Không ít người băn khoăn, việc PGS-TS Bùi Hiền chuyển thể tác phẩm “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du từ chữ quốc ngữ sang chữ cải tiến sẽ phá vỡ giá trị tư tưởng thẩm mỹ của truyện.
Ngoài ra, việc đọc "Truyện Kiều" thế nào theo chữ cải tiến cũng khiến bạn đọc hoang mang. Nhiều người “méo miệng”, quẹo lưỡi để đọc.
Về điều này, PGS-TS Bùi Hiền cho biết, khi ông viết lại "Truyện Kiều" bằng chữ cải tiến mới, giá trị vốn có của tác phẩm này không hề bị mất đi như trong suy nghĩ của nhiều người.
Ông cho rằng, nhiều người đã nhầm lẫn giữa chữ viết và tiếng nói. Ông chỉ cải tiến chữ viết để giản tiện hơn, còn tiếng nói, tiếng Việt vẫn không thay đổi.
Trước đó, tác giả đề xuất cải tiến chữ viết đã công bố 3.254 câu thơ lục bát của Truyện Kiều bằng ngôn ngữ "Tiếw Việt". Để chuyển thể toàn bộ tác phẩm này, ông mất trọn 10 ngày đầu tiên của năm 2018, làm việc liên tục trên máy tính từ 9-10 tiếng/ ngày. Dù mắt đã mờ, tay run, nhưng ông vẫn kiên trì, kỳ cạch gõ từng chữ.
Ông cho biết, việc làm này chỉ để thỏa mãn niềm đam mê cá nhân. Toàn bộ tác phẩm "Truyện Kiều" được PGS Bùi Hiền chuyển thành "Cuyện Kiều" với tên tác giả cũng được "dịch" thành "Wuyễn Zu". Hiện ông đã in ra một số bản để tặng bạn bè thân thiết.
Về lý do chọn Truyện Kiều chứ không phải một tác phẩm khác để dịch sang chữ cải tiến, PGS Bùi Hiền cho biết vì đây là một trong những tác phẩm kinh điển của nền văn học Việt Nam. Không chỉ nhiều người dân Việt Nam, mà chính bản thân ông cũng rất thích "Truyện Kiều" nên muốn thử nghiệm.
Cách viết cải tiến tiếng Việt mà PGS.TS. Bùi Hiền (nguyên Hiệu phó trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội) đề xuất trong cuốn sách vừa xuất bản gây nhiều tranh cãi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.