Sản xuất nông hộ thiếu bền vững
Thống kê của ngành nông nghiệp cho thấy, với quy mô 25.414 hộ tương ứng lực lượng lao động hơn 72.000 người, mô hình kinh tế hộ nông hộ được xem là lực lượng chủ lực của ngành nông nghiệp thành phố và đã có đóng góp lớn vào sự thành công của ngành. Tuy nhiên, do đa phần các nông hộ có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, lại theo phương thức canh tác độc lập, riêng lẻ, thiếu liên kết nên sức mạnh kinh tế còn nhỏ bé, khả năng chống chịu với rủi ro thấp.
Mô hình kinh tế hộ nông dân vẫn là lực lượng chủ lực của ngành nông nghiệp TP.HCM. Ảnh: Nguyên Vỹ
"HTX phải tập trung giải quyết những thất bại của nông dân chứ không thay thế người nông dân trong sản xuất và kinh doanh.Để HTX phát triển bền vững thì nông dân tham gia HTX phải có hiệu quả cao hơn so với không tham gia”.
PGS Nguyễn Văn Ngãi
|
Ông Trần Ngọc Hổ - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM đánh giá, chất lượng nguồn nhân lực ở mô hình nông hộ còn hạn chế, khó tiếp cận nguồn vốn vay để mở rộng sản xuất, khả năng đầu tư công nghệ sau thu hoạch không cao nên sản phẩm không có thương hiệu, dễ dàng bị ép giá và bị lép vế trên thị trường. Nông hộ cũng rất khó ký kết hợp đồng tiêu thụ ổn định, số lượng lớn với các doanh nghiệp.
“Mô hình kinh tế nông hộ có số lượng đông đảo, đóng góp hơn 77% giá trị sản xuất nông – lâm - ngư nghiệp nhưng không thể là mô hình chủ đạo trong sản xuất nông nghiệp của TP.HCM các năm tiếp theo” - ông Hổ nhận định.
Với các mô hình khác, kinh tế trang trại là sự phát triển cao hơn của kinh tế hộ, có hiệu quả cao về giá trị sản xuất bình quân trên 1ha đất (2,64 tỷ đồng/ha). Tuy nhiên, với quy mô vốn đầu tư cao lên đến 4,5 tỷ đồng/trang trại và quy mô sản xuất bình quân hơn 1ha/trang trại thì rất khó cho việc nhân rộng phát triển.
Mô hình doanh nghiệp thể hiện sự vượt trội so với các mô hình cơ bản khác. Tuy nhiên, đa phần các doanh nghiệp nông nghiệp thuộc quy mô nhỏ và vừa, năng lực hoạt động còn thấp hơn so với mặt bằng chung của doanh nghiệp TP.HCM.
Ông Hổ cho biết sau khi có Luật HTX năm 2012, mô hình HTX phát huy được vai trò làm đầu mối để tổ chức sản xuất, giúp hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản cho hộ nông dân. Từ đó, HTX giúp tiết kiệm chi phí, tiêu thụ sản phẩm ổn định nên đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. “Mô hình HTX tuy chỉ mới thu hút 15% số lượng nông hộ tham gia nhưng đã giúp cho thu nhập của hộ nông dân tham gia cao hơn so với hộ nông dân sản xuất độc lập, không tham gia HTX” - ông Hổ nói.
Năng lực HTX còn hạn chế
Đại diện ngành nông nghiệp thành phố cũng cho rằng HTX hiện nay chỉ mới cung ứng một số dịch vụ đầu vào sản xuất, thu gom, tiêu thụ nhưng chưa tổ chức quản lý sản xuất với một kế hoạch hợp lý, chưa quan tâm nhiều đến chế biến sản phẩm; thành viên góp vốn vào HTX còn thấp, lại chưa nhận thức rõ vai trò chủ sở hữu HTX của mình nên chưa tích cục tham gia.
Theo PGS Nguyễn Văn Ngãi - Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, các số liệu thống kê về tình hình hoạt động của HTX hiện nay cho thấy có nhiều trường hợp đáng lưu tâm. Cụ thể có trường hợp HTX chỉ gồm 14 thành viên nhưng vốn điều lệ đăng ký là 10 tỷ đồng. Bình quân, một thành viên góp vốn 714 triệu đồng, doanh thu của HTX trong năm là 6,3 tỷ đồng và lợi nhuận là 11 triệu đồng.
“Điều đáng lo là HTX nông nghiệp này được xếp loại hoạt động có hiệu quả. Nếu chỉ xét tỷ lệ doanh thu hoặc lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu thì HTX này chưa sử dụng hiệu quả nguồn lực. Với 14 thành viên thì HTX này cũng không đủ sức gây ảnh hưởng tích cực cho cộng đồng”- PGS Ngãi phân tích.
Đa phần các HTX nông nghiệp có quy mô ít hơn 20 thành viên (bình quân 10 người/HTX, chiếm 59%), vốn góp trung bình 554 triệu đồng/thành viên. Con số này cho thấy HTX tại TP.HCM không phải là thiếu vốn mà là thiếu thị trường nội bộ. Mức góp vốn trung bình càng cao thì cánh cửa dành cho nhiều nông dân cùng tham gia sẽ càng hẹp.
Có 5 HTX có trên 65 thành viên (chiếm 12%). Số lượng thành viên trung bình trong nhóm này là 306 thành viên/HTX, với mức góp vốn trung bình là 69 triệu đồng. Có thể kể ra các trường hợp thành công là HTX Tân Thông Hội và HTX Xuân Lộc khi đang hoạt động hiệu quả, gia tăng tích lũy nội bộ, phân phối lại cho thành viên và chứng minh được lợi ích trước mắt cũng như lâu dài mà HTX mang lại. Nhưng ở một thái cực khác, HTX Hà Quang với vốn điều lệ là 100 tỷ đồng nhưng không hoạt động, không tạo doanh thu, thu nhập dù số lượng xã viên rất đông.
Đánh giá chung, nhiều HTX nông nghiệp được thành lập nhưng không phát triển, thậm chí phải giải thể dù có nhiều chính sách hỗ trợ. Việc xây dựng và phát triển mô hình HTX vẫn rất cần thiết cho TP.HCM trong vai trò đầu tàu phát triển kinh tế cả nước.
Ông Võ Thành Dũng - Phó giám đốc HTX nông nghiệp Trường Thịnh: Nông hộ lẫn xã viên đều gặp khó
Có một nghịch lý là người sản xuất ra nông sản lại không có quyền quyết định giá bán mà hoàn toàn phụ thuộc thương lái. Nông dân luôn bị ép giá dẫn đến thiệt hại hoặc thua lỗ. Việc thương lượng hợp tác để tích tụ ruộng đất còn khó. Trong khi đó nguồn quỹ đất sản xuất tập trung lại nằm trong tay doanh nghiệp nhà nước nhưng sản xuất chưa hiệu quả, nhiều diện tích còn bỏ hoang. Vốn của HTX do các thành viên đóng góp nên bước đầu không cao và không có tài sản thế chấp ngân hàng, khó vay vốn để phát triển sản xuất. Việc tiếp cận khoa học công nghệ cũng hạn chế theo do chi phí đầu tư vào mô hình mới còn quá cao so với khả năng tài chính của nông dân.
Ông Nguyễn Hoàng Anh – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Giống cây trồng Miền Nam (SSC): Chuỗi liên kết nông hộ còn nhiều hạn chế
Trong chuỗi giá trị liên kết sản xuất và cung ứng hạt giống, SSC đóng vai trò quyết định làm tăng giá trị sản phẩm và đưa hạt giống ra thị trường. SSC cung cấp hạt giống gốc, tập huấn kỹ thuật sản xuất, ký hợp đồng bao tiêu với tổ hợp tác và nhóm nông hộ. Tuy nhiên cũng có những hạn chế khi SSC cung cấp giống gốc, giống bố mẹ cho nông dân sản xuất sẽ có rủi ro cao khi nông dân không tuân thủ đầy đủ nội dung hợp đồng. Nông hộ phá vỡ hợp đồng, bán giống nguyên liệu cho công ty khác hoặc thương lái khi được đề nghị mua lại với giá cao hơn hợp đồng đã ký với SSC. Diện tích sản xuất cần tập trung thành quy mô lớn, liền cạnh nhau nhưng khó đạt sự đồng thuận 100% của các nông hộ...
TS Võ Thị Kim Sa - Trường Quản lý cán bộ NNPTNT II: Xóa bỏ định kiến HTX kiểu cũ
Khi nông nghiệp trở thành ngành sản xuất hàng hóa cạnh tranh, nông dân sản xuất nhỏ với vài công đất sẽ thất bại khi không tiếp cận được khâu cung ứng đầu vào, sản xuất và tiêu thụ. Chỉ có HTX là hình thức sản xuất hình thành nhanh và khắc phục thất bại của nông dân. Để phát huy mô hình HTX kiểu mới theo luật 2012, trước hết phải tuyên truyền nhằm xóa bỏ định kiến của nông dân về HTX. Lâu nay nông dân không coi HTX là một tổ chức để hỗ trợ mà là một tổ chức để tập thể hoá tài sản của nông dân.
Minh bạch tài sản thuộc quyền sở hữu tập thể và tư nhân khi nông dân tham gia vào HTX là vấn đề lớn khi kêu gọi xã viên. Sau nữa, HTX cần một chủ nhiệm giỏi về kinh doanh và có tâm để quy tụ nhiều nông dân tham gia vào tổ chức.
N.V (ghi)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.