LTS: Nhà báo Lưu Quang Định Tổng Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay cho rằng, Nhà nước tăng cường “đặt hàng” các báo đáp ứng nhiệm vụ tuyên truyền, vừa giúp khẳng định vai trò của báo chí, vừa là cách đồng hành cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này. Quan điểm nói trên được nhà báo Lưu Quang Định đưa ra tại Diễn đàn Tổng Biên tập “Báo chí và bài toán phát triển nguồn thu” do báo Nhà báo và Công luận tổ chức.
Chồng chất khó khăn
Có lẽ chưa khi nào ngành báo chí rơi vào khó khăn như giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 giống như giọt nước tràn ly khiến ngành báo chí nước nhà không tránh khỏi những mất mát.
Báo in thì giảm phát hành, báo điện tử thì mặc dù lượng người đọc tăng nhưng quảng cáo gần như không có bởi doanh nghiệp khó khăn. Ngay cả các hợp đồng truyền thông đã ký trước đó cũng bị đình lại. Nguồn thu của các cơ quan báo chí hầu hết đều giảm mạnh.
Có đơn vị đã phải tạm đình bản. Nhiều cơ quan báo chí đã phải thực hiện những quyết sách rất “đau lòng” đó là cắt giảm chi tiêu, điều chỉnh lương, thưởng, nhuận bút, thậm chí sa thải bớt lao động...
Báo NTNN/Dân Việt cũng không nằm ngoài “vòng xoáy” đó, chỉ tính riêng quý I/2020 doanh thu của Báo NTNN/Dân Việt đã giảm tới 30%; chưa kể Báo NTNN/Dân Việt cũng gặp những khó khăn riêng, mang tính đặc thù khi bạn đọc đa số ở vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí thấp... Rồi giá giấy in, công in ngày càng cao trong khi nguồn thu lại giảm. Báo NTNN/Dân Việt cũng đã buộc phải đưa những quy định mới để “thắt lưng buộc bụng”, tuy chưa phải giảm lương, giảm nhân sự nhưng cũng đã buộc phải điều chỉnh các hệ số phụ cấp, tính toán lại nguồn chi để vừa đảm bảo hoạt động của tòa soạn, vừa đảm bảo đời sống của cán bộ, công nhân viên.
Với vai trò là tổng biên tập, là người chịu trách nhiệm cao nhất ở mỗi cơ quan báo chí, tôi tin không chỉ riêng tôi mà tất cả các tổng biên tập các cơ quan báo chí khác đều chung một trăn trở: làm sao để tăng nguồn thu?
- Bài toán đa dạng hóa nguồn thu luôn là thách thức lớn của bất cứ cơ quan báo chí nào, nhất là với những đơn vị độc lập thu chi như NTNN/Dân Việt. Vì thế, không phải đến giai đoạn khó khăn này chúng tôi mới tính đến các đường đi nước bước, mà từ nhiều năm trước, Ban Biên tập Báo NTNN đã luôn trăn trở tìm nhiều giải pháp để tăng nguồn thu, mang lại thu nhập cao hơn cho báo, đồng nghĩa với đời sống của cán bộ, phóng viên, BTV được đảm bảo hơn.
Trước khi đi vào chia sẻ các biện pháp cụ thể để đa dạng hóa, nâng cao nguồn thu, cũng xin phải khẳng định ngay hai điều kiện tiên quyết:
Một là: Dù làm gì thì vẫn phải chú ý đảm bảo và không ngừng nâng cao chất lượng các sản phẩm báo chí của mình. Dù chúng ta có làm kinh tế giỏi đến đâu mà chất lượng tờ báo bị coi nhẹ, thì sớm muộn cũng mất uy tín, mất hình ảnh, mất thương hiệu trong lòng bạn đọc. Tờ báo muốn sống được, tồn tại lâu hay không chính là nhờ vào chất lượng các bài viết, các chuyên mục, có chạm được đến cảm xúc, trái tim của bạn đọc hay không?
Hai là: Mọi giải pháp phát triển nguồn thu đều dựa trên việc phục vụ những độc giả trung thành của tờ báo. Đối với Báo Nông thôn Ngày nay, đó là những độc giả trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Xây dựng chuyên mục có thu tiền
Trong những năm vừa qua, nhằm phát triển nguồn thu Báo Nông thôn Ngày nay đã tiến hành hàng loạt các công việc như sau:
1. Đối với báo giấy, cố gắng phát triển thêm lượng bạn đọc mới nhằm chống lại đà sụt giảm nói chung của báo giấy. Tại đại hội Trung ương Hội Nông dân lần thứ 8 năm 2018, báo đã tham mưu để Đại hội thông qua một chỉ tiêu quan trọng đối với tờ báo. Đó là, 100% chi hội nông dân có Báo Nông thôn Ngày nay. Đó là tiền đề, “hành lang pháp lý” quan trọng để Báo Nông thôn Ngày nay đến với đông đảo bạn đọc.
2. Tăng cường các hình thức phát hành đa nền tảng trên các sản phẩm báo chí điện tử (trang web, youtube, TikTok, zalo...) sử dụng tối đa hình ảnh, clip, đồ hoạ, infor- graphic... Điều này giúp cho các sản phẩm báo chí điện tử của chúng tôi tăng trưởng lượng truy cập, qua đó nguồn thu từ quảng cáo cũng không ngừng được cải thiện.
3. Xây dựng các chuyên mục có thu tiền: Những chuyên mục này của Báo Nông thôn Ngày nay vẫn dựa trên tôn chỉ mục đích của tờ báo là “Sát cánh cùng nông dân Việt”, với những nội dung thiết thực cho nông dân, như: Thời tiết nông vụ, giá cả thị trường, những bài phân tích có tính chuyên môn cao. Yêu cầu của các chuyên mục có thu tiền này là phải riêng biệt, có thể mang đến lợi ích tức thời cho người nông dân.
4. Tổ chức sự kiện: Trong những năm vừa qua, được sự cho phép của Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Báo Nông thôn Ngày nay đã tổ chức hàng loạt sự kiện lớn, như: Chương trình Tự hào nông dân Việt Nam (thường niên), Diễn đàn nông dân quốc gia (thường niên), Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân. Mỗi năm Báo Nông thôn Ngày nay tổ chức khoảng 20 sự kiện lớn nhỏ, như: chương trình Tự hào nông dân Việt Nam (thường niên), Diễn đàn nông dân quốc gia (thường niên), Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân; các hội thảo chuyên ngành (Hội thảo tín dụng tiêu dùng không dùng tiền mặt, hội thảo CPTTP, cơ hội và giải pháp, hội thảo phát triển du lịch nông nghiệp); các tọa đàm giao lưu trực tuyến.
Những sự kiện này vừa có tác dụng tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và Hội Nông dân Việt Nam khẳng định thương hiệu của tờ báo, vừa tạo ra những nguồn thu không nhỏ cho Báo Nông thôn Ngày nay. Tính đến nay, nguồn thu từ việc tổ chức sự kiện chiếm đến 25 - 30% doanh thu quảng cáo tuyên truyền.
5. Tổ chức các cuộc thi: Trong những năm vừa qua, Báo Nông thôn Ngày nay thường xuyên, liên tục tổ chức các cuộc thi liên quan đến nông nghiệp, nông dân nông thôn, như: cuộc thi viết Tự hào nông dân Việt Nam, cuộc thi Tôi là nông dân 4.0, cuộc thi Làm nông nghiệp công nghệ cao, cuộc thi viết Truyện ngắn Làng Việt thời hội nhập. Các cuộc thi này vừa nhằm mở rộng bạn đọc, vừa thu hút thêm nguồn tài trợ.
6. Tích cực, chủ động phát triển các thông tin đặt hàng: Thay vì ngồi chờ các đối tác tìm đến, chúng tôi đã chủ động tìm đến doanh nghiệp, bộ ngành, địa phương đặt vấn đề truyền thông. Ví dụ trước vụ hè thu, chúng tôi tìm đến doanh nghiệp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. xem họ có sản phẩm gì mới để chúng tôi truyền thông. Chúng tôi cũng chủ động tạo các quan hệ với các bộ, ngành liên quan (Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Lao động Thương binh và xã hội, Ngân hàng Nhà nước.), các địa phương (Bắc Giang trước mùa vải thiều.) đặt vấn đề truyền thông về sản phẩm, chính sách cho phát triển nông nghiệp. Tỷ lệ doanh số từ các hoạt động tuyên truyền đặt hàng này không ngừng nâng cao qua từng năm.
7. Xuất bản các đặc san: Trong những năm qua, Báo Nông thôn Ngày nay đã thí điểm xuất bản các đặc san chuyên biệt về nông nghiệp, nông dân, nông thôn như Đẩy mạnh nông nghiệp 4.0, 10 năm phong trào nông thôn mới, Nâng cao hiệu quả đầu tư nông nghiệp. Những đặc san này giải quyết nhu cầu bức thiết nhất của người nông dân, địa phương, bộ ngành. Bên cạnh đó, các đặc san cũng mang lại những nguồn thu rất tốt cho Báo Nông thôn Ngày nay.
8. Không chỉ dừng lại ở tuyên truyền, chúng tôi còn trực tiếp tham gia vào các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tháng 5/2019, kỷ niệm 35 năm thành lập Báo Nông thôn Ngày nay, chúng tôi đã cho ra mắt Trung tâm kết nối nông sản của báo và trang web chonongsandanviet.vn. Trung tâm này nhằm góp phần giải quyết nhu cầu lớn nhất của người nông dân trong thời điểm hiện nay là tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đang từng bước tạo thêm những nguồn thu mới cho Báo Nông thôn Ngày nay. Ví dụ, gần đây nhất trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, Trung tâm đã ký hợp đồng với tỉnh Sóc Trăng tiêu thụ 100 tấn gạo ngon nhất thế giới (ST 24). Hiện nay hàng trăm nông sản của người nông dân với tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, chất lượng cao nhất đang được giới thiệu tại Trung tâm (13 Thụy Khuê, Hà Nội) cũng như trên web chonongsandanviet.vn.
9. Trong tương lai, tiếp tục đi theo hướng đẩy mạnh kinh doanh này, chúng tôi còn dự kiến có một số dự án như sau:
Thành lập công ty du lịch chuyên kinh doanh sản phẩm du lịch nông nghiệp trong và ngoài nước. Đối với du lịch ngoài nước, trong những năm vừa qua, chúng tôi đã thí điểm thực hiện đưa nông dân đi tham quan các mô hình nông nghiệp tiên tiến tại Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Tháng 4 vừa qua, theo kế hoạch, nếu không vướng dịch Covid-19, chúng tôi đã tổ chức đoàn nông dân đi thăm quan Israel, đất nước có nền nông nghiệp tiên tiến bậc nhất thế giới. Đối với trong nước, chúng tôi sẽ tổ chức các tour từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc. để tạo điều kiện cho nông dân cả nước giao lưu học hỏi, tìm kiếm đối tác.
Thành lập trung tâm giới thiệu người giúp việc thuộc Báo Nông thôn Ngày nay. Nhu cầu tìm người giúp việc hiện rất lớn ở các đô thị lớn trong toàn quốc. Nhu cầu lên thành phố làm người giúp việc cũng đang lớn đối với phụ nữ nông thôn. Với thế mạnh của tổ chức hội nông dân từ cơ sở, lại có quan hệ rất tốt với các cơ quan chức năng của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, Tổng cục Dạy nghề, chúng tôi tin tưởng làm tốt việc này.
Trực tiếp xây dựng 1 trang trại kiểu mẫu thuộc Báo Nông thôn Ngày nay: Hiện nay, các sản phẩm báo chí của Báo giới thiệu rất nhiều các mô hình sản xuất kinh doanh xuất sắc của nông dân. Học tập kinh nghiệm từ những mô hình này, với tiềm lực tài chính, kiến thức, quan hệ với các chuyên gia chúng tôi tin tưởng có thể xây dựng được 1 vài trang trại, hợp tác xã, công ty cổ phần. thuộc Báo Nông thôn Ngày nay. Những mô hình này vừa là điạ chỉ trình diễn, tham quan các mô hình sản xuất tiên tiến, vừa có thể mang lại nguồn thu không nhỏ cho báo trong tương lai.
Tất cả những hoạt động trên của Báo NTNN/Dân Việt có thể chưa phải đã thành công tất cả. Có cái thành công, có cái thất bại. Thời gian tới, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục đi đúng theo mục đích “Sát cánh vì nông dân Việt” của mình. Bất cứ hoạt động, chương trình nào, cũng sẽ đều gắn liền với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã từng trích dẫn câu nói: “Muốn đi xa hãy đi cùng nhau”, tất cả những kế hoạch, hướng đi mà báo chúng tôi đề ra chắc chắn sẽ không thể thành công nếu không có một “môi trường” thích hợp.
Môi trường đó chính là những chính sách của Đảng và Nhà nước trong vấn đề báo chí làm kinh tế. Các chính sách liên quan đến vấn đề này rất thiếu hoặc không rõ ràng. Còn nhớ năm ngoái khi thành lập Trung tâm kết nối nông sản, chúng tôi có tổ chức Sàn giao dịch nông sản nhưng thủ tục rất phức tạp, phải qua nhiều khâu, nhiều công đoạn vì thiếu chủ trương, thiếu hướng dẫn cụ thể.
Để trợ giúp các cơ quan báo chí vừa đi đúng hướng, vừa có thêm nguồn thu, tại diễn đàn này tôi cũng đề nghị Nhà nước cần tăng cường “đặt hàng” các báo. Đó cũng chính là đáp ứng nhiệm vụ tuyên truyền, khẳng định vai trò của báo chí, cũng là cách đồng hành cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Vẫn biết khó khăn không thể kết thúc một sớm một chiều, mỗi cơ quan báo chí đều sẽ có những hướng đi riêng không chỉ đứng vững trong gian khó, mà còn tiếp tục phát triển, đảm bảo đời sống của các cán bộ, phóng viên, BTV. Tôi tin rằng, nếu năng động và mạnh dạn, chắc chắn chúng ta sẽ cùng nhau vượt khó thành công.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.