Kháng đạo ôn hiệu quả
Vụ mùa 2014 này, trung tâm đã phối hợp với Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (Công ty Supe Lâm Thao) tổ chức khảo nghiệm và mở rộng sản xuất trên quy mô lớn tại các vùng sinh thái của tỉnh Thanh Hóa với 3 giống lúa gồm thuần Việt 2, thuần Việt 7 và thanh ưu 4 như Thọ Xuân, Hoàng Hóa, Như Xuân…với diện tích 35ha bằng phương pháp bón phân NPK-S Lâm Thao đồng bộ khép kín.
Qua tham quan mô hình trình diễn tại cánh đồng lúa thuần huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa), ông Vũ Văn Nam – Giám đốc Trung tâm cho biết: “Năm nay, dù thời tiết diễn biến thất thường, nhưng các giống lúa được đưa vào khảo nghiệm tại các ruộng cho thấy vẫn sinh trưởng và phát triển tốt. Hiện, các khu vực khảo nghiệm lúa đã bắt đầu chín, nhìn nhận bằng mắt có thể thấy các ruộng, lúa chín khá đều, đẹp”. Theo ông Nam, đặc biệt, đối với các khu ruộng lúa có áp dụng quy trình bón phân NPK-S khép kín, từ khi gieo giống đến nay đều cho thấy hiệu quả nhất định. Điều đáng nói là khả năng chống chịu thời tiết và kháng sâu bệnh, đặc biệt là các ruộng lúa có bón phân NPK-S không bị mắc bệnh cháy lá (đạo ôn)…
Cũng qua kết quả khảo nghiệm cho thấy, ngoài việc kháng được bệnh hại cho cây lúa, quy trình bón phân NPK-S Lâm Thao khép kín còn giúp giảm được chi phí đầu tư về phân bón, thuốc trừ sâu, công chăm sóc… “Từ việc chọn tạo, khảo nghiệm đưa ra giống lúa mới thì việc tìm và đưa vào sử dụng phân bón đạt chất lượng tốt như NPK-Lâm Thao cũng là một khâu rất quan trọng quyết định nhiều đến sự thành công của các giống lúa mới khi đưa ra thị trường cung cấp cho người dân sản xuất đạt hiệu quả cao”- ông Nam khẳng định.
Năng suất tăng đạt gần 20%
Với chất lượng phân bón đảm bảo, trong những năm qua, sản phẩm của công ty luôn được bà con nông dân trong tỉnh Thanh Hóa tin dùng. Trong những năm tới, công ty sẽ tiếp tục khai thác thị trường và cung cấp đáp ứng đảm bảo nhu cầu dùng phân bón của người dân trong tỉnh.
Cho đến thời điểm này, các diện tích lúa khảo nghiệm đang chín đều, bông to, đẹp, năng suất bình quân ước sẽ hơn 60 tạ/ha. Trong đó, thuần Việt 2 đạt trên 62 tạ/ha; thuần Việt 7 và thanh ưu 4 đạt từ 65-68 tạ/ha. Theo đánh giá, với sản lượng năng suất đạt như trên sẽ cao hơn trên dưới 20% so với các vụ trước đó. Với 3 sào lúa thuần tham gia vào mô hình khảo nghiệm theo quy trình bón phân NPK-S khép kín, ông Lê Sỹ Hùng ở thôn 8, xã Thọ Lộc (Thọ Xuân) cho biết: “Từ việc cấy giống lúa thuần mới, áp dụng quy trình bón phân khép kín, năng suất lúa vụ này của tôi ít nhất cũng đạt trên 2,5 tạ/sào. Vụ tới, nếu được tham gia mô hình, tôi sẵn sàng tham gia và cấy thêm diện tích”.
Qua kết quả khảo nghiệm trên, ông Nam khẳng định: “Đây sẽ là cơ sở quan trọng để chúng tôi đề nghị Sở NNPTNT bổ sung vào cơ cấu phục vụ sản xuất của tỉnh trong vụ tới, trong đó, giống lúa thanh ưu 4 thuộc nhóm ngắn ngày phục vụ sản xuất trên các chân đất: Xuân muộn, cực muộn, mùa sớm làm cây vụ đông, chất đất né lụt cho hiệu quả năng suất tốt. Còn lại, 2 giống lúa, thuần Việt 2, thuần Việt 7, sẽ đề nghị Sở cho mở rộng sản xuất tại các vùng sinh thái trong tỉnh”.
Ông Vũ Xuân Hồng – Phó Tổng Giám đốc Công ty Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho biết: “Thanh Hóa là địa phương có đồng đất đa dạng và khá phức tạp với nhiều loại đất khác nhau như đất đồi núi, vùng trũng, đất phèn… Để có loại phân bón phù hợp với điều kiện đó, trong những năm qua, công ty chúng tôi luôn luôn đổi mới trang thiết bị máy móc, áp dụng tiến bộ khoa học mới vào sản xuất tạo ra những sản phẩm mới cung cấp cho bà con nông dân trong toàn tỉnh, trong đó, điển hình là sản phẩm phân bón mới NPK-S đang áp dụng bón cho giống lúa mới trên địa bàn cho thấy hiệu quả thực tiễn tốt”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.