ phần Bibica, nhưng công ty con của doanh nghiệp này là PAN Food đang là cổ đông lớn nhất với 50,07% vốn. Điều này đồng nghĩa PAN sẽ thâu tóm toàn bộ Bibica nếu đợt chào mua sắp tới thành công.

Với giá chào mua 68.500 đồng mỗi cổ phần, PAN cho biết sẽ dùng vốn tự có hoặc các nguồn vốn khác để thực hiện thương vụ trị giá khoảng 530 tỷ đồng. Giao dịch dự kiến thực hiện trong vòng 30-60 ngày từ khi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem