Phó Giám đốc Khu Liên hợp thể thao quốc gia: "Chăm sóc mặt cỏ sân Mỹ Đình phải như chăm mái tóc phụ nữ"

Chính Minh Chủ nhật, ngày 19/09/2021 14:40 PM (GMT+7)
Trao đổi với Dân Việt, Phó Giám đốc Khu Liên hợp thể thao quốc gia (LHTTQG) Trần Văn Chiên cho biết đơn vị đang tiến hành chăm sóc cỏ, sửa sang các phòng chức năng sân Mỹ Đình, đáp ứng tiêu chuẩn AFC.
Bình luận 0

Vì sao cỏ sân Mỹ Đình màu vàng?

Mặt cỏ sân Mỹ Đình xấu, ảnh hưởng tới chất lượng trận đấu giữa ĐT Việt Nam và Australia ở lượt trận thứ 2 bảng B vòng loại cuối cùng World Cup 2022 tối 7/9 là điều rõ ràng, không có gì phải bàn cãi.

Câu hỏi là thời gian tới, mặt cỏ sân Mỹ Đình sẽ được chăm sóc đặc biệt ra sao để người xem được chứng kiến một mặt sân xanh mướt, mềm mại, đủ để ĐT Việt Nam và Nhật Bản phô diễn hết khả năng kỹ thuật, cống hiến một trận đấu đẹp tối 11/11 tới?

PGĐ Khu LHTTQG: "Chăm sóc mặt cỏ sân Mỹ Đình như mái tóc người phụ nữ" - Ảnh 1.

Mặt cỏ sân Mỹ Đình bị chê như "bãi chăn bò" khi diễn ra trận đấu giữa ĐT Việt Nam và Australia tối 7/9. Ảnh: VFF

Trao đổi với Dân Việt sáng nay (19/9), ông Trần Văn Chiên, Phó Giám đốc Khu Liên hợp thể thao quốc gia (LHTTQG) cho biết: Ngay sau trận đấu với Australia, từ hôm 8/9, chúng tôi đã tiếp thu các góp ý từ AFC, ĐT Australia và giới truyền thông Việt Nam, huy động nhân công tiến hành dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ, bù lại tất cả những chỗ cỏ bị mất, bị tung sau thi đấu. Chúng tôi cũng đã trải cát bù vào những phần lồi lõm trên sân sao cho thật phẳng. 

"Chu trình chăm sóc tưới tiêu được thực hiện khoa học để cỏ có thể phát triển tốt, sau đó tiến hành cắt đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế. Tất cả được triển khai đồng bộ không chỉ trên sân thi đấu chính thức mà còn trên sân phụ", ông Chiên lý giải.

Lý giải vì sao mặt cỏ sân Mỹ Đình có màu úa vàng, ông Trần Văn Chiên bày tỏ: "Kỹ thuật chăm sóc sân cỏ có nhiều công đoạn mà mỗi công đoạn đều phụ thuộc vào kinh phí, đặc biệt là máy móc chuyên dụng ước tính hơn chục cái.

Số máy móc này của chúng tôi được đầu tư từ SEA Games 2003, đã qua gần 20 năm rồi nên đều hư hỏng do không được bảo dưỡng, thay thế kịp thời.

Ví dụ như chiếc máy cắt cỏ, cắt đến đâu cỏ sẽ rơi lên khay để đưa ra ngoài. Nhưng máy cắt cỏ hiện nay cắt xong nó rơi ra mặt cỏ. Nếu không dọn được hết, nó úa ngả thành màu vàng trên sân".

Về việc mặt sân Mỹ Đình quá mềm và bị AFC, Australia yêu cầu cắt cỏ ngắn chỉ còn khoảng 3cm ngay trước ngày thi đấu? Phó Giám đốc Khu LHTTQG Mỹ Đình chia sẻ: "Đáng ra phải có máy xới cỏ, làm cho đứt rễ, xốp đất, ra rễ mới bám chặt hơn vào đất. Cỏ sân Mỹ Đình lâu ngày quá rồi, nhiều lớp thân, rễ chồng lên nhau và sân quá mềm, cầu thủ châu Âu họ không thích. Sân cứng quá thì dễ chấn thương, còn xốp quá thì không phát huy được tốc độ.

PGĐ Khu LHTTQG: "Chăm sóc mặt cỏ sân Mỹ Đình như mái tóc người phụ nữ" - Ảnh 3.

Nhân viên Khu LHTTQG tưới nước cho mặt cỏ Mỹ Đình. Ảnh: Lâm Thỏa

Những ngày qua và thời gian tới, Khu LHTTQG tiếp tục làm đúng quy trình mọi quy trình làm xốp cỏ, rải cát, tưới nước, chải cỏ, lu cỏ, rắc phân, tưới nước… để đến tháng 11 sẽ có một mặt sân tốt nhất phục vụ ĐT Việt Nam thi đấu với Nhật Bản (11/11), Ả Rập Xê-út (16/11).

PGĐ Khu LHTTQG: "Chăm sóc mặt cỏ sân Mỹ Đình như mái tóc người phụ nữ" - Ảnh 4.

Các công đoạn chăm sóc mặt cỏ sân Mỹ Đình. Ảnh: NVCC

"Có thể ví mái tóc của người phụ nữ chăm sóc như nào thì cỏ cũng thế. Rất may mùa này cỏ phục hồi rất tốt nên tôi tin mọi thứ sẽ ổn.

Cái khó nhất của chúng tôi lúc này là kinh phí. Lãnh đạo đời trước có nguồn thu lớn từ 50-70 tỷ/năm nhưng tiền đưa vào duy trì bảo dưỡng sân chỉ như muối bỏ biển. Mọi thứ đã được thể hiện rõ trong kết luận số 106, ngày 11/5/2021 của Thanh tra Chính phủ rồi.

Bây giờ chúng tôi có thể cố gắng được tiền điện, tiền nước vốn rất lớn nhưng trả sau. Nhưng còn tiền mua vật tư, phân bón, máy móc, sơn cửa các phòng chức năng thì lấy đâu?", ông Trần Văn Chiên đặt vấn đề.

Trông chờ vào kinh phí SEA Games

Ngoài việc chăm sóc mặt cỏ một cách thật đặc biệt, Phó Giám đốc Khu LHTTQG nói rõ thêm các hạng mục sẽ phải chỉnh sửa lại: "Ước tính các phòng chức năng ở sân Mỹ Đình là gần 100 phòng: Phòng tập, phòng chờ, phòng làm việc, phòng VAR, trọng tài, họp báo…

Chẳng còn cách nào khác là chúng tôi sẽ vệ sinh sạch sẽ, thay lại những bóng đèn hỏng, không đủ sáng. Điều hòa tổng mỗi lần bảo dưỡng, thay ga cũng mấy chục triệu đồng. Bảo dưỡng hoặc thay mới quạt thông gió, sơn lại các phòng chức năng bị rêu mốc, kiểm tra, bảo dưỡng lại cả cái cầu môn, lưới…

Thời gian qua, những sự kiện có nguồn thu của sân Mỹ Đình như Đêm hát của Mỹ Tâm dịp 30/4, 1/5, chạy thử xe Mitsubishi, xe Ford… đã ký hợp đồng nhưng lại bị hủy, các nhà hàng, liên doanh liên kết với Khu LHTTQG cũng không hoạt động được… Những khó khăn của chúng tôi, Chính phủ, Bộ VHTTDL cũng rõ rồi và cần phải bố trí kinh phí. Đến lương của công nhân viên chúng tôi cũng đã bị cắt giảm 50% tháng 8 và 9. Đến tháng 10 còn không biết lấy tiền đâu mà trả họ".

PGĐ Khu LHTTQG: "Chăm sóc mặt cỏ sân Mỹ Đình như mái tóc người phụ nữ" - Ảnh 5.

Danh sách máy móc chuyên dụng để chăm sóc mặt sân. Ảnh: NVCC

Về việc Khu LHTTQG không có tiền sửa sân, trao đổi với Dân Việt, ông Trần Đức Phấn – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT cho biết: "Theo dự án của SEA Games 31, chúng tôi đang tích cực triển khai chuẩn bị cho 2 trận đấu tới của ĐT Việt Nam trong tháng 11 trên sân Mỹ Đình.

Các hạng mục sân Mỹ Đình từ mặt cỏ đến các phòng chức năng sẽ được ưu tiên chăm sóc, sửa sang, đảm bảo yêu cầu của FIFA, AFC. Nếu không đủ tiêu chuẩn họ cũng không cho mình tổ chức trận đấu, chứ cũng không xin được.

Thứ 3 tới (21/9), chúng tôi sẽ có cuộc họp cụ thể để yêu cầu VFF hỗ trợ thêm".

Về dự toán kinh phí sửa chữa các hạng mục sân Mỹ Đình, ông Trần Đức Phấn chốt lại: "Đây là cả một gói tổng thể dành cho Khu LHTTQG (khoảng 408 tỷ đồng – PV) chứ không có chi tiết cụ thể cho sân Mỹ Đình".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem