Cần trang bị kiến thức về Luật Biển
Vụ việc tàu PY - 90260 cùng 11 ngư dân Phú Yên bị Brunei bắt giữ và kết án, theo tôi, khi va chạm với tàu nước ngoài thường là họ yếu thế. Lý do dễ nhận thấy nhất là khả năng giao tiếp cũng như những am hiểu về luật pháp, đặc biệt là luật về lãnh hải của ngư dân còn hạn chế. Chính vì vậy, qua vụ việc tàu Phú Yên, thiết nghĩ, các cơ quan hữu quan cần chú ý hơn về vấn đề trang bị kiến thức về lãnh hải cho bà con ngư dân.
Nguyễn Đỗ Tám - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đà Nẵng
Xét xử của tòa án thiếu căn cứ
Tôi đã đọc một số tài liệu liên quan đến sự kiện này, theo đó số ngư dân của ta bị phía Brunei bắt giữ khi đang đánh cá ở toạ độ 07 độ 25 phút vĩ độ bắc, 112 độ 38 phút kinh độ đông (gần đảo An Bang, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà). Như vậy, tàu hải quân Brunei đã vi phạm chủ quyền lãnh hải VN. Việc bắt giữ và phạt tù 11 ngư dân Phú Yên của phía Brunei là vô lý.
|
Vợ con ngư dân Nguyễn Thành Đô đang ngày đêm chờ đón tin tức về anh. |
Theo tôi, các ngư dân Phú Yên phải kháng nghị và họ có thể nhờ các cơ quan luật pháp của Việt Nam hỗ trợ về pháp lý. Không thể nhờ luật sư phía Brunei chỉ định để giúp đỡ họ, phải có luật sư của Việt Nam bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các ngư dân nói trên.
Luật sư Đào Trung Kiên - Công ty luật Hợp danh Hồng Bách và Cộng sự
Nên có ban tư vấn pháp luật cho ngư dân
Dù các cơ quan của ta khẳng định, các ngư dân bị bắt giữ trái phép trên vùng biển Việt Nam, song đau xót thay, họ vẫn bị tòa án Brunei kết tội, vẫn phải bị tước đoạt tự do. Chúng ta ai cũng biết rằng, ngư dân ra khơi ngoài mục đích kiếm sống, còn góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển Việt Nam.
Sở dĩ họ yếu thế hơn vì không am hiểu pháp luật lãnh hải và cũng vì họ không có nơi để tư vấn, trau dồi thêm kiến thức về biển và lãnh hải. Chính vì vậy, để những rủi ro này không lặp lại, chúng ta cần có một ban tư vấn pháp luật cho ngư dân tại địa phương.
Nguyễn Duy Cửu - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hòa Vang
Chúng tôi rất bất bình
Biết tin mấy anh em ngư dân bị Brunei xét xử, chúng tôi rất bất bình. Bà con ngư dân làm ăn trên biển, trong tay không hề có bất cứ phương tiện gì để bảo vệ và làm bằng chứng là mình đang ở hải phận Việt Nam. Nếu như tàu hải quân các nước bắt tàu ngư dân rồi đẩy sâu về vùng biển của họ để làm bằng chứng thì bà con cũng không có cớ gì để cãi và đành khai nhận là vi phạm để được giảm tội.
Lâu nay ngư dân Việt Nam thường chấp nhận thua thiệt theo cách đó. Chúng tôi mong muốn Nhà nước có những biện pháp hỗ trợ nếu chẳng may ngư dân gặp rủi ro như trường hợp trên. Tôi cho rằng Nhà nước nên có những biện pháp can thiệp hiệu quả hơn để ngư dân yên tâm làm ăn trên biển.
Ngư dân Nguyễn Đức (phường 6, TP. Tuy Hòa, Phú Yên)
Bảo vệ ngư dân bằng ngoại giao
Chúng tôi, những người lính canh giữ biên cương, hải đảo của Tổ quốc, rất xót xa khi ngư dân mình ra biển đánh bắt bị nước ngoài bắt bớ, kết án tù. Chúng tôi mong rằng, ngư dân nắm vững vùng đánh bắt của mình, tránh xâm phạm ngư trường nước khác.
Trong những trường hợp ngư dân chúng ta bị bắt vô cớ khi đang hành nghề trên ngư trường của mình, rất mong được các cơ quan chức năng can thiệp bằng đường ngoại giao. Ngoài ra, cũng mong Nhà nước và địa phương có chính sách hỗ trợ ngư dân bị rủi ro để họ mau chóng được tự do trở về quê nhà và hành nghề trở lại.
Đại úy Nguyễn Quyết Chiến - Cán bộ Đồn Biên phòng 288 (Bình Sơn, Quảng Ngãi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.