Nhiều người bị mạng xã hội “kết án oan”

Thanh Xuân (thực hiện) Thứ bảy, ngày 17/06/2017 06:05 AM (GMT+7)
Báo điện tử hoàn toàn vẫn có thể cạnh tranh với mạng xã hội khi mạng xã hội có một “nhược điểm” nghiêm trọng và khó khắc phục – đó là vấn nạn tin giả. Ông Lê Quang Tự Do - Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử (Bộ TTTT) cho rằng nhiều người vô tội đã bị mạng xã hội “tuyên án” để rồi phải chịu những hậu quả khôn lường.
Bình luận 0

img 

Ông Lê Quang Tự Do .

4 dạng tin độc, giả

Với sự phát triển của khoa học công nghệ, mạng xã hội cũng phát triển với tốc độ thần tốc. Tuy nhiên, ngoài những tiện ích của mạng xã hội đem lại thì cũng còn nhiều mặt trái, nhất là khi các loại tin độc, tin giả mạo tràn lan trên mạng xã hội mà không thể kiểm soát. Ông đánh giá thế nào về thực trạng này?

- Thực tế cho thấy, mạng xã hội xuất hiện cách đây khoảng 12 năm, 5 năm đầu mạng xã hội có rất nhiều tính ưu việt cho người sử dụng. Tuy nhiên, 5 năm trở lại đây, mạng xã hội đã xuất hiện rất nhiều mặt trái, gây tác động xấu tới các cá nhân, tổ chức, cộng đồng. Trong đó, đặc biệt phải kể tới hậu quả từ tin giả mạo, tin sai sự thật.

Thực trạng này không chỉ Việt Nam mà rất nhiều nước phải đối mặt. Ví dụ như cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, tin giả mạo, tin độc đã gây ra tác động lớn tới kết quả cuộc bầu cử. Hay gần đây như cuộc bầu cử Tổng thống Pháp cũng có cáo buộc về những thông tin sai sự thật lan tỏa trên mạng xã hội…

Theo thống kê của chúng tôi, Việt Nam hiện đang có hơn 35 triệu người sử dụng mạng xã hội (mạng XH), chiếm 37% dân số, với thời lượng trung bình khoảng 2 giờ 18 phút mỗi ngày. Ngoài những tiện ích đem lại thì nhiều người tham gia vào mạng XH cho biết từng là nạn nhân của những phát ngôn gây thù gét, nói xấu, phỉ báng, bôi nhọ danh dự, vu khống, bịa đặt…

img

Thời gian qua, Bộ TTTT đã gửi 3.500 link xấu độc cho Youtube và đơn vị này 

đã gỡ được hơn 50%. Ảnh: I.T

Các cơ quan chức năng có thống kê được hàng ngày, hàng tháng, hàng năm, mạng XH có bao nhiêu tin độc, tin giả mạo tại Việt Nam? Các loại tin giả, tin độc thường thuộc loại nào thưa ông?

- Hiện nay, chúng tôi không thể tính được tỷ lệ, nhưng có thể phân ra làm 4 loại tin xấu thường xuyên xuất hiện và phổ biến nhất trên mạng.

Thứ nhất là thông tin xuyên tạc, bịa đặt, ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, nhằm mục tiêu chống phá chế độ, chống phá nhà nước. Các loại thông tin này thường do các thế lực thù địch, phản động bên ngoài, bịa đặt những thông tin Đảng, Nhà nước có những hành động thế này, thế kia nhưng hoàn toàn không có sự việc đó.

Thứ hai là thông tin kích động, khủng bố, kỳ thị dân tộc, tôn giáo… cũng được tung lên mạng xã hội nhằm kích động thù hằn dân tộc, tôn giáo, sắc tộc, gây chia rẽ cũng rất phổ biến.

Thứ ba là loại thông tin xúc phạm danh dự của các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức. Kẻ xấu có thể lập ra các trang mạng cộng đồng, trang cá nhân trên facebook giả mạo để nói xấu tổ chức cá nhân, doanh nghiệp, hạ uy tín, phỉ báng, bôi nhọ danh dự của nhau và triệt hạ nhau trong làm ăn.

Thứ tư là thông tin thổi phồng sự thật để lừa đảo buôn bán, kinh doanh buôn trên mạng XH. Thường có 2 loại là bán các mặt hàng cấm, vi phạm pháp luật và bán mặt hàng không cấm nhưng là mặt hàng kém chất lượng, mặt hàng giả mạo, khi quảng cáo thì  công dụng “trên trời” nhưng người mua nhận được sản phẩm lại thất vọng. Ngoài ra, với việc thông tin sai sự thật cũng xuất hiện nhiều hình thức chiếm tài khoản trang cá nhân của của người khác để lừa đảo tiền của bạn bè họ.

Nhiều hậu quả khó lường

Theo ông, các loại tin độc, tin giả mạo sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng tới mức nào?

- Các tin giả mạo, tin độc trên mạng XH đều để lại hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt là những tin ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, đất nước, cộng đồng là nghiêm trọng nhất. Ví dụ, cách đây vài tháng, có một tài khoản tung ra thông tin đổi tiền, gây tâm lý hoang mang cho người dân. Nhiều người đã tìm tới các ngân hàng để rút tiền về sau khi đọc được tin giả mạo này. Dù các cơ quan chức năng sau đó đã bắt được đối tượng này để trấn an dư luận, nhưng trước đó tin độc kiểu này cũng đã gây ra tâm lý không tốt cho người dân.

Tình trạng phổ biến nhất phải kể tới là lên mạng XH đưa thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức cá nhân với nhau, gây cho môi trường mạng “vẩn đục” và tiềm ẩn nhiều yếu tố không an toàn. Có những trường hợp, các thanh niên chửi bới lẫn nhau ở trên mạng XH, tuy nói mạng XH là ảo nhưng họ lại hẹn nhau ở ngoài đời thực để đâm, chém nhau, nhiều người đã mất mạng vì mạng XH. Hay những người bị mạng XH “kết án oan”, thấy có người tung tin sai sự thật ông A này hiếp dâm trẻ em thì người ta thi nhau vào lăng mạ, chửi bới thậm tệ. Sau đó, khi công an vào điều tra công bố hoàn toàn không có chuyện đó và ông A này vô tội thì cả người tung tin sai sự thật và những người chia sẻ thông tin đó trên mạng xã hội và những người bình luận, chửi bới, lăng mạ đều không hề có lời xin lỗi.

Hiện nay, để ngăn chặn được các loại tin độc, tin giả mạo trên mạng XH, cơ quan chức năng của Việt Nam đang gặp phải những khó khăn gì?

- Có một thực tế là hầu hết các thông tin giả mạo, tin độc đều bắt nguồn từ các trang mạng xã hội của nước ngoài, trong đó chủ yếu là Facebook, YouTube cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam. Trước đây, hầu như các nhà cung cấp dịch vụ này không có hợp tác gì với Việt Nam. Tuy nhiên, gần đây Chính phủ quyết liệt yêu cầu các nhà mạng này phải tuân thủ các quy định của Pháp luật Việt Nam nên vừa rồi, chúng tôi cũng đã đàm phán thành công với 2 mạng XH này và họ đã đồng ý tuân thủ gỡ bỏ, ngăn chặn các thông tin xấu, thông tin độc.

Để kiểm soát tốt hơn các loại tin độc, tin giả mạo trên mạng XH, theo ông cần có giải pháp cụ thể như thế nào?

- Hiện Nhà nước đã có nghị định và 2 thông tư liên quan tới quản lý lĩnh vực này. Tuy nhiên, về hành lang pháp lý, chúng tôi vẫn mong muốn triển khai xây dựng Luật Quản lý mạng XH. Thực tế cho thấy, sau 1 thời gian triển khai các văn bản quy định hiện hành đã bộc lộ một số bất cập cần bổ sung điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới.

Rõ ràng, sự phát triển của công nghệ, nhất là trên lĩnh vực internet là rất thần tốc, mỗi năm đều có ứng dụng thay đổi chóng mặt nên các văn bản quản lý cũng có lạc hậu nhất định. Ví dụ, trước đây chưa có các ứng dụng liên quan tới thực tế ảo, live stream, hay kênh YouTube có chức năng truyền hình, truyền từ ti vi lên mạng XH… Do đó, cần phải có nghiên cứu, sửa đổi bổ sung các quy định hiện hành để quản lý tốt hơn các lĩnh vực này.

Xin cảm ơn ông!

Chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, chúng tôi đã gửi 3.500 link xấu độc cho YouTube và họ đã gỡ được hơn 50%, còn với Facebook đã gửi 4.200 link xấu độc, sau nửa tháng họ gỡ được gần 300 đường link xấu độc, chủ yếu là giải mã các tài khoản lấy tên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và những người nổi tiếng, các trang fanpage vi phạm pháp luật Việt Nam”.

Ông Lê Quang Tự Do

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem