Trao đổi với NTNN - Dân Việt, PGS-TS Chung Á – nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS nói: “Việc cấm đoán cứng nhắc, quy định kiểu khó khả thi như vậy không khiến mại dâm biến mất mà chỉ làm cho nó biến tướng và rút lui vào hoạt động bí mật, gây thêm nhiều hệ lụy cho xã hội.
Vì sao ông nhận xét là sẽ có “biến tướng” của nạn mại dâm?
- Hiện tôi đang đi khảo sát tình hình mua bán dâm ở nhiều địa phương để tiến tới đề xuất các biện pháp giảm tác hại của tình trạng này.
Có thể dễ dàng nhận thấy, việc mua bán dâm đang ngày càng phổ biến ở nhiều vùng, không chỉ ở thành phố đông đúc mà lan rộng xuống tận các vùng nông thôn.
Ngoài ra, mại dâm không chỉ là một món hàng “bày ra bán” như ngày trước mà nó đã biến tướng với nhiều hình thức môi giới, chèo kéo khách, từ hệ thống nhà hàng, khách sạn, quán karaoke, cắt tóc gội đầu… đến mạng Internet.
Ông nhận định thế nào về đề xuất ngoài xử phạt hành chính, thông báo công khai danh tính về địa phương, còn phải xử phạt người mua dâm bằng cách buộc lao động công ích, ví dụ như dọn rác, quét đường của Hà Nội?
Nhìn ở góc độ nhân văn, mại dâm giải quyết được một vấn đề xã hội nhạy cảm...
- Có thể thấy, sau khi áp dụng các biện pháp hành chính cứng rắn với người bán dâm (bắt đi giáo dục đạo đức, dạy nghề tại các trung tâm bảo trợ xã hội) không thành, giờ đây, một số cơ quan đã tìm các biện pháp để tác động tới người mua dâm.
Tuy nhiên, chính sách phải đặt vào thực tế cuộc sống, đừng vì cái lợi này lại làm phát sinh nhiều cái hại khác. Hơn nữa, có nhu cầu tình dục, người ta vẫn sẽ tìm đến mại dâm. Nhưng nếu sợ bị bắt, bị hạ nhục, họ sẽ có nhiều hành động cực đoan hơn, mại dâm lén lút hơn, quan hệ tình dục cũng sẽ không an toàn, bệnh tật gia tăng…
Nhưng thực tế hiện nay, việc xử phạt hành chính vài trăm nghìn đối với người bán dâm mà nương tay với người mua dâm sẽ không đủ răn đe...
- Mua dâm không chỉ là vấn đề trụy lạc, suy đồi đạo đức, bệnh hoạn như nhiều người vẫn định kiến. Nó có thể là nỗi niềm của người đàn ông xa vợ, không có bạn gái. Cũng có thể là người phụ nữ khao khát thỏa mãn mà lại sống cô đơn hoặc chồng không thể đáp ứng. Lúc đó, việc tìm bạn tình tạm thời, cặp bồ cũng chẳng dễ, thậm chí nếu có mà sự việc bại lộ thì gia đình cũng rối ren, dư luận cũng lên án.
Còn “nhịn” thì cũng khiến người ta bức bối, ám ảnh, sinh ra những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng hơn như quấy rối tình dục, hiếp dâm, trầm cảm… Nhìn ở góc độ nhân văn, mại dâm giải quyết được một vấn đề xã hội nhạy cảm. Tuy nhiên, nếu để mại dâm phát triển tràn lan, không có các biện pháp quản lý tốt thì dễ nảy sinh các hệ lụy như: Mất trật tự xã hội, lan truyền bệnh lây truyền qua đường tình dục, trong đó có HIV/AIDS. Do đó, việc kiểm soát là đúng đắn.
Vậy ông có đề xuất nào để hạn chế tệ nạn mua bán dâm, dần dần giải quyết lâu dài, triệt để?
- Theo tôi hiện nay, mại dâm càng ngày càng khó giải quyết, khó kiểm soát là vì mại dâm không còn chỉ “đứng đường” mà len lỏi vào hệ thống nhà hàng, khách sạn, quán mát xa, gội đầu… Chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận, chính những ngành nghề nhạy cảm này đã tiếp tay cho mại dâm phát triển.
Trước mắt, cơ quan quản lý cần tổ chức chặt chẽ việc cấp phép hoạt động một số ngành nghề nhạy cảm với những điều kiện cụ thể, như xa khu dân cư, xa trường học, tập trung, dễ kiểm soát, dễ can thiệp giảm tác hại các hệ lụy xấu do sự biến tướng của các dịch vụ nhạy cảm này gây ra như mua bán dâm, bảo kê, tổ chức mại dâm tập thể, buôn bán người làm mại dâm, bạo lực tình dục... Nếu chúng ta chưa thể xóa bỏ được mại dâm thì nên thẳng thắn nhìn nhận để đưa ra các biện pháp giảm hại.
Xin cảm ơn ông!
Giữa tháng 7, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Hà Nội (Sở LĐTBXH) đã có các đề xuất liên quan tới kiểm soát mại dâm trên địa bàn. Trong đó có đề xuất: “Đối với người mua dâm, ngoài xử phạt hành chính, thông báo công khai về địa phương, còn phải xử phạt thêm bằng lao động công ích”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.