PGS - TS Đỗ Thị Thu Hằng: Cơ chế công khai, minh bạch để đặt hàng báo chí hiệu quả
PGS - TS Đỗ Thị Thu Hằng: Cơ chế công khai, minh bạch để đặt hàng báo chí hiệu quả
Vinh Hải - Hồng Nhân
Thứ ba, ngày 21/06/2022 14:03 PM (GMT+7)
PGS - TS Đỗ Thị Thu Hằng (Viện trưởng Viện Báo chí, Học Viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng, để đặt hàng báo chí hiệu quả, phía đặt hàng cần nêu ra yêu cầu để các cơ quan báo chí đưa ra “hồ sơ năng lực” và tham gia đấu thầu công khai minh bạch.
Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 12/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ và công văn số 837/BTTTT-CBC của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 9/3/2022 có nhắc tới nội dung “Cơ quan chức năng phải tăng cường đặt hàng báo chí”.
Để triển khai được việc này cần sự vào cuộc của nhiều đơn vị, nhiều ban ngành, cơ quan chức năng để đặt hàng báo chí thật sự đi đúng hướng.
Báo điện tử Dân Việt đã có cuộc trao đổi với PGS - TS Đỗ Thị Thu Hằng - Viện trưởng Viện Báo Chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) để rõ hơn về vấn đề này.
Theo PGS, trên thực tế, hoạt động báo chí tại Việt Nam từ trước đến nay đã có đặt hàng báo chí hay chưa? Bà đánh giá về việc thực hiện đặt hàng báo chí tại nước ta được thực hiện ra sao?
Ta phải hiểu rằng đặt hàng chỉ có trong cơ chế thị trường, tức là người có tiền, có nhu cầu đặt cho người làm và trả cho họ một chi phí nhất định.
Trước kia, hệ thống báo chí ở nước ta đều được bao cấp. Hiểu rõ hơn là gần như trong thời điểm đó Nhà nước bảo trợ gần 100% cho tất cả các cơ quan báo chí, sản phẩm báo chí và hỗ trợ cho phát hành. Nhưng đến bây giờ chúng ta tự chủ tài chính, khi đó chúng ta mới bắt đầu nhắc đến từ “đặt hàng” đúng nghĩa của nó.
Tôi thấy rằng, hiện tại cách đặt hàng ở nước ta vẫn theo hướng tín nhiệm. Nói cách khác chúng ta có triển khai nhưng chưa bài bản, chưa quy củ để đặt hàng báo chí thật sự có hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích cho Nhà nước, cho người dân và cho cả cơ quan báo chí.
Theo bà, để đặt hàng báo chí mang lại hiệu quả cao, cần yếu tố gì?
Việc đặt hàng báo chí đã dù có từ lâu, tuy nhiên để làm tốt, làm hiệu quả, chúng ta phải tách bạch được việc đặt hàng với cơ chế xin - cho.
Hiện nay việc đặt hàng chưa có cơ chế rành mạch nên dễ bị nhầm lẫn, vì vậy phải có quy định rõ ràng cho việc đặt hàng để đảm bảo không còn lẫn lộn giữa hai khái niệm trên.
Để đặt hàng có hiệu quả, tôi nghĩ nên đưa việc này ra như một loại hình đấu thầu hoặc chỉ định thầu. Nếu là chỉ định thầu phải cho một nhóm chứ không chỉ định thầu cho một cơ quan. Tức là muốn đặt hàng phải có địa chỉ, địa chỉ ấy là một nhóm địa chỉ chứ không được phép một địa chỉ riêng lẻ, vì nếu một đơn vị sẽ dẫn tới độc quyền, mà độc quyền thì người ta làm tốt hay không tốt phía bên đặt hàng khó kiểm soát và không có sự so sánh được.
Để đạt hiệu quả cao nhất, phía đặt hàng cần nêu ra yêu cầu gồm cách thức thông tin, nội dung, chi phí… để các cơ quan báo chí đưa ra “hồ sơ năng lực” xem có đáp ứng và làm được không. Nếu lọc được một nhóm tham gia đấu thầu công khai minh bạch như thế, chất lượng đặt hàng sẽ tăng lên. Phía cơ quan chức năng có nhiều lựa chọn, phía cơ quan báo chí phải tự làm mới mình, phải có một “hồ sơ năng lực” thật đẹp.
Đồng thời phải lưu ý, sau khi nhận việc và hoàn thành phía đặt hàng phải có thang đánh giá. Chúng ta phải dám làm như thế mới có được những đơn đặt hàng tốt và có những mặt hàng tốt.
Nếu làm được sẽ mang lại rất nhiều thuận lợi, thứ nhất là tạo động lực về sự cạnh tranh. Thứ hai là cải thiện những kẽ hở về mặt pháp lý để lợi dụng cơ chế xin cho…
Bên cạnh đó, không chỉ có đặt hàng của Nhà nước ở Trung ương mà đặt hàng của địa phương cũng cần phải có những chỉ dẫn cụ thể.
Ví dụ như nguồn ngân sách phân bổ cho một địa phương là bao nhiêu và tỷ lệ dành cho việc đầu tư trong lĩnh vực báo chí truyền thông để thúc đẩy sự phát triển là bao nhiêu phần trăm trong gói chung đó.
Tôi muốn nhấn mạnh, phải có quy định rõ ràng cho việc đặt hàng để đảm bảo rằng là không nhầm lẫn giữa cơ chế xin cho và việc đặt hàng, tạo điều kiện làm tăng tính cạnh tranh, công khai minh bạch.
Theo nghiên cứu của bà, ở một số quốc gia họ “đặt hàng báo chí” như thế nào?
Nhìn sang Hàn Quốc, chúng ta có thể thấy, họ làm những gói thầu để truyền thông chính sách của Nhà nước rất bài bản.
Họ sử dụng cả một hội đồng gồm các chuyên gia có tiếng. Thành phần hội đồng công khai trên toàn quốc để người dân nắm được. Đồng thời họ công khai đấu thầu, mời tất cả cơ quan tổ chức kể cả của Chính phủ hay là những công ty bên ngoài đều có quyền làm hồ sơ.
Làm đấu thầu xong xuôi họ công khai toàn bộ nội dung cho người dân cả nước nước bằng các phương thức khác nhau. Họ công khai hết, làm những cái gì, làm như thế nào chứ không hề giấu giếm. Khi có sản phẩm, tất cả được đăng tải công khai để người dân theo dõi, giám sát và đánh giá.
Sau đó qua công chúng, qua các kênh phản hồi thông tin khác nhau họ xác định được mức độ đặt hàng như thế nào, kết quả ra làm sao.
Từ cách làm của Hàn Quốc, chúng ta có thể thấy họ sử dụng đặt hàng rất khoa học, tạo tính cạnh tranh để nâng cao sản phẩm, chất lượng của gói hàng. Đồng thời sau khi việc đặt hàng kết thúc họ có cơ chế, có tiêu chí để đánh giá việc đặt hàng đạt hiệu quả như thế nào.
Việt Nam chúng ta cần nhìn từ thực tiễn, tham khảo thực tế và đánh giá tình hình trong nước để xây dựng một bộ tiêu chí phù hợp và hiệu quả.
Thưa bà, để đặt hàng báo chí thành công, người đặt hàng cần gì?
Theo tôi việc đặt hàng có hiệu quả hay không phụ thuộc nhiều vào chiến lược của người đặt hàng.
Người đặt hàng là người nắm rõ nhất nội dung, cách thức thông tin đặt vào nơi nào sẽ hiệu quả. Ví dụ như bây giờ báo mạng điện tử phát triển và hệ thống các thiết bị di động ở khu vực miền núi giúp cho việc tiếp cận thông tin qua sóng di động tốt hơn so với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, vì vậy, các kênh truyền hình sẽ phải chuyển sang sử dụng internet chứ không phải là đầu tư thiết bị, đường dây, rồi trạm thu phát như ngày xưa.
Tóm lại là, người đặt hàng chỉ đưa ra yêu cầu, còn lại người tham gia đấu thầu phải tự mình phải tìm giải pháp tối ưu để làm sao thực hiện tiết kiệm nhất nhưng đạt hiệu quả cao nhất.
Còn nếu mà bản thân loại hình của người nhận đặt hàng không cạnh tranh được, không tìm giải pháp tối ưu so với những nơi khác thì chịu phải thua trong việc đấu thầu, đặt hàng.
Vì vậy, cần phải công khai, minh bạch thông tin trên Cổng thông tin điện tử của thành phố hay của tỉnh.
Trân trọng cảm ơn PGS - TS Đỗ Thị Thu Hằng về cuộc trò chuyện!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.