Phân bón, thuốc BVTV giả hoành hành: Thoát án nhờ... phúc kiểm

Thứ ba, ngày 18/09/2012 09:47 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Các mẫu phân nghi dỏm, khi kiểm định hầu hết đều kém chất lượng. Thế nhưng, khi phúc kiểm cũng tại chính những trung tâm này, mẫu phân trước đó được xác định là kém chất lượng đều trở thành đạt!
Bình luận 0

Hiện tượng lạ này đang xảy ra ở nhiều vùng ĐBSCL.

Chất lượng kiểm định vênh 90%!

Hiện nay, các mẫu phân bón nghi kém chất lượng được cơ quan chức năng lấy mẫu theo quy định gồm 3 mẫu (có niêm phong). Các mẫu được gửi đi phân tích chủ yếu tại 3 nơi, gồm Trung tâm Khảo nghiệm giống phân bón Miền Nam, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng 3 (QUATEST 3) và Công ty Giám định – Khử trùng (FCC), tất cả đều có trụ sở ở TP.HCM.

img
Phân bón kém chất lượng bị Chi cục Quản lý thị trường Long An tạm giữ.

Tại Long An, chỉ riêng kết quả kiểm tra của Chi cục Quản lý thị trường (QLTT), từ đầu năm đến nay kiểm tra ngẫu nhiên 115 mẫu phân bón, có đến 66 mẫu kém chất lượng, chiếm gần 60%! Thế nhưng, khi doanh nghiệp đề nghị phúc kiểm 51 mẫu, có đến 44 mẫu “đạt chất lượng”. Đây là con số “không thể tin nổi” khi có gần 90% mẫu từ kém chất lượng thành đạt chất lượng, sau khi qua phúc kiểm.

Dẫn chúng tôi đi thăm kho phân kém chất lượng đang tạm giữ, ông Trần Văn Quốc – Đội trưởng Đội QLTT số 2 (đóng tại Mộc Hóa, Long An) nói: “Ngày 10.4.2012, chúng tôi kiểm tra kho phân của một doanh nghiệp tại Mộc Hóa. Nghi ngờ phân kali Israel hiệu Hai Con Rồng do Công ty CP Vinacam nhập khẩu và phân phối có vấn đề, chúng tôi đã lấy mẫu kiểm tra.

Theo quy định, nếu kết quả phân tích cho thấy hàm lượng của phân bón dưới 50% hàm lượng công bố, sẽ là hàng giả; nếu giá trị số hàng giả tương đương hàng thật từ 30 triệu đồng trở lên sẽ bị khởi tố hình sự. Thời điểm này, doanh nghiệp có trong kho 100 bao phân, trị giá hơn 50 triệu đồng. Đối diện với vụ án hình sự, doanh nghiệp đã xin phúc kiểm lần 2 và “thoát” ngoạn mục. Kết quả phúc kiểm đã nâng mẫu phân “giả” thành kém chất lượng, đơn vị kinh doanh chỉ bị phạt hành chính”.

Tương tự, có 8 mẫu kém chất lượng khác do Đội QLTT số 2 phát hiện, sau khi đi phúc kiểm lần 2 đều “đạt”, không doanh nghiệp nào bị phạt. Ông Quốc bức xúc: “Anh em trong đội toàn gốc nông dân nên rất hiểu nỗi khổ của nhà nông khi xài trúng đồ dỏm. Vậy mà chúng tôi phát hiện mẫu nào dỏm, tới phúc kiểm thì lại thành hàng xịn, chỉ biết ôm cục tức. Tức cho mình, tức cho nông dân chân lấm tay bùn bị bọn gian thương hãm hại…”.

Theo ông Phạm Tứ Phương – Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Vĩnh Long, quy định cho phép các đơn vị bị phát hiện sai phạm được làm đơn xin phúc kiểm, đồng thời được quyền yêu cầu nơi thực hiện giám định. Kết quả phúc kiểm sẽ là kết quả cuối cùng, dù cơ quan chức năng còn lưu mẫu và có nghi ngờ cũng không được kiểm lần 3.

Yếu tay nghề hay có “chạy chọt”?

Theo ông Lê Minh Đức – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An, để cạnh tranh thị phần, các nhà sản xuất sẵn sàng nhập nguyên liệu từ những nước có giá thành thấp, chất lượng kém. Giá thành giữa các sản phẩm do đó chênh lệch nhau rất lớn. Gần đây, hiện tượng kết quả phúc kiểm trái với kết quả kiểm định ban đầu với tỷ lệ như hiện nay là không thể tin nổi, không chấp nhận được.

“Quanh đi quẩn lại chỉ có vài ba trung tâm có chức năng kiểm định, lại dùng máy móc hiện đại, vậy mà kết quả luôn đá nhau là chuyện vô lý. Cần làm rõ chuyện người kiểm định yếu tay nghề nên kết quả vênh nhau, hay có chuyện chạy chọt để thoát xử phạt, vẫn hưởng lợi trên lưng nông dân!” – ông Đức bức xúc.

Báo cáo của Đội QLTT số 6 (Long An) ngày 29.8.2012: Ba mẫu phân bón của Công ty cổ phần Phân bón Mỹ Việt, Công ty Phân bón hóa chất Cần Thơ, Công ty TNHH SX TM Thiên Thành Lộc qua kiểm định lần đầu đều kém chất lượng. Doanh nghiệp xin phúc kiểm thì tất cả đều đạt.

Cũng theo phân tích của ông Đức, khi phát hiện phân bón nghi kém chất lượng, đem đi kiểm mẫu khoảng 2 tuần mới có kết quả. Lúc đó, dù phát hiện là hàng dỏm thì doanh nghiệp cũng đã tẩu tán sạch ra ngoài thị trường. Hậu quả là nông dân lãnh đủ.

Ông Phạm Tứ Phương cho biết, để đối phó với tình trạng “chạy” phúc kiểm, Chi cục QLTT tỉnh Vĩnh Long thường gom nhiều mẫu, trộn lẫn vào nhau, sau đó đi phúc kiểm một lần. “Đơn vị vi phạm được quyền chỉ định nơi phúc kiểm, nhưng họ không đi theo chúng tôi để làm việc này. Kết quả là, các mẫu phúc kiểm gần như không có thay đổi so với kiểm định lần 1” – ông Phương nói.

Tại Tiền Giang, Chi cục QLTT kiểm tra phân bón 25 vụ thì phát hiện và xử lý 16 vụ, phạt tiền hơn 600 triệu đồng. Trong đó, hàng kém chất lượng có 9 vụ, hàng giả là 7 vụ, trị giá hàng hóa vi phạm gần 2,5 tỷ đồng. Có 3 vụ xin phúc kiểm tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng 3, Chi cục QLTT tỉnh Tiền Giang làm giống cách của Vĩnh Long (trộn mẫu, không cho người vi phạm đi cùng). Kết quả, cả 3 mẫu đều không đạt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem