Năm nay, nhiều tín hiệu cho thấy thị trường lao động không bị xáo trộn sau Tết Nguyên đán. Đa số doanh nghiệp tự tin sẽ thu hút được người lao động trở lại làm việc, ổn định sản xuất kinh doanh.
Những năm trước, cứ sau tết là rất nhiều công nhân không trở lại làm việc hoặc nhảy việc. Phần lớn người lao động ở các tỉnh công nghiệp đều xuất phát từ vùng nông thôn các tỉnh miền Trung và phía Bắc. Họ về quê không trở lại là vì thu nhập ở nhà máy thấp, không đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống ở đô thị. Hoặc trở lại thì nhảy việc, mục đích là tìm đồng lương nhỉnh hơn.
Trở ngại đó đã được khắc phục trong năm nay. Doanh nghiệp nắm bắt những khó khăn của người lao động và đã có những chính sách phù hợp. Trước hết, nhiều doanh nghiệp tổ chức xe đưa công nhân về quê ăn tết và đón trở lại nhà máy. Thứ hai, trước tết, đảm bảo lương, thưởng phù hợp. Thứ ba, doanh nghiệp cam kết sau kỳ nghỉ trở lại làm việc, sẽ đảm bảo ổn định việc làm và thu nhập cho người lao động.
Các yếu tố trên đã giúp cho người lao động yên tâm, hầu hết cam kết sẽ trở lại làm việc. Trong hai ngày đầu tuần này, nhiều doanh nghiệp đã tập trung đủ công nhân để triển khai sản xuất.
Một yếu tố khách quan khác, tuy tiêu cực, nhưng đã hỗ trợ cho sự ổn định thị trường lao động. Đó là, nhiều dự báo đưa ra tình hình kinh tế còn khó khăn, nhiều doanh nghiệp đóng cửa cho nên không dễ tìm việc làm. Nếu như người lao động bỏ việc ở cơ sở cũ, có ý định nhảy việc tìm chỗ khác thu nhập cao hơn thì sẽ gặp rủi ro. Chính vì vậy, tình trạng nhảy việc được hạn chế rất thấp.
Các chủ doanh nghiệp tỏ ra phấn khởi trước tình hình lao động sau tết. Bởi lẽ, điều lo ngại nhất chính là xáo trộn lao động. Các năm trước, do công nhân nhảy việc nên sản xuất trì trệ, nhiều hợp đồng xuất hàng bị vi phạm, thiệt hại rất lớn. Tình trạng cạnh tranh giành giật công nhân diễn ra ở các khu công nghiệp dẫn đến ai cũng thiệt, không chỉ doanh nghiệp mà còn cả công nhân. Sự bất ổn đều không tốt cho cả hai phía.
Một vấn đề mà các doanh nghiệp mong muốn, trên cơ sở có lợi cho cả hai bên, đó là nâng cao kỷ luật lao động công nghiệp và chất lượng sản phẩm. Có nhiều doanh nghiệp gặp tình trạng người lao động chưa tuân thủ các quy định lao động, không có tác phong công nghiệp, cho nên ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. Doanh nghiệp lợi nhuận thấp thì người lao động không thể có thu nhập cao.
Lực lượng lao động từ các vùng nông thôn đã có kinh nghiệm làm ở các nhà máy, khu công nghiệp sẽ tiếp tục nâng cao ý thức kỷ luật và tay nghề. Còn số lao động mới tham gia thị trường, cần phải thích nghi sớm với môi trường công nghiệp, điều đó có lợi cho chính bản thân và cho việc chung.
Người lao động là tài sản của doanh nghiệp, nhưng mỗi người phải tự tạo cho mình các giá trị để đúng là tài sản.
Chân Tâm (Chân Tâm)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.