Petrolimex thoái vốn “khôn ngoan” tại mảng ngân hàng?

Hồ Hương Thứ ba, ngày 08/03/2016 07:00 AM (GMT+7)
Với việc sáp nhập Ngân hàng thương mại cổ phần xăng dầu Petrolimex (PGbank) vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) dự kiến vào quý II năm nay, Petrolimex được cho là thoái vốn đầu tư ngoài ngành “khôn ngoan” tại mảng ngân hàng.
Bình luận 0

img

Chiếm 40% vốn điều lệ tại ngân hàng xăng dầu (PGbank), tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) được coi là mang vốn đi đầu tư ngoài ngành.  

Theo đúng quan điểm của thanh tra chính phủ, thì Petrolimex trong giai đoạn 2010 - 2013 đã đầu tư mạnh vào ngân hàng xăng dầu Việt Nam (PGbank). Cụ thể trong quãng thời gian 2010 đến tháng 6.2013 tập đoàn này đã tăng vốn đầu tư vào PGbank 400 tỉ đồng, chiếm 40% vốn điều lệ . Điều này đã khiến cho Petrolimex bị vi phạm Luật Tổ chức tín dụng năm 2010 (vượt 20% quy định tỷ lệ sở hữu cổ phiếu của những cổ đông và nhóm các cổ đông có liên quan).

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khi đó đã phải có động thái quyết liệt (khi ban hành Thông tư số 06) yêu cầu nhóm cổ đông vượt trần sở hữu của Petrolimex phải giảm tỷ lệ 20% vượt này trước ngày 31.12.2015 (trừ các trường hợp sở hữu cổ phần vượt giới hạn đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép hoặc được xử lý theo Phương án cơ cấu lại đã được NHNN phê duyệt).

PGbank đã không thuộc diện ưu tiên và cả Petrolimex không phải là trường hợp đặc biệt “ưu ái” nên Petrolimex đã phải gấp rút “tháo vốn” khỏi PGbank theo yêu cầu này.

Để thoái được vốn một cách “khôn ngoan”, Chủ tịch HĐQT của Petrolimex cũng chính là chủ tịch HĐQT của PGbank, ông Bùi Ngọc Bảo đã ra quyết định để ngân hàng PGbank sáp nhập về cùng một nhà với Viettinbank.

Cụ thể,  ngày 2.5.2015, VietinBank và PGbank đã chính thức ký kết Bộ hồ sơ sáp nhập PGbank vào Vietinbank, trong đó ban chỉ đạo sáp nhập do ông Bùi Ngọc Bảo – Chủ tịch HĐQT PGbank làm trưởng ban chỉ đạo. Bằng cách giảm tỷ lệ sở hữu của Petrolimex tại ngân hàng hậu sáp nhập, Petrolimex đã không cần thoái vốn ra khỏi các lĩnh vực nhạy cảm. Cổ đông chính của PGbank là Petrolimex cũng không vi phạm  luật các tổ chức tín  dụng nữa.

PGbank với số vốn nhỏ thì đầu tư của Petrolimex chiếm tới 40% vốn điều lệ của ngân hàng này nhưng nếu sát nhập vào Vietinbank với số vốn lớn hơn nhiều thì đầu tư của Petrolimex vào ngân hàng này sẽ chỉ còn chiếm 20%-về đúng với yêu cầu mà NHNN đã buộc Petrolimex phải thực hiện (theo thông tư 06 nêu trên). Petrolimex vẫn an toàn vốn tại mảng ngân hàng.

Bây giờ điều mà Petrolimex chờ đợi chỉ còn là thời điểm để hai ngân hàng này sát nhập được vào nhau. Trên báo chí, đại diện của Petrolimex cho biết, sẽ phấn đấu hoàn tất đề án sáp nhập PGBank vào Vietinbank trong quý II/2016 sau hai lần lỡ hẹn (trước đó, một lãnh đạo của VietinBank cho biết trong quý I/2016 sẽ hoàn tất việc sáp nhập giữa PGBank và VietinBank, còn trước nữa là kỳ vọng sẽ hoàn thành trong năm 2015)

Chuyên gia tài chính ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu đánh giá việc PGbank và Vietinbank về một nhà “hợp thức hóa” một cách  tốt  đẹp cho tất cả các bên, cả hai ngân hàng, cho khách hàng cũng như cổ đông và đương nhiên là điều mà Petrolimex mong muốn. Theo TS Hiếu, nếu gạt Petrolimex sang một bên, chỉ đứng ở góc độ ngân hàng thì thương vụ sáp nhập này đáp ứng chủ trương tăng quy mô của ngân hàng trong hệ thống, hướng được đến “đích” tập đoàn tài chính - ngân hàng hiện đại.

“Hiện nay có nhiều ngân hàng với vốn điều lệ nhỏ, hoạt động tín dụng không hiệu quả. Mà nguyên nhân nợ xấu cao chính vì ngân hàng nhỏ hoạt động yếu kém không hiệu quả. Chính vì vậy việc thực hiệp sáp nhập ngân hàng nhỏ vào ngân hàng lớn là cần thiết và có lợi cho hệ thống tài chính ngân hàng của Việt Nam”-ông Hiếu nói.

Kinh doanh xăng dầu là trục chính của Petrolimex, nhưng họ vẫn muốn kiêm thêm lợi nhuận từ ngân hàng. Và mặc dù đồng hành cùng ngân hàng nhưng kinh doanh ngân hàng không dễ. Toàn cảnh ngân hàng PGbank trước khi về “cùng nhà” với Vietinbank không sáng. Báo cáo của PGBank về kết quả kinh doanh năm 2014 cho thấy, ngân hàng này hầu như không tăng trưởng mà tập trung vào xử lý nợ xấu. Cụ thể, tính đến ngày 31.12.2014 tổng vốn huy động của ngân hàng này đạt 22.050 tỷ đồng, đạt 104% kế hoạch, tăng 3% so với năm 2013. Dư nợ toàn ngân hàng tính đến cuối năm 2014 đạt 14.579 tỷ đồng, tăng 5% so với năm trước.

Trong năm 2014, số nợ xấu mà PGbank xử lý được khá nhiều. Cụ thể, kết thúc năm 2014, nợ quá hạn và nợ xấu của PGbank là 1.303 tỷ đồng, giảm 842 tỷ đồng so với năm 2013, tương ứng tỷ lệ nợ quá hạn là 9% giảm 6,7% so với năm 2013. Trong đó, nợ xấu là 334 tỷ đồng giảm 79 tỷ đồng so với năm trước, tương ứng tỷ lệ là 2,26%.

Tổng tài sản tính đến ngày 31.12.2014 đạt 25.779 tỷ đồng tăng 8,2% so với năm 2013. Lợi nhuận trước thuế năm 2014 đạt 168 tỷ đồng đạt 68% kế hoạch (kế hoạch là 82 tỷ đồng).

Còn trước đó nữa, cũng trong giai đoạn 2013, ngân hàng PGbank cũng có tỷ lệ nợ xấu cao. Cụ thể, tính đến hết tháng 9.2013, PGBank có 1.240 tỷ đồng nợ xấu chiếm 9,5% trên tổng dư nợ 13.057 tỷ đồng. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem