Chương trình vinh danh do Sở Y tế TP.HCM phối hợp Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM tổ chức vào tối 26/2, hướng đến chào mừng ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2/2024.
Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Phước Lộc (thứ tư từ trái qua) trao giải Thành tựu y khoa năm 2023 cho Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Ảnh: Ban tổ chức
Bé Bảo Ngọc chào đời vào tháng 10/2023, ở tuổi thai 28 tuần 5 ngày, nặng 1,2 kg, được áp dụng phác đồ giờ vàng. Sau hai tháng điều trị, bé nặng 2,65 kg, xuất viện vào tuần thứ 37. Hiện bé 4 kg, khỏe mạnh như em bé sinh đủ tháng.
Trước đó, bé Bối Bối sinh vào tháng 4/2021, ở tuần thai 25, nặng 740 g được bác sĩ cứu sống bằng phác đồ "giờ vàng" và khỏe mạnh xuất viện sau 3 tháng với cân nặng 2,55 kg. Hiện bé gần 3 tuổi, khỏe mạnh, như các bạn sinh đủ tháng.
Đó là hai trong hàng trăm trẻ sinh non và rất non được hồi sinh sự sống tại Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM nhờ phác đồ "giờ vàng".
"Nhiều bé khi chúng tôi đón tiên lượng chỉ còn khoảng 5-10% cơ hội sống. Tuy nhiên, nhờ có sự hỗ trợ của hệ thống máy thở mới cùng trang thiết bị hiện đại, ê kíp bác sĩ có kinh nghiệm nuôi sống nhiều trẻ sinh non mắc bệnh nặng. Đến thời điểm này, các con đều được cứu sống, khỏe mạnh", TS.BS Cam Ngọc Phượng - Giám đốc Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM tự hào chia sẻ về hiệu quả của Phác đồ "giờ vàng".
Một trẻ sinh non trước và sau khi được cứu sống nhờ phác đồ “giờ vàng” tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM. Ảnh: Tuệ Diễm
Theo TS.BS Cam Ngọc Phượng, trẻ sinh non và rất non thường tím tái, không thở được, thân nhiệt hạ rất nhanh, nguy cơ nhiễm trùng cao. Nếu không hồi sức cấp cứu ngay tại phòng sinh thì khó giữ tính mạng.
Thập niên trước, thở máy xâm lấn là phương pháp điều trị chủ yếu cho trẻ sinh non rất nhẹ cân với hội chứng suy hô hấp, nhưng tăng cao nguy cơ viêm phổi, bệnh phổi mạn và khiến trẻ lệ thuộc oxy kéo dài.
Phác đồ giờ vàng được TS.BS Cam Ngọc Phượng cùng đồng nghiệp nghiên cứu, sáng tạo sau chuyến du học Australia vào năm 2018, đã mang đến hiệu quả điều trị rất khả quan cứu sống những trẻ sinh non và rất non, giảm nguy cơ đặt nội khí quản, giảm tỷ lệ thở máy xâm lấn, từ đó giúp giảm chi phí điều trị.
Phác đồ "giờ vàng" là tổng thể nhiều kỹ thuật y khoa cao cấp được thực hiện trong 60 phút đầu đời, ngay tại phòng sinh để cứu sống và chăm sóc y tế cho trẻ sinh non và rất non từ 24 tuần tuổi. Phác đồ bao gồm các yếu tố, như kẹp rốn muộn, phòng ngừa hạ thân nhiệt, truyền tĩnh mạch duy trì đường huyết sau sinh, phòng nhiễm khuẩn huyết, hỗ trợ hô hấp với phương pháp không xâm lấn, cụ thể là thở không xâm lấn (CPAP) tại phòng sinh và liên tục đến khi nhập Hồi sức sơ sinh (NICU) cho nhóm trẻ sinh rất non… Trẻ sinh rất non được chăm sóc tích cực trong "thời gian vàng" sẽ tăng cơ hội sống, giảm di chứng về sức khỏe.
TS.BS Cam Ngọc Phượng thăm khám cho trẻ sinh non trước khi xuất viện. Ảnh: BVCC
Bác sĩ Phượng cho biết, để thực hiện phác đồ "giờ vàng", bệnh viện cần xây dựng các đội "giờ vàng" gồm bác sỹ Sản khoa, Sơ sinh, nữ hộ sinh, đội ngũ điều dưỡng sơ sinh lành nghề. Mặc dù, phác đồ can thiệp 60 phút đầu sau sinh, song thực tế bệnh viện chủ động triển khai trước sinh. Tại bệnh viện Tâm Anh khi tiếp nhận sản phụ dưới 34 tuần có biểu hiện sinh non, bác sĩ khoa Sản báo động bác sĩ Sơ sinh có mặt ngay tại giường sản phụ để tư vấn kịp thời.
Trẻ sinh non phổi chưa trưởng thành. Bác sĩ khám, quyết định thuốc hỗ trợ phổi, giúp bé ra đời sớm có thể tăng cơ hội sống. Sản phụ cũng được truyền magie sulfat để bảo vệ não của thai nhi. Trẻ chào đời, được đặt lên mâm vô trùng ngay trên đùi mẹ khi dây rốn vẫn còn đập, bác sĩ hồi sức để trẻ ổn định hô hấp, tuần hoàn, mạch, huyết áp, phòng ngừa biến chứng sinh non. Ngay sau đó, trẻ cũng được ổn định thân nhiệt bằng túi giữ ấm, hỗ trợ hô hấp với không khí áp lực dương để phổi nở, giúp cải thiện trao đổi khí ngay trước khi kẹp rốn.
Phác đồ "giờ vàng" là tổng thể nhiều kỹ thuật y khoa cao cấp, trang thiết bị hiện đại do đó chưa được triển khai rộng rãi tại Việt Nam bởi nhiều đơn vị còn thiếu các thiết bị máy móc chuyên dụng hiện đại và thiếu ê kíp Sản - Hồi sức sơ sinh giàu kinh nghiệm. Bác sĩ Phượng bày tỏ mong muốn ngày càng nhiều trẻ sinh non và rất non được cứu sống nhờ những kỹ thuật cao cấp này.
Theo GS.TS.BS Ngô Minh Xuân, Chủ tịch Liên chi hội Chu sinh - Sơ sinh TP HCM, nguyên Hiệu trưởng Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, hiện nay tỷ lệ tử vong ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh rất cao không chỉ tại Việt Nam mà cả thế giới. Đặc biệt nhóm trẻ sinh rất non nguy cơ tử vong lên tới 64% so với trẻ bình thường. Nhiều trường hợp trước đây không thể cứu sống, hoặc trẻ sống sót gặp nhiều di chứng. Nhất là ảnh hưởng thính lực, tăng nguy cơ co giật, thở oxy kéo dài.
"Phác đồ giờ vàng là sự đổi mới về tư duy, cập nhật kỹ thuật hiện đại trong điều trị trẻ sinh non và cực non", Giáo sư Xuân đánh giá, đồng thời cho biết thêm các bác sĩ sơ sinh hiện nay đang áp dụng vào bệnh viện, sắp tới có thể triển khai huấn luyện cho tuyến tỉnh, tuyến dưới, nhất là sử dụng thở không xâm lấn (CPAP) sớm ngay giờ đầu sau sinh, giúp cải thiện tỷ lệ tử vong và di chứng cho trẻ được cứu sống.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.