Thủ tướng Israel Golda Meir, người thông qua chiến dịch báo thù. Ảnh: Haaretz
Đêm 5.9.1972, nhóm vũ trang Tháng 9 Đen của Palestine bắt cóc, sát hại 11 thành viên đội tuyển Olympic Israel tham dự Thế vận hội mùa hè năm 1972 tại Munich, Đức. Không lâu sau, Tel Aviv bắt đầu tiến hành chiến dịch báo thù mang tên "Mivtza Za'am Ha'el" (Sự phẫn nộ của Chúa trời), nhằm ám sát những cá nhân có liên quan tới vụ thảm sát, theo Global Recon.
Chỉ hai ngày sau vụ thảm sát, Thủ tướng Israel Golda Meir thành lập Ủy ban X, một nhóm nhỏ quan chức chính phủ, nhằm xây dựng kế hoạch báo thù. Thủ tướng Meir và Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Dayan đứng đầu ủy ban, trong khi tướng Aharon Yariv và giám đốc cơ quan tình báo Mossad Zvi Zamir đóng vai trò chủ đạo trong điều phối chiến dịch ám sát sau này.
Ủy ban X kết luận rằng Israel phải ám sát những người có liên quan tới vụ thảm sát theo những cách kịch tính nhất, nhằm răn đe những kẻ có ý định khủng bố trong tương lai. Yếu tố quan trọng nhất trong kế hoạch là khả năng chối bỏ mọi cáo buộc, không để lại manh mối nào cho thấy sự liên quan giữa những vụ ám sát với Israel.
Một mục tiêu khác của chiến dịch là nhằm trấn áp tinh thần các nhóm vũ trang Palestine. "Báo thù chỉ là yếu tố phụ, mục đích chính là khiến những kẻ khủng bố phải khiếp sợ. Chúng tôi muốn đối phương cảm thấy rằng tình báo Israel luôn ở xung quanh. Vì vậy, các điệp viên không bắn chết họ trên phố, điều đó quá dễ dàng", cựu phó giám đốc Mossad David Kimche tiết lộ.
Công việc đầu tiên của tình báo Israel là lập danh sách những kẻ tham gia vụ thảm sát Munich. Mossad hoàn thành nhiệm vụ này nhờ sự giúp đỡ từ điệp viên trong hàng ngũ Tổ chức giải phóng Palestine (PLO), cũng như thông tin từ các cơ quan tình báo châu Âu. Các chuyên gia cho rằng Mossad nhắm vào 20-35 mục tiêu, tất cả đều là thành viên tổ chức Tháng 9 Đen và PLO. Sau khi hoàn thành danh sách, tình báo Israel phải xác định vị trí và ám sát những người này.
Giới phân tích vẫn chưa thống nhất được về tổ chức lực lượng tham gia chiến dịch ám sát. Nhiều khả năng Mossad đã thành lập nhiều nhóm tác chiến khác nhau, đáp ứng yêu cầu của từng nhiệm vụ cụ thể, trong đó sĩ quan tình báo Michael Harari là người thành lập và chỉ đạo các đội ám sát.
Có ít nhất 15 điệp viên được triển khai, chia thành 5 nhóm đặt tên theo bảng chữ cái Hebrew. Mũi nhọn của chiến dịch là nhóm "Aleph" gồm hai sát thủ chuyên nghiệp, được yểm trợ bởi hai tay súng trong nhóm "Bet". Vỏ bọc của cả đội được cung cấp bởi hai thành viên trong nhóm "Heth", trong khi "Ayin" là nhóm xương sống với 6-8 điệp viên chuyên bám sát mục tiêu và lập kế hoạch thoát ly cho đội sát thủ. Cuối cùng là "Qoph", gồm hai chuyên gia thông tin liên lạc.
Hoạt động ám sát
Vụ ám sát đầu tiên diễn ra ngày 16.10.1972, khi Abdel Wael Zwaiter bị bắn 12 phát đạn trong căn hộ tại thủ đô Rome của Italy. Zwaiter là đại diện PLO ở Italy, nhưng Mossad khẳng định ông là một thành viên của Tháng 9 Đen, trong khi PLO cho biết Zwaiter không hề liên quan đến nhóm này và ông luôn quyết liệt phản đối các hành động khủng bố.
Cảnh sát khám nghiệm hiện trường vụ ám sát Zwaiter. Ảnh: Blogspot
Mục tiêu thứ hai là tiến sĩ Mahmoud Hamshari, đại diện của PLO tại Pháp. Hai điệp viên Mossad đóng giả làm phóng viên để đột nhập vào nhà của Hamshari, sau đó cài một quả bom dưới bàn điện thoại. Ngày 8.12.1972, họ gọi điện cho Hamshari và quả bom phát nổ khi ông nghe máy. Hamshari không thiệt mạng trong vụ nổ, nhưng tử vong vì vết thương quá nặng sau đó chưa đầy một tháng.
Đêm 24.1.1973, một quả bom cài dưới giường phát nổ, khiến Hussein Al Bashir thiệt mạng trong căn phòng tại Cyprus. Mossad cho rằng Al Bashir là chỉ huy nhóm Tháng 9 Đen ở Cyprus, đồng thời có nhiều liên hệ với cơ quan tình báo Liên Xô KGB. Các sát thủ trở lại Paris vào ngày 6.4.1973 với mục tiêu là giảng viên luật Basil al-Kubaissi, người bị tình nghi cung cấp vũ khí cho nhóm Tháng 9 Đen. Ông cũng bị bắn 12 phát đạn, tương tự Zwaiter trước đó.
Nhiều mục tiêu của Mossad sống tại khu vực được canh phòng cẩn mật ở Lebanon, không thể bị ám sát bởi những phương pháp thông thường. Israel tiến hành chiến dịch "Suối nguồn Tuổi trẻ" để hoàn thành nhiệm vụ. Đêm 9.4.1973, lính đặc nhiệm Israel, trong đó có cả thủ tướng tương lai Ehud Barak, tiến hành hàng loạt cuộc đột kích táo bạo vào những khu nhà tại Beirut và Sidon.
Trong chiến dịch này, đặc nhiệm Israel đã sát hại nhiều quan chức PLO như Muhammad Youssef al-Najjar, Kamal Adwan và người phát ngôn Kamal Nasser. Rami Adwan, con trai của nạn nhân Kamal Adwan, cho rằng cha mình không hề liên quan tới thảm sát Munich, mà chỉ là người tổ chức hoạt động chống lại việc Israel chiếm đóng khu Bờ Tây. "Vụ tấn công Munich là cái cớ trời cho để Israel ám sát mọi người", Rami Adwan tuyên bố.
Mossad thực hiện thêm 4 vụ ám sát khác, trước khi chiến dịch bị lộ vì một vụ ám sát nhầm. Tình báo Israel đã nhầm Ali Hassan Salameh, người được cho là lên kế hoạch tiến hành thảm sát Munich, với Ahmed Bouchikhi, một bồi bàn người Morocco ở Na Uy.
Mossad đã liên tục tìm kiếm Salameh trong nhiều năm, dù nhiều thủ lĩnh cấp cao của Tháng 9 Đen khẳng định ông này không hề liên quan tới vụ thảm sát Munich.
Mossad tin rằng họ đã phát hiện Salameh khi người này lẩn trốn ở làng Lillehammer, Na Uy và cử nhóm sát thủ đến đây hạ sát mục tiêu vào ngày 21.7.1973. Tuy nhiên, nhóm sát thủ đã giết nhầm Bouchiki, bồi bàn người Morocco không liên quan tới vụ khủng bố.
Vụ việc bị vỡ lở, nhà chức trách Na Uy bắt được 6 điệp viên Mossad, 5 người trong số này phải ngồi tù và được trả về Israel trong năm 1975. Đội trưởng Harari kịp chạy thoát về Israel cùng những người còn lại, nhưng mạng lưới gián điệp và cơ sở của Mossad ở châu Âu đều bị phanh phui.
Salameh (giữa) khi còn ở Lebanon. Ảnh: Jeffrey Keeten
Sự phản đối của cộng đồng quốc tế sau vụ ám sát nhầm buộc thủ tướng Golda Meir ngừng chiến dịch báo thù, mạng lưới gián điệp tại châu Âu và danh tiếng của Mossad cũng bị tổn hại nghiêm trọng. Tuy nhiên, 5 năm sau, Thủ tướng Israel Menachem Begin cho phép Mossad nối lại chiến dịch Sự phẫn nộ của Chúa trời.
Chiều 22.1.1979, Salameh và 4 vệ sĩ thiệt mạng sau khi điệp viên Israel kích hoạt một quả bom dưới xe của họ. Vụ nổ cũng làm 4 thường dân thiệt mạng và 18 người bị thương.
Loạt vụ ám sát đầu tiên trong giai đoạn tháng 10/1972 tới đầu năm 1973 của tình báo Israel chỉ gây ra sự lo lắng cho giới chức Palestine. Thế giới Arab chỉ thực sự choáng váng khi chiến dịch Suối nguồn Tuổi trẻ được tiến hành ngay tại Lebanon.
Sự táo bạo của đặc nhiệm Israel, cũng như loạt vụ đột kích diễn ra ngay sát nơi ở của lãnh đạo cao cấp như Yasser Arafat và Abu Iyad khiến chính phủ nhiều nước Arab tin rằng Israel có thể tấn công mọi lúc mọi nơi. Một số nước Arab bắt đầu gây áp lực, buộc các nhóm vũ trang Palestine hạn chế tấn công Israel, cũng như đe dọa ngừng ủng hộ Palestine nếu các tay súng sử dụng hộ chiếu giả để đột nhập vào lãnh thổ Israel.
Chiến dịch ám sát cũng tạo ra làn sóng tưởng niệm trên quy mô lớn. Khoảng nửa triệu người đã đổ ra đường phố Beirut trong đám tang các nạn nhân cuộc đột kích ở Lebanon. Gần 6 năm sau, 100.000 người, trong đó có nhà lãnh đạo Arafat, đã tham gia đám tang Salameh tại Beirut.
Tử Quỳnh (VnExpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.