Pha thoát hiểm của tiêm kích Israel bị cụt một cánh năm 1983

Thứ tư, ngày 28/02/2018 22:00 PM (GMT+7)
Chiếc tiêm kích F-15 bị mất một cánh sau vụ va chạm trên không vẫn được phi công tìm cách điều khiển về căn cứ an toàn.
Bình luận 0

img

Chiếc F-15D Israel mất một cánh khi đáp xuống sân bay. Ảnh: War History.

Ngày 1.5.1983, một tiêm kích F-15D của không quân Israel va chạm với một chiếc cường kích A-4 Skyhawk trong đợt huấn luyện trên không tại khu vực tỉnh Negev. Vụ tai nạn khiến chiếc A-4 nổ tung, còn cánh phải của tiêm kích F-15D gần như bị cắt cụt, chỉ còn một mẩu khoảng 0,6m tính từ thân máy bay, theo War History.

Mất một cánh sau cú va chạm, chiếc F-15D bắt đầu quay tròn và mất điều khiển. Tuy nhiên, hơi xăng mù mịt bốc lên từ thùng nhiên liệu ở cánh khiến phi công Ziv Nedivi và hoa tiêu Yehoar Gal không thể quan sát thấy cánh phải đã bị đứt lìa và tiếp tục nỗ lực kiểm soát máy bay.

"Ban đầu tôi còn không biết là mình vừa va phải chiếc Skyhawks. Tôi cảm thấy chấn động mạnh, nhưng cho rằng mình vừa bay qua luồng khí phản lực từ máy bay khác. Tôi chưa kịp phản ứng thì thấy một quả cầu lửa lớn", phi công Nedivi kể lại.

Chỉ khi nghe thấy đài chỉ huy thông báo qua sóng vô tuyến rằng phi công chiếc A-4 đã nhảy dù, Nedivi mới hiểu rằng quả cầu lửa đó là do chiếc cường kích phát nổ và phi công đã phóng dù thoát hiểm.

Nhận thấy một luồng nhiên liệu lớn phụt ra từ máy bay, Nedivi biết rằng cánh chiếc tiêm kích đã bị hỏng, nhưng không nghĩ là nó đã bị đứt lìa nên quyết định kích hoạt chế độ đốt tăng lực, giúp phi cơ lấy lại tốc độ và khả năng điều khiển.

Đúng lúc đó, phi công nhận được lệnh phóng dù thoát hiểm từ đài chỉ huy, nhưng Nevidi chưa vội thực hiện mệnh lệnh. "Tôi kết nối lại hệ thống điều khiển điện tử và từ từ kiểm soát được máy bay cho đến khi nó cân bằng trở lại. Không có bất kỳ tín hiệu cảnh báo nào trong buồng lái về việc máy bay mất cánh và hệ thống máy tính điều khiển vẫn hoạt động bình thường", phi công này cho biết.

Phát hiện chỉ số nhiên liệu đã ở mức 0, Nedivi nhận định sự cố đã khiến toàn bộ xăng máy bay bị phun ra ngoài. Tuy nhiên, anh chợt nhớ rằng các thùng nhiên liệu trên F-15D trang bị van một chiều, nên chiếc tiêm kích vẫn đủ nhiên liệu để hạ cánh xuống đường băng gần nhất.

"Lúc đó tôi điều khiển phi cơ như một cái máy, không sợ hãi hay lo lắng. Tôi biết rằng khi chiếc tiêm kích vẫn còn bay thì tôi vẫn phải ngồi bên trong", Nedivi nói.

Nedivi sau đó giảm tốc độ để hạ cánh, nhưng máy bay bị lệch sang phải do chỉ còn một cánh, nên anh buộc phải tăng ga và bật chế độ đốt tăng lực để lấy lại cân bằng. Nedivi hạ móc hãm và chạm xuống đường băng ở tốc độ 416 km/h, gấp đôi tốc độ hạ cánh thông thường, đồng thời gọi cho trung tâm kiểm soát không lưu dựng lưới cứu hộ khẩn cấp.

Khi chiếc F-15D hạ cánh xuống căn cứ không quân Ramon, móc hãm của máy bay bung ra khỏi thân vì vận tốc tiếp đất quá cao. Nhưng Nedivi đã thành công khi đưa máy bay dừng lại cách điểm cuối của đường băng 6 mét.

Hình ảnh chiếc F-15 mất một cánh tại sân bay. 

Nguyễn Hoàng (VnExpress)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem