Phận mỏng của "kho vàng" cổ nhất xứ Thanh

Thứ ba, ngày 27/03/2012 20:09 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Được lưu truyền suốt 5 đời ở dòng họ Lê Mai, tủ sách Thu gia Vạn Ninh Đường được đánh giá là tủ sách cổ nhất của Thanh Hóa với số lượng lên tới gần 600 cuốn. Thế nhưng giờ đây tủ sách ấy đang ngày một hư hại...
Bình luận 0

“Kho vàng” của xứ Thanh

Nghe nói nhà ông Lê Mai Bửu có một tủ sách cổ quý hơn vàng, thỏa chí tò mò chúng tôi đã vượt hơn 40km từ thành phố chạy về phía biển, tìm đến nhà để được tận mục sở thị. Ông Bửu – một nhà giáo đã nghỉ hưu hơn 20 năm nay, trú ở thôn Đồng Lạc, xã Hoằng Trạch, huyện Hoằng Hóa đã nồng nhiệt đón tiếp.

img
Để bảo quản sách cổ, ông Bửu đã phải bọc kỹ rồi mới cất vào tủ.

Khi được ông Bửu mở tủ sách cho xem, thật sự chúng tôi thấy… choáng về sự đồ sộ của nó. Ông Bửu cho biết tủ sách này đang chứa gần 600 cuốn sách Nôm, Hán văn với nhiều thể loại như: Văn, sử, khoa học, y học cổ truyền phương Đông. Chiếm số lượng lớn nhất trong tủ sách là các cuốn sách về Y học cổ truyền phương Đông (300 cuốn), cùng hàng trăm cuốn sách quý viết về lịch sử phong tục ở các địa phương trong cả nước. Đặc biệt, trong Thư gia Vạn Ninh Đường, hơn 60% số sách in bằng tiếng Hán, số còn lại là sách chữ Việt được in khắc và viết bằng tay.

Trong số 600 cuốn sách này, cuốn có niên đại cổ nhất vào thế kỷ XVII là cuốn “Lã Đường di cảo” và cuốn sách có giá trị là “Kim Vân Kiều quảng tập truyện”, in năm Giáp Thìn (đời Vua Thành Thái). Cuốn “Kim Vân Kiều quảng tập truyện” là một trong 10 văn bản Truyện Kiều đã được công bố, năm 2007 được các nhà nghiên cứu về Truyện Kiều dịch ra tiếng Việt.

Giữ “vàng” thế nào?

Ông Bửu cho biết, tủ sách Thư gia Vạn Ninh Đường được lưu truyền ở dòng họ Lê Mai đã 5 đời nay. Đã có nhiều đoàn chuyên gia cũng như các viện nghiên cứu của Trung ương và Thanh Hoá đã tới xem xét khảo cứu, và đều có chung đánh giá đây là tủ sách Hán Nôm phong phú về chủng loại, có giá trị nghiên cứu văn hoá lịch sử của dân tộc Việt Nam nói chung và lịch sử, phong tục địa phương Thanh Hoá nói riêng.

Hiện Thư gia Vạn Ninh Đường vẫn được ông Bửu gìn giữ cẩn thận, nhưng việc bảo quản bằng phương pháp thủ công nên đến bây giờ hơn 70% trong số 600 cuốn sách đã bị hư hỏng, hơn 20 cuốn đã bị mục nát hoàn toàn...

Nhưng lưu giữ tủ sách này thế nào đang là bài toán nan giải. Để bảo vệ sách không bị ướt, ẩm mốc, rách nát, vợ ông Bửu đã phải bọc kỹ từng cuốn rồi bỏ vào tủ gỗ khóa cẩn thận. Trong những ngày chiến tranh ác liệt, ông Bửu đã phải đào hầm chứa sách rồi vãi vôi bột xuống dưới cho khỏi bị ẩm. Thời gian đầu chưa biết nhiều về cách bảo quản sách cổ, thỉnh thoảng trời nắng, ông Bửu lại lấy sách ra ngoài phơi. Mãi sau này ông mới nhận ra rằng, càng phơi nắng thì sách càng nhanh hư vì giấy sáp, phơi nhiều sẽ nhanh nhàu nát, bay mất chữ. Cũng từ đó ông rút kinh nghiệm, chỉ phơi sách ở những nơi râm mát và che đậy rất cẩn thận.

Khi hỏi về nguyện vọng của gia đình để lưu giữ tủ sách quý, ông Bửu tâm sự: “Bây giờ gia đình chỉ mong sao tủ sách cổ này được các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu về khai thác, nếu không kịp thì số sách quý này sớm muộn cũng sẽ bị hư hỏng. Đặc biệt là gần 300 cuốn sách Y học cổ truyền Phương Đông vẫn đang còn nằm chất đống trong tủ mà không được nghiên cứu, tôi thấy tiếc quá".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem