Theo dự thảo Luật Nhà giáo, giáo viên ở bậc phổ thông vẫn còn hạng nhưng không phải hạng I, II, III mà sẽ phân thành: Giáo viên, giáo viên chính, giáo viên cao cấp. Việc phân hạng một lần nữa thu hút sự quan tâm của nhiều nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên toàn quốc.
Thêm động lực cho nhà giáo
Theo dự thảo Luật Nhà giáo mới nhất, nhà giáo ở bậc phổ thông vẫn còn hạng nhưng không phải hạng I, II, III mà sẽ phân hạng thành: Giáo viên, giáo viên chính, giáo viên cao cấp. Hiện nay, giáo viên phổ thông (tiểu học, THCS, THPT) hạng III có hệ số lương từ 2,34 - 4,98; hạng II là 4,0 - 6,38; hạng I có hệ số lương 4,4 - 6,78.
Cô Nguyễn Thị Thanh - giáo viên tiểu học tại Hà Nội cho rằng, phân hạng giúp thầy cô làm việc hiệu quả và năng suất cao sẽ hưởng lương cao hơn. Dù vậy, vẫn có tình trạng giáo viên cùng trình độ đại học nhưng có người công tác chưa tốt, ít thành tích, thời gian làm việc ngắn hơn nhưng lại được hưởng lương ở hạng cao hơn, hệ số lương cao hơn.
Điều này xuất phát từ việc bổ nhiệm, chuyển xếp hạng tồn tại nhiều điểm chưa hợp lý, bất cập; các tiêu chuẩn hạng chức danh nhà giáo cũng chưa rõ ràng. Chức danh nhà giáo là căn cứ để cơ quan quản lý, cơ sở giáo dục xác định vị trí việc làm, số lượng người làm việc; thực hiện tuyển dụng, sử dụng, quản lý và áp dụng chế độ, chính sách đãi ngộ, tôn vinh đối với nhà giáo.
Hơn 20 năm trong nghề, cô Tạ Thị Thanh Bình - Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) chia sẻ thực tế ở đơn vị, nếu phân theo dạng thức này thì tính chất công việc, thời gian cống hiến của các thầy cô có sự khác nhau rõ rệt.
Nếu phân biệt bậc lương cho các nhà giáo theo phương thức giáo viên, giáo viên chính, giáo viên cao cấp thì hầu như chỉ trả lương theo bằng cấp mà vị trí việc làm và sự cống hiến của các nhà giáo ở các hạng lương như nhau, không có nhiều sự khác biệt.
Cô Bình cũng phân tích, nếu phân cấp lương cho các nhà giáo theo hạng I, hạng II và hạng III thì tính chất công việc, thời gian và hiệu quả công việc cống hiến của nhà giáo có sự khác biệt ở các hạng bậc lương.
Theo đề án vị trí việc làm, ở các hạng bậc vị trí việc làm khác nhau đòi hỏi nhà giáo phải cống hiến khác nhau. Chẳng hạn, giáo viên hạng I ngoài việc có đầy đủ bằng cấp, chứng chỉ thì phải có đủ năm cống hiến trong ngành và vị trí việc làm phù hợp như: Tổ trưởng, Hiệu trưởng… cùng nhiều loại giấy khen, bằng khen hay thành tích trong những năm công tác.
“Việc trả lương cho giáo viên theo xếp hạng vị trí việc làm đảm bảo tính công bằng, phù hợp thực tiễn; khuyến khích được các nhà giáo phấn đấu và tích cực cống hiến để được thăng hạng lương theo đề án vị trí việc làm”, cô Tạ Thị Thanh Bình trao đổi thêm.
Cô Phan Thị Hằng Hải - Hiệu trưởng Trường THPT Kim Ngọc (Vĩnh Phúc) cho hay, khi có hệ thống phân cấp rõ ràng, giáo viên sẽ có động lực hơn để phấn đấu, nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ. Đồng thời giúp xác định rõ năng lực của từng giáo viên, từ đó có chính sách đãi ngộ phù hợp, thu hút và giữ chân người tài.
“Tuy nhiên, việc chia thành giáo viên, giáo viên chính, giáo viên cao cấp sẽ ít nhiều tạo ra sự phân biệt giữa các nhà giáo. Nên chăng chúng ta có thể giữ nguyên cách chia hạng giáo viên theo hạng I, II, III như hiện tại thì sẽ hợp lý hơn”, cô Hằng Hải nêu quan điểm.
Cần “thang đo” chuẩn
Cô Nguyễn Thị Tươi - Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Vĩnh Trụ (Lý Nhân, Hà Nam) nhìn nhận, việc chia hạng như trong dự thảo Luật Nhà giáo sẽ giúp phân biệt rõ ràng giữa các cấp bậc, đảm bảo mỗi giáo viên được đối xử công bằng dựa trên năng lực và đóng góp.
Việc này cũng góp phần khẳng định vai trò quan trọng của giáo viên trong xã hội và tạo điều kiện để họ được tôn vinh một cách xứng đáng. Hệ thống chia hạng sẽ tạo ra “cái thang” để giáo viên vươn lên, khuyến khích họ không ngừng học hỏi và đổi mới. Với những chế độ đãi ngộ hấp dẫn, ngành Giáo dục sẽ thu hút được nhiều người tài, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Dưới góc nhìn chuyên gia giáo dục độc lập, TS Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhìn nhận, dù có chia giáo viên thành nhiều hạng khác nhau hoặc các dạng thức tương đương, ngành Giáo dục cần thực hiện rốt ráo những chính sách hỗ trợ, tôn vinh sự cống hiến, hy sinh của nhà giáo. Nghề giáo vốn rất vất vả, tận hiến với nghề và cần được ghi nhận.
Vị nữ chuyên gia chỉ ra rằng, tất cả cuộc thi hay thủ tục không cần thiết với giáo viên nên loại bỏ càng sớm càng tốt. Áp lực công việc đè nặng lên vai nhà giáo, trong khi thu nhập dù đã được cải thiện đáng kể nhưng vẫn thấp so với mặt bằng chung, nhiều thầy cô không thể tiếp tục gắn bó mà quyết định chuyển sang nghề khác.
Hơn nữa, việc xây dựng các tiêu chí đánh giá để phân hạng giáo viên một cách công bằng, minh bạch, hiệu quả là vấn đề phức tạp, đòi hỏi sự đồng thuận cao từ các chuyên gia và nhà quản lý giáo dục. Để hệ thống chia hạng phát huy hiệu quả, cần có cơ chế đãi ngộ rõ ràng và hợp lý, đảm bảo sự khác biệt giữa các hạng.
Từ thực tế quản lý, thầy Nguyễn Hải Sơn - Hiệu trưởng Trường THCS Hải Xuân (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) chia sẻ, chia hạng giáo viên cần đi đôi với nâng cao chất lượng đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, tạo điều kiện để họ có thể phát triển năng lực của mình. Chỉ khi đó, hệ thống giáo dục mới có thể thực sự đổi mới và đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội.
“Cần có sự tham gia đóng góp ý kiến của các bên liên quan, từ giáo viên, phụ huynh, chuyên gia đến nhà quản lý giáo dục để xây dựng một hệ thống chia hạng giáo viên phù hợp với thực tiễn của nước ta. Theo tìm hiểu, dự án Luật Nhà giáo sẽ được trình tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV tới đây để các đại biểu xem xét. Hy vọng khi được thông qua, Luật Nhà giáo sẽ phát huy được nhiều tác dụng, nhất là với đội ngũ nhà giáo”, thầy Sơn tâm sự.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.