Phạm 2 sai lầm này, Tào Tháo cả đời không thể thống nhất thiên hạ

Thứ năm, ngày 12/08/2021 14:34 PM (GMT+7)
Là người đứng đầu một tập đoàn chính trị đáng gờm thời Tam Quốc, Tào Tháo vẫn không thể hoàn thành giấc mộng thống nhất thiên hạ vì phạm phải 2 sai lầm này.
Bình luận 0

Khi mới hơn 20 tuổi, Tào Tháo từng thảo phạt cuộc khởi nghĩa của Khăn Vàng. Trong 4 thập kỷ sau đó, gần như không một năm nào là ông không xuất chinh.

Các thế lực thời bấy giờ đều ý thực được Tào Tháo là một kẻ địch nguy hiểm và lắm mưu nhiều kế. Nhưng vì sao ngay cả khi đã sở hữu thực lực mạnh như vậy, ông vẫn không thể nhất thống thiên hạ?

Muốn có được thiên hạ, yếu tố quan trọng hàng đầu chính là "thiên thời". Mà đây vốn dĩ là điều không thể cưỡng cầu.

Trên thực tế, sau khi đánh bại Viên Thiệu, Tào Tháo đã có ít nhất hai cơ hội để thống nhất thiên hạ, hoàn thành đại nghiệp. Đó là trận Xích Bích và trận Hán Trung.

Phạm 2 sai lầm không đáng có, Tào Tháo cả đời không thể thống nhất thiên hạ - Ảnh 1.

Được nhiều người đánh giá là "đệ nhất gian hùng Tam Quốc", Tào Tháo nổi tiếng về sự "túc trí đa mưu" và tài năng quân sự vượt trội. Ảnh: Sohu

Trận Xích Bích: Chủ quan khinh định, quân Tào nhận ngay "quả đắng"

Trận Xích Bích diễn ra trong hoàn cảnh phương Bắc căn bản đã ổn định, Kinh Châu bị công chiếm, Lưu Bị buộc phải chạy trốn, chính quyền Tôn Ngô ở Giang Đông đang trong thế bấp bênh.

Từ lá thư Tào gửi cho phe Đông Ngô khi đó cũng có thể nhận thấy, bản thân ông tin chắc lần này mình có thể thâu tóm vùng Giang Đông.

Tuy nhiên, sau khi chiếm được Kinh Châu, việc Tào Tháo thuận đà tấn công Giang Đông quả thực quá liều lĩnh.

Lúc này, mưu sĩ của ông là Giả Hủ đã không dưới một lần khuyên can quân chủ. Bởi vào thời điểm ấy, việc Tào Tháo nên làm là trấn an quan viên và dân chúng Kinh Châu, chờ đến lúc khôi phục lại nguyên khí rồi mới tính đến mưu đồ với Giang Đông.

Phạm 2 sai lầm không đáng có, Tào Tháo cả đời không thể thống nhất thiên hạ - Ảnh 2.

Việc coi nhẹ hai đối thủ "nặng ký" là Tôn Quyền và Lưu Bị đã khiến Tào Tháo đưa ra một quyết định sai lầm. Ảnh: Sohu

Nhưng một kẻ "lắm mưu nhiều kế" như Tào lại phạm phải sai lầm nghiêm trọng khi nhận định về tập đoàn chính trị của Tôn Quyền.

Ông đã đánh giá thấp quyết tâm, năng lực của Giang Đông, đồng thời coi nhẹ dã tâm của vị quân chủ họ Tôn – một người vốn không hề thua kém so với Viên Thiệu.

Trước đó, châu mục Kinh châu Lưu Tông sở dĩ đầu hàng là vì muốn giữ mình giống như Lưu Biểu.

Nhưng gia tộc họ Tôn từ Tôn Kiên, Tôn Sách cho tới Tôn Quyền đều là những người nuôi hùng tâm tráng trí, vốn không thể đánh đồng với Lưu Tông.

Đồng thời, Tào Tháo còn phạm phải một sai lầm khác cũng bắt nguồn từ hai chữ "khinh địch". Đó là ông đã đánh giá thấp Lưu Bị.

Bấy giờ, Lưu Bị và Tào Tháo vốn là kỳ phùng địch thủ đã nhiều năm. Nhưng không thể phủ nhận được sự thật là quân chủ họ Lưu mỗi lần thất thế đều dùng kế "tẩu vi thượng sách".

Chỉ có điều trải qua thời gian, thế lực của Lưu Bị nay đã khác xưa. Bị buộc phải chạy trốn, Lưu Bị đã liên thủ với Tôn Quyền để cùng nhau kháng Tào, thậm còn ký kết hiệp ước bình đẳng với chính quyền Giang Đông.

Việc làm này có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Vì đó là dấu mốc cho thấy Lưu Bị giờ đây đã thoát khỏi sự lệ thuộc với các phe phái và sở hữu địa bàn của riêng mình.

Phạm 2 sai lầm không đáng có, Tào Tháo cả đời không thể thống nhất thiên hạ - Ảnh 3.

Đánh giá thấp đối thủ Lưu Bị đã khiến Tào Tháo phải trả giá đắt cho quyết định sai lầm của mình. Ảnh: Sohu

Nếu Tào Tháo trước đó nghe theo lời khuyên ngăn của Giả Hủ, thì có lẽ việc Tôn Ngô liên minh cùng Lưu Bị chưa chắc đã thành.

Lúc bấy giờ, Lưu Bị quả thực đã bị dồn tới bước đường cùng. Nhìn ra khắp thiên hạ, chỉ có Tôn Quyền lúc này mới có thể đối địch cùng Tào Tháo.

Khoảng thời gian trước khi trận Xích Bích diễn ra cũng là lúc Tào Tháo tiến gần nhất tới khát khao nhất thống thiên hạ trong cuộc đời của ông.

Chỉ tiếc rằng, lịch sử vốn không có nếu như. Đại bại trong trận chiến này đã khiến quân Tào tổn thất mấy trăm nghìn tinh binh, trong thời gian ngắn khó có thể khôi phục nguyên khí.

Sau đó, Hàn Toại và Mã Siêu lại nhân cơ hội này chiếm lĩnh Đồng Quan. Vùng phương Bắc thuộc thế lực của Tào Tháo cũng gặp nguy cơ. Trước tình thế ấy, Tào cũng không ngăn cản được Lưu Bị từng bước xâm chiếm Kinh Châu, suất quân tiến đánh Ích Châu.

Bắt đầu từ lúc này, tính chất cuộc chiến tranh do Tào Tháo phát động đã thay đổi. Trước đó, đây được coi là cuộc chiến thống nhất, nhưng vào thời điểm ấy đã trở thành cuộc chiến tranh đoạt các cứ điểm quân sự trọng yếu, mà cục diện "thiên hạ chia ba" đã khó có thể phá vỡ.

Trận Hán Trung: Do dự trước kẻ thù, Tào Tháo cả đời ôm nỗi nuối tiếc

Phạm 2 sai lầm không đáng có, Tào Tháo cả đời không thể thống nhất thiên hạ - Ảnh 4.

Kể từ sau trận Xích Bích, thế chân vạc thời Tam Quốc đã bắt đầu được định hình và trở thành rào cản với giấc mộng nhất thống Trung Nguyên của Tào Tháo. Ảnh: Sohu

Trận Hán Trung cũng có thể coi là một bước ngoặt trọng yếu khác dưới thời Tam Quốc.

Trong cuộc chiến này, nhân vật được ông trời xem trọng như Tào Tháo lại một lần nữa có được cơ hội thống nhất thiên hạ. Chỉ tiếc rằng, ông vẫn không nắm được cơ hội ấy.

Bấy giờ, Trương Lỗ đầu hàng là thời cơ có một không hai để quân Tào tiến vào đất Thục. Hơn nữa, Lưu Bị mới giành được Ích Châu không lâu, căn cơ chưa vững.

Khi đó, nếu Tào Tháo dựa vào ưu thế Hán Trung để mưu đồ Tây Xuyên thì Lưu Bị chưa chắc đã có thể ngăn cản.

Thế nhưng bài học thua đau từ trận Xích Bích đã khiến vị quân chủ họ Tào do dự và bác bỏ đề nghị tiến vào đất Thục từ phía Tư Mã Ý. Huống hồ lúc đó Lưu Bị đã về Kinh Châu, Tôn Quyền bất kỳ lúc nào cũng có thể xâm phạm biên giới.

Ở vào thời điểm ấy, Tào Tháo bấy giờ đã hơn 60 tuổi. Ông đã không còn dám đánh cược với thời thế, lựa chọn phương án an toàn để từ từ mưu đồ.

Nhưng chỉ 4 năm sau, Hán Trung bị Lưu Bị đoạt mất. Hai năm sau đó, Tào Tháo cũng qua đời trong sự nuối tiếc vì đại nghiệp chẳng thành.

PV (Theo Thời Đại)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem