1. Chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cây, không chứa các thành phần có hại:Khi sử dụng phân hóa học, có 2 vấn đề nảy sinh: Một là nếu phân được chế biến quá đậm đặc, 1-2 loại chất dinh dưỡng chính (như urea, DAP, MAP…), các chất khác bị loại trừ hết, sau nhiều năm sử dụng sẽ nảy sinh hiện tượng mất cân đối, thiếu hụt một số yếu tố trung, vi lượng trong đất. Hai là, nếu phân có chứa nhiều thành phần phụ độc hại, sau nhiều năm bón, thành phần phụ sẽ tích lũy trong đất, trong một số trường hợp có thể gây ngộ độc cho cây.
Tùy theo mức chất lượng cần sản xuất lân Văn Điển chứa các chất dinh dưỡng cơ bản như: P2O5 = 15-20%; MgO= 15-18%, CaO = 24-30%, SiO2 = 24-32%, ngoài ra còn có các chất vi lượng như Fe2O3 = 4%, Mn=0,06%, Cu=0,02%, Mo=0,001%, Co=0,002%, SO3=0,22%, B2O3=800ppm, ZnO=40-50ppm… Tổng hàm lượng dinh dưỡng đa, trung, vi lượng cây có thể hấp thụ được lên đến 95-98%. Đây là loại phân bón giàu chất dinh dưỡng nhất tính theo đầu loại cũng như hàm lượng.
Các chất dinh dưỡng trung, vi lượng có trong lân Văn Điển với lượng vừa phải và không gây hại, trái lại là chất cần thiết để tăng năng suất và chất lượng cho cây trồng.
![Phân bón Văn Điển từ lâu đã là người bạn thân thuộc của nông dân (Nguồn ảnh: NNVN) Phân bón Văn Điển từ lâu đã là người bạn thân thuộc của nông dân (Nguồn ảnh: NNVN)](https://danviet.mediacdn.vn/upload/2-2014/images/2014-04-29/1434380526-phan.jpg)
Phân bón Văn Điển từ lâu đã là người bạn thân thuộc của nông dân (Nguồn ảnh: NNVN)
2. Vận chuyển và bảo quản dễ dàng:Phân lân Văn Điển không tan trong nước, không chứa axit nên không làm hỏng bao bì, phương tiện vận chuyển, kho chứa phân. Không mất chất khi gặp mưa, không hút ẩm, không vón cục, không chứa các chất độc cho người và động vật. Khi trộn và dự trữ chung với các loại phân khác như phân kali, urea, DAP, MAP… không gây ảnh hưởng xấu.
3. Hiệu quả ngay và lâu dài: Do lân, magiê, silic, canxi và các chất vi lượng đều ở dạng dễ tiêu, cây cối hút được dễ dàng nên phân lân Văn Điển có hiệu quả ngay trong vụ đầu cho tất cả các loại cây trồng và các loại đất có thể dùng bón lót, bón thúc, chữa bệnh chống nghẹt rễ.
Lân và các chất dinh dưỡng trung, vi lượng trong phân lân Văn Điển không hòa tan trong nước, chỉ hòa tan trong dịch axit do rễ cây tiết ra nên bón vào đất không bị rửa trôi, không bị sắt và nhôm tan trong dung dịch đất (thường có nhiều ở đất chua) chuyển thành dạng khó tiêu, cây không sử dụng được như các loại phân lân tan trong nước khác. Vì vậy, bón phân lân Văn Điển hiệu quả ngay vụ đầu, hiệu quả tồn dư trong các vụ sau cao hơn các loại phân khác, hiệu quả còn kéo dài trong 3, 4 vụ sau.
4. Cải tạo đất chua: Phân lân Văn Điển có tính kiềm pH=8-8,5 có chứa một lượng lớn CaO và MgO (trên 50%); như vậy bón 2-2,25kg phân lân Văn Điển có tác dụng khử chua ngang bằng bón 1kg vôi hoặc 2kg vôi bột đá vôi nghiền mịn. Tác dụng khử chua cũng nhanh như bón vôi.
5. Bón vào ruộng lúa ít rong rêu: Khi trong nước có tan nhiều lân, rong rêu phát triển mạnh lấn át cả lúa. Phân lân Văn Điển không tan trong nước nên ruộng ít rong rêu hơn khi bón phân chuồng tươi hoặc các loại lân dễ tan như Super lân, DAP, MAP.
6. Phân lân Văn Điển chứa một số chất dinh dưỡng đặc biệt mà các loại phân lân khác không có được: Mỗi loại dinh dưỡng có trong lân Văn Điển đều có tác dụng riêng với sự phát triển của cây trồng, điều này đã được khoa học chứng minh rõ ràng. Lân Văn Điển ngoài thành phần lân còn chứa magiê (MgO) và silic (SiO2) là 2 chất trung lượng tiêu biểu mà các loại lân khác không có.
Trong đất có rất nhiều silic nhưng đều nằm ở dạng khó tan, cây cối không hấp thụ được… Silic tuy không có trong thành phần của diệp lục tố nhưng nhiều tài liệu nghiên cứu cho rằng silic cần cho sự tạo thành diệp lục tố, ảnh hưởng đến sự quang hợp của cây trồng. Tác dụng rõ nhất của silic là làm dày và vững chắc vách tế bào, làm cây cứng, đứng lá.
Đại học Floria của Hoa Kỳ và Tập đoàn Sumimoto Corporation đã có các thí nghiệm chứng minh, silic có vai trò trong việc chống lại bệnh thối rễ chùm, đốm nâu, đạo ôn, khô vằn; chống lại sự bất thuận của thời tiết như hạn hán, gió bão, xâm nhập mặn và chống lại các bất lợi khi sử dụng phân hóa học không hợp lý như thừa đạm, thiếu lân. Silic làm tăng năng suất và chất lượng nông sản.
7. Hạn chế tác hại của sâu bệnh: Ngoài tác dụng cung cấp chất lân tạo nên sự cân đối dinh dưỡng giữa đạm, lân, kali cho cây chống lại được sự phá hoại của các loại bệnh thường xuất hiện khi bón nhiều đạm như bạc lá, đạo ôn và các loại sâu đục than… Phân lân Văn Điển còn có các tác dụng sau đây:
- Làm cho đất bớt chua vì môi trường đất chua rất thích hợp cho các loại nấm bệnh phát triển.
- Làm cho lá cây đứng, tạo độ thông thoáng trong đồng ruộng, hạn chế bệnh phát triển do độ ẩm trong ruộng quá cao.
- Bón lân Văn Điển lá cây màu xanh vàng lá gừng (không phải màu xanh đen), không hấp dẫn bướm, sâu đến đẻ trứng.
- Tạo lớp vỏ silic hữu cơ trên vỏ cây, thân cây (nhất là cây hóa thảo lúa, mía…) làm cho vi khuẩn, nấm bệnh, sâu bọ chích hút, miệng nhai khó xâm nhập gây bệnh.
- Trong những năm gần đây các vùng sử dụng lân Văn Điển có nhận xét giảm bệnh đạo ôn, khô vằn, bạc lá, bạc cổ bông; có nơi còn thấy giảm sâu đục thân và sâu cuốn lá.
8. Chống đổ: Do lân kích thích ra rễ, silic tạo nên xương sống cho cây lúa, đặc biệt tạo ra lớp gai lông trên thân, lá lúa làm cho cây cứng, vách tế bào chắc chống lại sâu bệnh, chống đổ ngã. Nhận xét rất rõ đối với cây lúa là: Rễ lúa phát triển nhiều hơn, sâu hơn chống được đổ gốc; thân lúa cứng hơn, chống được đổ thân lúa khi dùng phân lân Văn Điển.
9. Chống hạn: Bón phân lân Văn Điển cây hấp thụ được nhiều silic, vách tế bào có màng silic dày làm giảm sự phát tán hơi nước qua mặt lá. Rễ cây phát triển mạnh, ăn sâu giúp cây hút được nhiều nước, vì vậy có lợi cho cây trồng trên các vùng khô hạn.
Nhu cầu sử dụng các loại phân bón Văn Điển ngày một cao, để đáp ứng thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu, Công ty đang khẩn trương xây dựng thêm 1 nhà máy mới tại Bỉm Sơn, Thanh Hóa với công suất 500.000 tấn lân nung chảy và 200.000 tấn phân đa yếu tố NPK các loại/năm.
|
10. Góp phần làm cho nông nghiệp ổn định: Trong các năm vừa qua, nhiều nơi sử dụng các loại phân đậm đặc, giàu một vài yếu tố dinh dưỡng chính như N, P, K dần dần sẽ làm đất mất cân dối qua nhiều năm sử dụng. Phân lân Văn Điển ngoài các dinh dưỡng đa lượng còn chứa nhiều yếu tố thiết yếu trung, vi lượng với hàm lượng vừa phải.
Nếu sử dụng phối hợp khéo léo với các loại phân khác sẽ giữ được và gia tăng sự cân đối của các yếu tố dinh dưỡng trong đất, làm cho đất ngày càng tốt lên, tạo cho sản xuất nông nghiệp ổn định, khắc phục được nhược điểm “Sử dụng phân hóa học làm kiệt đất” như lâu nay thường quan niệm.
Nông dân miền Tây Nam Bộ đã ứng dụng thành công trong việc sử dụng lân Văn Điển cải tạo đất mặn phèn, nâng cao năng suất cây trồng. Nhiều vùng như Mộc Hóa Long An, Hòn Đất, Kiên Giang… đã coi lân Văn Điển như loại phân mang lại sự ấm lo cho nông dân.
Trên nền lân nung chảy Văn Điển, công ty đã sản xuất trên 60 loại phân đa yếu tố NPK mang đầy đủ các ưu điểm của lân nung chảy Văn Điển.
Công ty đang tích cực đưa ra thị trường các loại phân bón khử chua, mặn chống lại việc xâm mặn vì nước biển dâng biến đổi khí hậu cũng như các loại phân bón thân thiện môi trường, phục vụ canh tác nông sản sạch, nông sản hữu cơ.
Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển được xây dựng và đưa vào sản xuất năm 1963, công suất ban đầu là 20.000 tấn phân lân nung chảy/năm, trải qua trên 50 năm xây dựng và phát triển, đến nay công ty đã nâng công suất lên 450.000 tấn phân bón/năm, bao gồm 300.000 tấn phân lân nung chảy là 150.000 tấn phân đa yếu tố NPK… Sản phẩm của Văn Điển có chất lượng cao và có nhiều ưu điểm vượt trội về các định mức kinh tế kỹ thuật nên có giá thành rẻ. Sản phẩm đã quen thuộc với nông dân cả nước và được xuất khẩu ra các thị trường khó tính như Nhật Bản, Úc, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia… từ trên 20 năm qua và đến nay vẫn được các khách hàng tin dùng.
|
Kỹ sư Tùng Dũng (Kỹ sư Tùng Dũng)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.