Bí quyết bón phân hiệu quả
Tháng 6/2019 vừa qua, Hội ND tỉnh Hải Dương phối hợp Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao triển khai mô hình trình diễn trồng na sử dụng phân bón NPK-S Lâm Thao khép kín trên địa bàn phường Hoàng Tiến, TP.Chí Linh với tổng diện tích hơn 5ha, 5 hộ tham gia. Tham gia mô hình, các hộ trồng na phường Hoàng Tiến được hỗ trợ 20 tấn phân bón Lâm Thao và được “cầm tay chỉ việc” chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng na.
Anh Nguyễn Huy Tưởng - cán bộ kỹ thuật Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao hướng dẫn kỹ thuật thâm canh cây na cho cán bộ, hội viên ND thị xã Chí Linh (Hải Dương). Ảnh: Thu Hà
"Mặc dù, thời tiết năm nay không thuận lợi nhưng được chuyển giao kỹ thuật về chăm sóc na nên vẫn cho năng suất cao. Bón phân Lâm Thao, cây na dai sinh trưởng và phát triển tốt, lá có màu xanh đậm, quả na to hơn nên năng suất quả đạt 20-30kg/cây. Vụ na năm 2019, thu nhập sau khi trừ chi phí của gia đình đạt hơn 100 triệu đồng/ha”.
Chị Hoàng Thị Huệ
|
Là một trong 5 hộ tham gia mô hình, chị Hoàng Thị Huệ phấn khởi nói: “Hiện gia đình tôi có 2,7ha na dai được trên 10 năm tuổi, đây là giai đoạn cây cho khai thác quả mạnh nhất nên phải được chăm sóc, bón phân đầy đủ. Tháng 6/2019 mới đây, được Công ty Lâm Thao hỗ trợ toàn bộ phân bón trồng na tôi rất phấn khởi. Mặc dù thời tiết năm nay không thuận lợi nhưng được chuyển giao kỹ thuật về chăm sóc na nên vẫn cho năng suất cao. Bón phân Lâm Thao, cây na dai sinh trưởng và phát triển tốt, lá có màu xanh đậm, quả na to hơn nên năng suất đạt 20-30kg/cây. Sau khi trừ chi phí, vụ na năm 2019 gia đình lãi hơn 100 triệu đồng/ha”.
Chị Huệ cho biết, để cây na sai trĩu quả và quả to, mã đẹp thì việc bón phân rất quan trọng. “Mỗi năm tôi thường bón phân 4 - 5 đợt cho na. Trước khi ra hoa bón thúc đợt 1 để cây đâm lộc hoa vào tháng 2 - 3. Đợt 2, 3 là khi đã có quả non, bón vào khoảng tháng 6 - 7 để nuôi cành, nuôi quả. Đợt 4, 5 là sau thu hoạch bón hồi cây kết hợp với vun gốc vào tháng 9 - 10. Tôi sử dụng phân NPK-S*M1 12.5.10-14 để bón cho na với liều lượng 1 - 1,5kg phân/đợt. Cứ cách 2 năm bón 1 lần phân gà ủ mục cùng với đợt bón thúc phân NPK-S*M1 12.5.10-14 sau khi thu quả, liều lượng 20 - 30kg/cây. Để cây na ngấm phân bón tốt hơn, chị Huệ thường cuốc rãnh hình vành khăn, bỏ phân vào hố hoặc rãnh, lấp kín, tủ gốc bằng cỏ khô, lá khô để tạo ẩm.
Chị Phùng Thị Hương - Chủ tịch Hội ND phường Hoàng Tiến cho biết: Với điều kiện thổ nhưỡng vùng đồi núi, cộng với kỹ thuật trồng, chăm sóc bài bản của người dân Hoàng Tiến, cây na đã sinh trưởng và phát triển mạnh. Năng suất và chất lượng quả na ở Hoàng Tiến nổi trội hơn hẳn na trồng ở các vùng khác trong tỉnh Hải Dương. Hiện, phường Hoàng Tiến có hơn 200ha na, trong đó các thôn Tân Tiến, Ngũ Đài, Vàng Gián, Phục Thiện đã xây dựng được vùng chuyên canh na VietGAP tập trung với giá bán ổn định.
So sánh về giá trị kinh tế của cây na mang lại, chị Phùng Thị Hương nhấn mạnh: “Trong số các loại cây ăn quả mà người dân địa phương đã trồng, cây na là cây có năng suất và hiệu quả đứng đầu bảng. Nhiều hộ sau khi trừ chi phí lãi 200 - 300 triệu đồng/vụ là bình thường”.
Theo chị Hương, để hỗ trợ hội viên nông dân phát huy thế mạnh địa phương, những năm qua, Hội ND phường Hoàng Tiến đã tích cực phối hợp với các doanh nghiệp uy tín như Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao thực hiện cung ứng phân bón theo hình thức trả chậm (trong 6 tháng không tính lãi), xây dựng các mô hình trình diễn điểm, tổ chức hướng dẫn, tập huấn khoa học kỹ thuật cho người trồng na… “Riêng trong năm 2019, Hội ND phường Hoàng Tiến phối hợp với Công ty Lâm Thao cung ứng hơn 50 tấn phân bón trả chậm, mở 2 buổi tập huấn sử dụng phân bón, xây dựng hơn 5ha mô hình trình diễn sử dụng phân bón Lâm Thao trên cây na cho bà con” - chị Hương thông tin.
Tích cực liên kết “4 nhà”
Ông Đặng Quang Hưng - Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân, Hội ND tỉnh Hải Dương cho biết: Với phương châm “Hướng mạnh về cơ sở”, năm 2019 các cấp Hội ND Hải Dương đã tập trung tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất.
Các cấp Hội đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp uy tín như Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cung ứng phân bón chất lượng theo phương thức trả chậm. Riêng năm 2019, qua “kênh” Hội ND đã cung ứng gần 7.000 tấn phân bón Lâm Thao cho hội viên nông dân; trong đó Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh cung ứng gần 1.500 tấn.
Ngoài việc bán phân bón trả chậm, Hội ND tỉnh Hải Dương còn phối hợp đồng bộ với các cấp Hội cơ sở, đặc biệt là Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và xây dựng mô hình trình diễn điểm sử dụng phân bón Lâm Thao. Theo đó, năm 2019, các cấp Hội ND tỉnh đã phối hợp tổ chức được hơn 50 lớp tập huấn hướng dẫn sử dụng phân bón cho hàng ngàn hội viên, hội nông dân; xây dựng 7 mô hình trình diễn sử dụng phân bón NPK Lâm Thao khép kín trên cây ổi, vải, na, cam, cà chua, cà rốt và bí xanh tại 7 cơ sở trong tỉnh.
Trao đổi về mô hình trồng na sử dụng phân bón NPK-S Lâm Thao khép kín ở phường Hoàng Tiến, ông Đặng Quang Hưng khẳng định: Đây là 1 trong những mô hình liên kết “4 nhà” do các cấp Hội xây dựng nhằm hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Tham gia mô hình ngay từ đầu vụ, hội viên, nông dân tham gia mô hình được phía Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao hỗ trợ 100% phân bón.
Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai, Hội ND tỉnh đã phối hợp với Hội ND xã mở 2 lớp tập huấn cho nông dân tham gia mô hình về kỹ thuật trồng, quy trình bón phân bón NPK Lâm Thao khép kín, kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Hội ND tỉnh và phía Công ty Lâm Thao đã cử cán bộ kỹ thuật cùng với địa phương thường xuyên theo dõi tình hình của mô hình để có những đề xuất kịp thời và hợp lý, giúp nông dân yên tâm sản xuất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.