Thanh niên ở Peru nằm giữa đường để phản đối lệnh hạn chế đi lại trong dịch Covid-19 của chính phủ (ảnh: Guardian)
Bộ Y tế Peru cho hay, người đầu tiên tử vong do “flurona” ở nước này là một bệnh nhân 87 tuổi chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Đây là một trong 3 trường hợp mắc “flurona” ở nước này. Hai ca “flurona” khác ở Peru là một trẻ vị thành niên và một người 40 tuổi đã được tiêm vắc xin Covid-19 đầy đủ.
Munayco – tiến sĩ tại Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Peru – cho biết, những ca “flurona” ở nước này đều có biểu hiện chung là bị ho, đau họng và mệt mỏi. Ông Munayco khuyên người dân nên tiêm cả vắc xin Covid-19 và cúm để “giảm nguy cơ tử vong”.
“Điều quan trọng là phải tiêm vắc xin vì chúng ta đang đối mặt với đợt bùng phát cúm H3N2 lớn ở những vùng rừng rậm, chẳng hạn như ở Loreto, San Martin, Amazonas và Ucayali”, ông Munayco cảnh báo.
“Flurona"” là thuật ngữ mới được đặt tên để mô tả việc bị nhiễm cùng lúc cả virus cúm mùa và Covid-19. “Flurona” thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế sau khi một phụ nữ mang thai 30 tuổi chưa được tiêm chủng xét nghiệm dương tính với cả Covid-19 lẫn cúm ở Israel. Đây là trường hợp mắc “flurona” đầu tiên trên thế giới.
Đối với trường hợp bệnh nhân 87 tuổi nói trên, chưa thể xác minh được liệu đây có phải người đầu tiên trên thế giới chết vì gặp phải tình trạng bệnh này hay không.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, cả Covid-19 lẫn cúm đều là các bệnh về hô hấp, có thể gây ra các triệu chứng tương tự bao gồm ho, đau họng, sổ mũi, sốt và đau đầu. Hai bệnh này có thể lây qua giọt bắn khi bệnh nhân thở, ho hoặc hắt hơi.
Đến nay, các triệu chứng chính xác và tỷ lệ tử vong do “flurona” chưa được xác định rõ ràng. Giới khoa học vẫn đang nỗ lực nghiên cứu về cách thức virus cúm mùa và Covid-19 cùng lúc tấn công cơ thể người và mức độ nghiêm trọng của tình trạng này. Nhiều chuyên gia lo ngại “flurona” có thể khiến hệ miễn dịch của người mắc suy yếu và khiến hệ thống y tế bị quá tải.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.