Phải làm gì khi tiền trong thẻ ATM tự “bốc hơi”?

Triệu Quang Thứ sáu, ngày 22/04/2016 23:56 PM (GMT+7)
Nhiều khách hàng ngơ ngác không biết làm gì khi số tiền tiết kiệm để trong ATM bỗng dưng bị biến mất trong khi thẻ vẫn cầm trong tay.
Bình luận 0

img

Người dân cần tự bảo mật dữ liệu thẻ của mình khi đi rút tiền tại các cây ATM để tránh mất tiền. (Ảnh minh họa)

Thời gian gần đây, liên tục xảy ra các trường hợp người dân bị mất tiền trong tài khoản ATM khi thẻ giữ bên người. Hiện tượng này xảy ra tại dịch vụ ATM của nhiều ngân hàng như Vietcombank, BIDV… khiến nhiều người lo lắng.

Tuy nhiên, nhiều người bị mất tiền, họ không biết nên phải bắt đầu từ đâu và làm cách nào để lấy lại được số tiền đã mất. Về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Sỹ Hoàng – Văn phòng luật sư Ánh Sáng Công Lý để làm rõ.

Khi tiền trong tài khoản bị rút mà thẻ ATM vẫn giữ bên người, chủ thẻ cần phải làm gì đầu tiên, thưa luật sư?

Luật sư Trần Sỹ Hoàng: Hiện các ngân hàng có dịch vụ SMS Banking, nếu chủ thẻ sử dụng dịch vụ này, khi thực hiện giao dịch rút tiền, ngân hàng sẽ thông báo tin nhắn đến chủ thẻ.

Ngay khi phát hiện tiền trong tài khoản bị mất mà không phải do chủ thẻ thực hiện giao dịch, chủ thẻ cần ngay lập tức báo cho ngân hàng biết và yêu cầu ngân hàng kiểm tra, thậm chí khóa tài khoản. Sau đó, chủ tài khoản làm văn bản gửi đến ngân hàng để yêu cầu giải quyết.

Khách hàng không tiết lộ mã pin cũng không cho ai mượn thẻ nhưng vẫn mất tiền. Trong khi, ngân hàng cũng đưa ra lý lẽ rằng rất khó để kiểm chứng được việc này. Vậy vấn đề sẽ được giải quyết như thế nào?

Ngân hàng chỉ có trách nhiệm bảo quản tiền, cung cấp số PIN ban đầu và thẻ ATM cho người sử dụng. Chủ thẻ chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với các giao dịch có sử dụng mã PIN, chịu trách nhiệm đối với giao dịch và chứng từ rút tiền mặt thực hiện tại máy ATM. Nếu làm mất thẻ, mất mã PIN, chủ thẻ phải thông báo ngay cho ngân hàng.

Theo Quy chế phát hành, thanh toán, sử dụng và cung cấp dịch vụ hỗ trợ hoạt động thẻ ngân hàng, trường hợp thẻ bị lợi dụng trước khi ngân hàng xử lý thông báo, thì khách hàng phải hoàn toàn chịu thiệt hại từ việc để thẻ bị lợi dụng gây ra.

Khách hàng sẽ phải chứng minh yếu tố lỗi thuộc về ngân hàng. Việc chứng minh là vô cùng khó khăn trong khi ngân hàng thường nghi vấn về việc khách hàng đã cố ý, hoặc vô ý làm lộ thông tin về thẻ hoặc khiến người khác có cơ hội sử dụng thẻ.

Khi phát hiện mất tiền, chủ tài khoản cần rà soát các mối quan hệ có khả năng lấy thẻ và giao dịch cũng như thu thập các thông tin liên quan đến tài khoản như tin nhắn, thông báo giao dịch.

Kể từ khi thông báo việc mất tiền trong tài khoản ATM đến ngân hàng, mất bao lâu để chủ thẻ nhận được kết quả thông báo nguyên nhân từ ngân hàng?

Để xác định việc mất tiền trong thẻ ATM thuộc về lỗi bảo mật của ngân hàng hay sơ suất của chủ thẻ, ngân hàng phải cần một khoảng thời gian điều tra nhất định.

Theo quy định trên, ngân hàng có quyền đề nghị khách hàng chờ đợi ngân hàng kiểm tra, xử lý. Thời gian làm việc không quá 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của khách hàng, ngân hàng phải xác nhận việc đã xử lý thông báo nhận được.

Quá 10 ngày làm việc ngân hàng vẫn chưa có kết quả thông báo đến khách hàng thì ngân hàng đã vượt quá giới hạn pháp lý mà quy chế phát hành thẻ cho phép. Nếu muốn thêm thời gian để điều tra, xử lý xong vụ việc, ngân hàng phải liên hệ lại với khách hàng.

Khách hàng có khả năng lấy lại được 100% số tiền đã mất không, thưa luật sư?

Khách hàng luôn ở thế yếu trong việc khiếu nại đòi tiền từ ngân hàng. Khách hàng khiếu nại phải chứng minh được việc mất tiền là do lỗi của ngân hàng thì khi đó ngân hàng mới phải bồi thường 100% số tiền đã mất.

Thực tế, khách hàng thường mất tiền rồi mới thông báo cho ngân hàng xử lý. Trong khi đó, Quyết định số 20/2007 trên có quy định rõ là ngân hàng phải hoàn toàn chịu thiệt hại và bồi thường thiệt hại nếu đã xử lý khiếu nại từ chủ thẻ nhưng sau đó thẻ bị lợi dụng (mất tiền).

Giả sử, chủ thẻ cố tình lừa ngân hàng đưa thẻ cho người khác rút rồi sau đó khiếu nại ngân hàng. Nếu bị phát hiện thì họ sẽ bị xử lý như thế nào?

Khi đó rõ ràng chủ thẻ đã có hành vi vi phạm pháp luật nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của ngân hàng.

Tùy từng trường hợp và tùy tính chất, mức độ nghiêm trọng của vụ việc và số tiền bị chiếm đoạt mà chủ thẻ có thể bị ngân hàng yêu cầu hoàn lại số tiền, bị phong tỏa tài khoản và thẻ.

Nếu nghiêm trọng, chủ thẻ sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mức xử phạt đối với tội danh này là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, thậm chí là chung thân nếu chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem