PGS-TS Nguyễn Thành Lợi: Mạng xã hội là đối thủ, cũng là đối tác

Hoàng Thắng Thứ ba, ngày 20/06/2017 06:18 AM (GMT+7)
Sự phát triển của mạng xã hội là xu thế tất yếu. Thay vì cạnh tranh, các tờ báo cần học cách sống chung, hòa nhập và tận dụng ưu thế của mạng xã hội để mở rộng đối tượng và số lượng độc giả cho tờ báo của mình. Muốn tồn tại, hãy tìm một lối đi riêng cho mình.
Bình luận 0

Đi trước sẽ chiếm lĩnh không gian ảo

Chia sẻ về xu thế phát triển của báo chí, đặc biệt là loại hình báo điện tử trong thời gian tới trước “cơn bão” khó lường mang tên mạng xã hội, PGS-TS Nguyễn Thành Lợi - Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam – Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm Báo cho rằng, mạng xã hội (MXH) là một thành quả của nhân loại trong thế kỷ 21.

imgThay vì chờ đợi như trước đây, độc giả có thể trực tiếp truyền tải thông tin qua mạng xã hội chỉ với một chiếc điện thoại thông minh (Smarphone) hoặc máy tính bảng (Ipad)

Khi các trang MXH phát triển, chúng nghiễm nhiên trở thành “đối thủ” của báo chí truyền thống vì MXH cũng có nhóm công chúng nhất định. Nếu báo chí không thể cung cấp thông tin kịp thời và toàn diện, công chúng có thiên hướng chuyển sang đọc tin trên MXH để thỏa mãn nhu cầu về thông tin. Dù báo điện tử có thể cung cấp thông tin nhanh, kịp thời, có khả năng tương tác trực tiếp với công chúng, song MXH vẫn đang dần chiếm lĩnh “không gian ảo” trên Internet. Bởi chúng cho phép người dùng được sản xuất thông tin theo nhu cầu và sở thích của họ. Người dùng có thể dễ dàng viết, đăng hình ảnh, video, dòng trạng thái cung cấp thông tin.

PGS-TS Nguyễn Thành Lợi phân tích: “Khi đang đi trên đường bắt gặp một đám cháy, ngay lập tức, mọi người có thể sử dụng điện thoại để quay lại, rồi chia sẻ trên MXH. Chính những thông tin họ đưa lại thu hút sự chú ý của người dân, bởi chúng ảnh hưởng trực tiếp tới những người đang sinh sống tại khu vực đó. Những người sử dụng MXH khác sẽ chia sẻ, lan truyền những thông tin này một cách nhanh chóng”. Từ đây, theo TS Lợi sẽ đặt ra một vấn đề là nếu báo điện tử không thể đăng tải kịp thời những thông tin chính thống về sự kiện đó, mà cứ mãi đi sau MXH thì sẽ gặp nhiều khó khăn. “Bởi trong cuộc cạnh tranh thông tin đầy khốc liệt như hiện nay, thông tin đi trước luôn chiếm lĩnh không gian ảo. Thậm chí, có thể nắn dòng và định hướng được thông tin” - TS Lợi nhấn mạnh.

Theo đó, báo điện tử sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Đầu tiên, khi phải chịu sức ép về thời gian, một số nhà báo đã lấy thông tin từ mạng xã hội và những nguồn tin không chính thống, chưa được kiểm chứng “chính thống hóa” thành bài báo của mình. Điều này rất dễ dẫn tới thông tin sai sự thật.

Tiếp theo, mạng xã hội có chức năng cuộn tin (scrolling news), liên tục cập nhật tin mới. Nhờ chiếc điện thoại thông minh, một người dùng mạng xã hội có thể quay phim, chụp ảnh, phát hình ảnh trực tiếp từ hiện trường xảy ra sự kiện, rồi liên tục chia sẻ, tương tác trực tiếp với rất nhiều người dùng MXH khác. Vậy nên, khi có thông tin nóng, mọi người thường có xu hướng vào MXH đọc tin trước. Rõ ràng, khả năng cập nhật thông tin và đa dạng hóa thông tin của mạng xã hội tốt hơn báo điện tử…

Ngoài ra, còn rất nhiều thách thức về kỹ năng tác nghiệp của người làm báo, vấn đề luật pháp, đạo đức nghề nghiệp… trong cuộc chạy đua với MXH.

Hãy hòa nhập, không hòa tan

Trước sự “lấn sân” mạnh mẽ của các MXH, nhiều tờ báo lớn trên thế giới đã chọn cách thay đổi để tồn tại trong môi trường số. Theo PGS Nguyễn Thành Lợi, điều này nằm trong xu thế phát triển chung của báo chí hiện đại. Độc giả hiện nay đã không còn bị động như trước, chỉ cần có kết nối mạng là họ có thể tiếp cận với thông tin trên toàn cầu chứ không còn chờ đợi tới giờ để nhận báo, xem truyền hình như trước đây.

Cùng một sự kiện nhưng có rất nhiều tờ báo cùng làm, độc giả họ chỉ cần đọc 1, 2 tờ thôi rồi sẽ không đọc tờ khác. Nhưng độc giả sẽ tìm ở tờ báo những điểm mới, mang tính phát hiện. Đằng sau sự kiện đó, tờ báo cung cấp cho họ thông tin gì”.

PGS -TS Nguyễn Thành Lợi

Trên thế giới, tờ New York Times đã thành công khi thay đổi vai trò của độc giả, giúp độc giả “trở thành một phần lớn hơn trong hoạt động đưa tin”. Khi đọc một bài báo trên tờ The New York Times, trải nghiệm không chỉ dừng lại khi hết bài viết. Di chuyển xuống phía dưới, độc giả sẽ tiếp tục được đọc những nhận xét thấu đáo vốn xuất hiện trên các trang tin tức. Kể từ những ngày đầu tiên khi đăng tải các bài viết trực tuyến, The New York Times đã nổi tiếng với cộng đồng online mạnh mẽ của mình. Đây là một trong số ít những nguồn tin biết làm dấy lên những cuộc hội thoại phong phú, nơi mà độc giả quan tâm và chia sẻ suy nghĩ của họ. Trong khi đó, tạp chí Times lại chọn cách đăng tải những bài viết phân tích, định hướng, mổ xẻ vấn đề xã hội.

Còn tại Việt Nam, một số tờ báo điện tử lớn đã đi đầu trong việc áp dụng công nghệ hiện đại vào báo chí, tạo ra nhiều sản phẩm báo chí đa phương tiện. PGS-TS Nguyễn Thành Lợi chia sẻ: “Muốn làm báo hiện đại, tờ báo phải sở hữu nền tảng công nghệ và kỹ thuật tốt. Từ nền tảng đó, mới có thể phát triển về mặt nội dung và hình thức thể hiện. Nhiều tờ báo đã mở rộng thêm nhóm công chúng mục tiêu nhờ phát triển thêm kênh mạng xã hội, chuyên trang đặc biệt cho chính tờ báo của mình như Vietnam Plus, VnExpress, Dân Trí... Điều này giúp các tờ báo có thêm độc giả, tăng lượng tương tác, chia sẻ”.

Cũng theo TS Lợi, nhiều tờ báo điện tử thậm chí đã đầu tư cả trang tiếng nước ngoài, bởi Việt Nam đang trong quá trình hội nhập với toàn cầu. Nhiều người nước ngoài mong muốn tìm hiểu tin tức về Việt Nam mà các tờ báo chỉ có trang tin tiếng Việt thôi thì độc giả quốc tế không thể đọc được. Họ cần các bản tin tiếng Anh, Nga, Trung hay Tây Ban Nha. “Tôi cho rằng, tờ báo nào sở hữu nền tảng công nghệ, kỹ thuật tốt, đa dạng hóa ngôn ngữ sẽ khẳng định được vị thế của mình”-ông Lợi khẳng định.

Tuy nhiên, PGS-TS Nguyễn Thành Lợi cũng cho rằng, thay vì đầu tư vào tất cả các mảng, nên tập trung chuyên sâu vào những mảng thông tin thế mạnh của tờ báo. Ở những mảng đó, cần tạo ra tiếng nói nhất định trong lòng công chúng. Ngoài ra, không nên tập trung quá nhiều vào tin tức giật gân, câu khách để cạnh tranh với MXH dù chúng là tin đúng sự thật. MXH đóng vai trò vừa là đối tác, vừa là đối thủ của báo chí. Phải chấp nhận rằng, sự phát triển của MXH là xu thế tất yếu, không thể kìm hãm được. Các tờ báo cần học cách sống chung, tận dụng ưu thế của mạng xã hội để mở rộng thêm nhóm độc giả mục tiêu, rồi kéo họ về với tờ báo của mình. Không nên coi MXH là một đối thủ, tìm cách xa lánh, cạnh tranh với chúng.

PGS Lợi tiết lộ: Sắp tới, trên báo điện tử, chúng tôi sẽ tập trung vào xu hướng phát triển của báo chí, truyền thông hiện đại. Tôi mong muốn xây dựng một tờ báo dành cho công chúng nói chung, những người quan tâm tới báo chí nói riêng hiểu và xây dựng mối quan hệ tốt với báo chí, có nhiều hơn sự tương tác, chia sẻ với báo chí để họ tin báo chí hơn.

“Sức ép cạnh tranh với MXH và các tờ báo khác khiến nhiều phóng viên, biên tập viên quá chú trọng tới kỹ năng rút tít cho báo điện tử, dễ dẫn tới tít bài một đằng, nội dung một nẻo. Điều này dẫn đến sự xô lệch không đáng có giữa báo chí truyền thống và báo chí hiện đại. Có thể thấy hiện nay ngôn ngữ báo chí hiện đại đã khác hơn nhiều so với trước kia”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem