Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Phải tăng cường giao nhiệm vụ, đặt hàng báo chí

Phạm Hiệp Thứ sáu, ngày 24/12/2021 14:00 PM (GMT+7)
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, việc tự chủ của các cơ quan báo chí ở thời điểm này là một điều cần bàn nhiều. Phó Thủ tướng nhận định, cần phải tăng cường giao nhiệm vụ, đặt hàng báo chí hơn nữa.
Bình luận 0

Quy hoạch là để giúp báo chí phát triển

Tại Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 sáng 24/12, phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam thay mặt Chính phủ cảm ơn các cơ quan báo chí đã đồng hành, góp một phần đặc biệt quan trọng không thể thiếu giúp Chính phủ hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, năm vừa qua nước ta đã có nhiều sự kiện lớn; tình hình đại dịch Covid-19 phức tạp gây tổn thất rất to lớn về người, về của, nhưng trong tất cả khó khăn đó, bằng sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, chúng ta đã nỗ lực vượt qua thách thức, duy trì được công cuộc xây dựng đất nước và báo chí đã góp một phần không nhỏ trong đó.

"Ở những thời khắc dịch bệnh bùng phát ở TP.HCM, có thời điểm lúng túng, nhưng lúc đó lòng tin của nhân dân vào các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vẫn là cao nhất.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Phải tăng cường giao nhiệm vụ, đặt hàng báo chí - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, việc quy hoạch báo chí là để giúp báo chí phát triển mạnh mẽ hơn. Ảnh: PH

Có được điều này, trước hết là nhờ truyền thống của nhân dân, sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và đặc biệt là toàn bộ hệ thống thông tin, truyền thông của chúng ta, trong đó có báo chí. Đây là một sự thật không ai nói khác được… Các nhà báo thực sự là những lực lượng tuyến đầu" - Phó Thủ tướng nói.

Trao đổi về việc sắp xếp, quy hoạch báo chí, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chung ta đã làm được bước đầu tiên về mặt cơ học. Phó Thủ tướng đánh giá, việc quy hoạch báo chí là cả quá trình, không thể nóng vội.

"Mục đích của việc quy hoạch báo chí là để báo chí phát triển, để thực sự đúng là tiếng nói không chỉ của từng cơ quan chủ quản, mà còn là tiếng nói của nhân dân. Việc này chúng ta vẫn phải tiếp tục" - Phó Thủ tướng khẳng định.

Theo Phó Thủ tướng, những sai phạm ở một vài tờ báo, một số nhỏ phóng viên là rất buồn, nhưng cũng là điều lý giải được vì nó cũng xảy ra ở khắp trên thế giới.

"Điều quan trọng nhất, làm sao ra các chính sách quản lý, thực thi quy hoạch làm cho nghiêm, thực chất… Cái gì thấy không phù hợp thì kiến nghị, bổ sung, điều chỉnh, tránh tình trạng văn bản thì như vậy nhưng thực tế không như vậy" - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị.

Đưa ra ví dụ liên quan đến việc quy hoạch, Phó Thủ tướng đặt một vấn đề cụ thể: "Thời báo Kinh tế Việt Nam chuyển xuống tạp chí, hiện nay hoạt động như thế nào? Nếu đúng như tạp chí mà chúng ta tra trên mạng thì anh em làm sao hoạt động được".

"Tôi cho rằng năm 2022, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, chúng ta phải tổng kết, phải đánh giá. Tôi nói mục đích cuối cùng của chúng ta quy hoạch báo chí là để báo chí phát triển, tránh những thứ chạy theo thị trường quá mức, lệch lạc, tránh lãng phí nguồn lực của xã hội" - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Phải tăng cường đặt hàng báo chí

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, muốn báo chí tự chủ được trong giai đoạn hiện nay, các đơn vị phải tăng các yêu cầu giao nhiệm vụ, đặt hàng báo chí.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Phải tăng cường giao nhiệm vụ, đặt hàng báo chí - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị cần phải tăng cường giao nhiệm vụ, đặt hàng báo chí trước mong muốn tự chủ báo chí. Ảnh: Thanh Niên

"Một mặt mình yêu cầu anh em rất cao, cạnh tranh rất khốc liệt với mạng xã hội, trong nước, quốc tế, nhưng mình không có cơ chế đảm bảo. Đảm bảo bây giờ thì đặt hàng" - Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, việc này Bộ Thông tin và Truyền thông phải là đầu mối của các cơ quan báo chí để làm việc với các cơ quan về tài chính, các bộ, ngành.

"Như các tham luận đã nói, các bộ, ngành ra chủ trương, chính sách, mình phải tuyên truyền, vận động trước khi ban hành, trong ban hành và sau ban hành để theo dõi chính sách đấy. Muốn thế phải truyền thông. Mình cũng phải giao nhiệm vụ, đặt hàng cho báo chí" - Phó Thủ tướng nêu vấn đề.

Chia sẻ tiếp về sự cạnh tranh thông tin của mạng xã hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhìn nhận: "Điều duy nhất bây giờ chúng ta phải làm là minh bạch thông tin một cách nhanh nhất có thể. Muốn nhanh nhất có thể thì các cơ quan phải chủ động".

Bên cạnh đó, liên quan đến việc chuyển đổi số, Phó Thủ tướng nhận định có một điều rất quan trọng trong việc này, đó là dữ liệu.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, dữ liệu là sống còn và các cơ quan báo chí đã ý thức được việc này. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng đề nghị cần phải xử lý dữ liệu không chỉ của mình mà phải liên quan đến tất cả các ngành khác thì "bút mới sắc", mới có tác phẩm hay.

Nhà nước là khách hàng lớn của cơ quan báo chí

Đánh giá việc thực hiện quy hoạch báo chí 3 năm qua, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Phạm Anh Tuấn cho biết, việc sắp xếp cơ quan báo chí được một bước ở dạng cơ học.

Giai đoạn đến 2025 là giai đoạn phát triển về chất của báo chí, với quan điểm giải quyết được các tồn tại, vướng mắc trong giai đoạn sắp xếp vừa rồi và tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí phát triển về chất.

Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn đưa ra các bất cập sau khi một số cơ quan báo chí được sắp xếp, chuyển đổi mô hình, như còn tình trạng kiểm soát thiếu chặt chẽ đối với việc đăng, sửa, xóa tin, bài trên báo, tạp chí điện tử hoặc trên chuyên trang, ấn phẩm của cơ quan báo chí.

Bên cạnh đó, một số cơ quan báo chí sau khi được cấp phép lại vẫn có biểu hiện chuyên trang điện tử hoạt động theo tên miền độc lập cũ, không đúng với giấy phép được cấp, gây khó khăn cho việc thống nhất chỉ đạo, hoạt động.

Mặt khác, một số tạp chí được cấp phép hoạt động tạp chí khoa học nhưng thực tế sử dụng giấy phép hoạt động báo chí, thẻ nhà báo để hoạt động tác nghiệp có dấu hiệu vượt quá thẩm quyền…

Để giải quyết các vấn đề, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đã thông tin về 7 định hướng lớn, trong đó tiếp tục thực hiện nghiêm theo nội dung quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.

Ở tiến trình đó, xây dựng cơ quan báo chí chủ lực, một số cơ quan báo chí cách mạng có ảnh hưởng lớn; rà soát, phân loại các cơ quan báo, tạp chí để có định hướng cụ thể cho hoạt động của từng nhóm.

Ngoài ra, hoàn thiện thể chế cho hoạt động của cơ quan báo chí; nghiên cứu các quy định hoạt động của báo chí trên không gian mạng để tạo điều kiện cho báo chí mở rộng không gian hoạt động nhưng vẫn giữ được tính báo chí cách mạng là một trong nhiều định hướng được đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông nêu ra.

Đáng chú ý, theo Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn, hoạt động kinh tế cho cơ quan báo chí trong đó xác định rõ Nhà nước là khách hàng lớn của cơ quan báo chí. Đồng thời, chuyển đổi số cho hoạt động báo chí đảm bảo cho cơ quan báo chí phát triển phù hợp với xu hướng chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí hiện đại…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem