Phải chấm dứt tình trạng đào tạo ngược

Thứ tư, ngày 28/09/2011 16:32 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia giáo dục tại “Toạ đàm khoa học về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” diễn ra ngày 27.9 ở Hà Nội.
Bình luận 0

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, giáo dục vẫn còn nhiều “căn bệnh trầm kha và hết sức phức tạp”.

Đào tạo… ngược

Bà Nguyễn Thị Bình – nguyên Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh: Giáo dục nước ta đang có những quy trình đào tạo ngược hết sức vô lý và khúc mắc trong nhiều khâu, đặc biệt là ở chương trình đào tạo ĐH.

img
Giảm tải chương trình phổ thông một cách hợp lý được rất nhiều học sinh và phụ huynh mong đợi.

“Người ta không thể cắt nghĩa nổi sự gia tăng ồ ạt về số lượng các trường trong mấy năm vừa qua. Chỉ từ năm 2006 đến 2010 đã có thêm 64 trường ĐH và CĐ, trong khi các trường hiện có vẫn thiếu giảng viên có trình độ trên ĐH. Vậy làm gì có chất lượng đào tạo ở giáo dục ĐH?”– bà Bình đặt câu hỏi với lãnh đạo Bộ GDĐT.

Cũng theo bà Bình, trước đây ngành giáo dục đã có chủ trương “mở rộng đầu vào, sàng lọc trong quá trình đào tạo, thắt chặt đầu ra”. Đây được đánh giá là một quy trình rất hợp lý và phù hợp với một nền giáo dục tiên tiến, nhưng rồi quy trình này bị dỡ bỏ và các trường ĐH-CĐ đang thực hiện quy trình đảo ngược: “Thắt chặt đầu vào, đã vào là tốt nghiệp”. Và đến năm học này, cả đầu vào cũng phải nới rộng, vậy mà các trường ĐH vẫn thiếu sinh viên...

Nhìn từ hệ thống giáo dục, ông Nguyễn Đắc Hưng - Vụ Giáo dục - Đào tạo, Dạy nghề (Bộ GDĐT) nhận định: “Giáo dục nước ta vẫn nặng về dạy chữ, nhẹ về dạy người và chưa làm tốt việc dạy nghề; chưa gắn với nhu cầu sử dụng nguồn lực, chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội”.

Ông Hưng dẫn chứng: Hiện nay, các ngành thuộc lĩnh vực kinh tế , pháp lý, khoa học xã hội – nhân văn chiếm 38% số sinh viên, ngành sư phạm chiếm 20%; ngành kỹ thuật công nghệ chiếm 21% thì khối ngành nông – lâm nghiệp mới chỉ chiếm 8% và các ngành khoa học tự nhiên chỉ chiếm 2%. Trong khi nước ta số lao động lớn vẫn tham gia sản xuất nông nghiệp.

Giảm tải kiểu “chữa cháy”

Vấn đề giảm tải chương trình cấp phổ thông đang được Bộ GDĐT triển khai cũng làm “nóng” không khí buổi toạ đàm. Phần lớn các chuyên gia giáo dục đều đánh giá việc giảm tải chưa thực tế, chưa sát.

PGS - TS Trần Quốc Toản - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, lo lắng: “Bộ mới chỉ dừng lại ở giảm tải về khối lượng và độ khó kiến thức, những phần trùng lặp. Giảm tải không đơn giản như thế. Cách làm đó chưa dựa trên những nghiên cứu thấu đáo về tương quan giữa giáo dục nhân cách, cung cấp kiến thức và giáo dục kỹ năng? Vì vậy, việc thực hiện giảm tải mới chỉ là “chữa cháy”, không cơ bản”.

Vấn đề giảm tải chương trình giáo dục phổ thông được nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải - Chủ tịch Hội đồng Giáo dục quốc gia chỉ đạo triển khai cách đây 10 năm, nhưng đến giờ Bộ GDĐT mới có động thái làm.

Ông Nguyễn Đắc Hưng cũng đồng tình khi cho rằng: Mặc dù đã “giảm tải” nhưng chương trình sách giáo khoa ở bậc phổ thông vẫn không có tính chất ổn định, vừa nặng, vừa thiếu tính khoa học, vừa thừa những nội dung không còn giá trị sử dụng, lại thiếu những nội dung cần thiết cho cuộc sống.

Vì vậy, việc đầu tiên là giảm tải chương trình sách giáo khoa, và cần phải siết chặt việc xuất bản các sách tham khảo ăn theo.

Còn bà Nguyễn Thị Bình thì “hiến kế”: “Cần phải rũ bỏ mọi hình thức áp đặt ngay cả đối với sách giáo khoa. Cần thiết phải có nhiều bộ sách giáo khoa chứ không phải 1 bộ duy nhất như hiện nay”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem