Tôi đã gặp nhiều ngư dân có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, nhưng ngư dân Phan Thanh Tỉnh để lại cho tôi nhiều ấn tượng hơn cả. Anh vẫn giữ tính cách chân chất, “ăn sóng nói gió” của ngư dân vùng biển; nhưng tư duy, suy nghĩ và cách làm của anh rất hiện đại.
Ngoài trực tiếp vượt vươn khơi bám biển, anh Phan Thanh Tỉnh còn tổ chức thu mua thủy sản của ngư dân để cung cấp cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Sản xuất, kinh doanh “khép kín”
Con đường làm giàu của anh Tỉnh cũng lắm gian truân, vất vả. Anh Tỉnh thổ lộ: “Gia đình tôi có đến 9 anh chị em, thu nhập chính phụ thuộc vào chiếc ghe nhỏ khai thác ven bờ. Điều kiện kinh tế khó khăn, nên tôi đã nghỉ học từ nhỏ, theo cha và anh ngược xuôi theo con nước lớn, nước ròng. Bản lĩnh và kinh nghiệm khai thác thủy sản có thừa, nhưng với chiếc ghe nhỏ quanh quẩn ven bờ, khó thay đổi được cuộc sống vất vả. Mỗi lần trông thấy chiếc tàu lớn của các ngư dân chở đầy cá cập bến, tôi thấy thèm và ao ước mình cũng được như họ. Năm 24 tuổi, tôi bàn với vợ dốc hết số tiền tích góp được, chung với anh trai đóng một chiếc tàu công suất 400 CV để vươn khơi xa. Ước mơ có được chiếc tàu lớn đã thành hiện thực, tàu vươn khơi rồi cập biển, bán hết sản phẩm và chuẩn bị tổn xong lại ra khơi, thời gian tôi sống trên biển nhiều hơn ở nhà”.
Cuộc trò chuyện với chúng tôi bị đứt đoạn nhiều lần bởi thuyền viên trên tàu, bạn hàng làm ăn, thợ xây (anh Tỉnh đang xây thêm nhà mới) liên tục gọi điện cho anh. Vợ anh - chị Phạm Thị Lệ Thi - liếc nhìn anh với vẻ sốt ruột. Anh trấn an vợ: “Gặp nhau cũng có cái duyên, hơn nữa anh cũng đã lỡ hẹn với chú này nhiều lần. Chuyện làm ăn của mình chính đáng, có gì nói nấy”.
Ngư dân Phan Thanh Tỉnh (giữa) nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Rồi anh Tỉnh kể tiếp: “Tôi may mắn được hưởng nhiều lộc biển, chuyến biển nào tàu cũng đầy ắp cá. Có điều, sản phẩm khai thác được đều bán cho thương lái, có lúc bị ép giá, nên lời lãi không như mong muốn. Tôi chuyển sang tổ chức thu mua sản phẩm của các tàu cá khác, cùng với sản phẩm của tàu mình khai thác được, đều bán trực tiếp cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Hơn nữa, nghề khai thác thủy sản ở những vùng biển xa thường gặp nhiều rủi ro, nên đầu tư mua sắm tàu lớn, đầu tư trang thiết bị hiện đại cho tàu cá là cần thiết, nhưng “chim trời cá nước”, khó nói trước, nhất là trong tình hình thời tiết diễn biến thất thường như mấy năm gần đây. Do vậy, mình cũng phải tính toán kỹ lưỡng đến nguồn thu, lỡ biển giả mất mùa thì còn có nguồn thu khác để lo cho gia đình, lo cho con cái học tập. Điều đáng mừng là cách tính toán của mình đã đúng”.
Công việc “xuôi chèo, mát mái”, vợ chồng anh quyết định sử dụng số vốn tích góp được gần 1 tỉ đồng và vay thêm ngân hàng mua một con tàu 410 CV. Được làm chủ con tàu mới, anh càng tự tin cầm lái vươn khơi khai thác thủy sản ở vùng biển Trường Sa và Hoàng Sa.
Anh Tỉnh và đội tàu cá công suất lớn của anh và gia đình.
Những năm sau, bên cạnh sự nỗ lực của bản thân, anh Tỉnh còn được “trợ lực” từ chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản theo tinh thần Quyết định 48/2010 của Chính phủ, nên công việc làm ăn của gia đình anh thuận lợi hơn. Năm 2012, nhận thấy nhu cầu sử dụng nước đá để bảo quản sản phẩm của các tàu cá rất lớn, trong khi thị trường chưa đáp ứng yêu cầu, anh Tỉnh đã mạnh dạn cùng với người chị đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất nước đá công suất 800 cây đá/ngày, cung cấp cho ngư dân trong và ngoài tỉnh.
Chưa dừng lại ở đó, năm 2014, anh tiếp tục mua thêm 1 chiếc tàu đánh bắt xa bờ hiện đại, công suất 810 CV và chung vốn cùng anh chị trong gia đình mua 3 chiếc tàu cá khác, với tổng công suất 1.230 CV. Anh Tỉnh còn đầu tư mua 2 ô tô 16 chỗ và 1 ô tô 7 chỗ để cho thuê làm dịch vụ du lịch.
Biết được cách làm và công việc hiện tại của anh, mới hiểu, trong thời gian trò chuyện với tôi, điện thoại của anh Tỉnh luôn trong trạng thái “động”.
“Mình vì mọi người, mọi người sẽ vì mình”
“Mình sống tử tế với mọi người, mọi người sẽ sống tốt với mình, gắn bó với mình ”
Được đề nghị chia sẻ “bí quyết” về cách sắp xếp, thực hiện hiệu quả cùng một lúc nhiều công việc, anh Tỉnh cười sảng khoái: “Bí quyết gì đâu. Mình sống tử tế với mọi người, mọi người sẽ sống tốt với mình, gắn bó với mình. Tôi có 2 con tàu công suất lớn, một chiếc tôi cầm lái, chiếc khác tôi giao cho người bạn trước đây đi bạn cho tàu cá của tôi quản lý. Mỗi chuyến biển, chủ tàu chịu tổn phí, sau khi trừ chi phí tỉ lệ ăn chia 6 - 4 (chủ tàu 60%, thuyền trưởng và những người đi bạn 40%), chuyến biển nào lỗ tổn thì tất cả cùng chịu. Thuyền viên nào hoàn cảnh khó khăn, mình thăm hỏi, động viên và cho mượn tiền không tính lãi suất. Anh em đồng cam cộng khổ, vui buồn sẻ chia với nhau đã lâu, hiểu rõ tính cách nhau, lòng tin đã được xác lập từ trước, nên họ xem tàu của tôi như tàu của họ. Đặc biệt, từ khi tôi hình thành tổ đội đoàn kết khai thác thủy sản và tương trợ lẫn nhau trong phòng tránh thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trên biển, sự gắn kết giữa chủ tàu và các thuyền viên càng bền chặt hơn. Với những tài xế ô tô hay những người làm công tại cơ sở sản xuất nước đá cũng vậy, tôi không bao giờ để cho họ thiệt và phật lòng vì cách ứng xử của mình, nên họ không bội tín”.
Cơ sở sản xuất nước đá của anh Tỉnh cung ứng nước đá cho tàu cá chuẩn bị ra khơi.
Ngoài hoạt động sản xuất, kinh doanh, anh Tỉnh còn là một người đàn ông trách nhiệm trong gia đình, là người chan hòa hết mình với cộng đồng. “Ngoài công việc trên biển và hoạt động kinh doanh trên bờ, anh ấy dành thời gian cho vợ con. Các con hiểu được cha mẹ vất vả, nên nỗ lực học tập, ngoan hiền và hiếu thảo. Hiện con gái lớn 17 tuổi đã đi du học ở Úc. Với vợ chồng tôi, gia đình là điểm tựa, niềm vui và hạnh phúc để phấn đấu. Chia sẻ với những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn cũng là việc nên làm, tôi luôn ủng hộ anh ấy”- chị Phạm Thị Lệ Thi tâm sự.
Bà Lê Thị Kim Mai, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: “Bằng sự cần cù, chịu khó và nhạy bén trong cơ chế mới, ngư dân Phan Thanh Tỉnh sở hữu nhiều tàu cá và tổ chức khai thác, thu mua sản phẩm thủy sản hiệu quả, rồi còn sở hữu cơ sở sản xuất nước đá bề thế và dịch vụ cho thuê xe du lịch, doanh thu hàng tỉ đồng/năm. Hội viên nông dân Phan Thanh Tỉnh còn là người đi đầu trong các phong trào nông dân thi đua yêu nước tại địa phương, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, vật chất và tinh thần cho nhiều ngư dân khác. Từ năm 2012-2014, hội viên Phan Thanh Tỉnh được Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh công nhận đạt danh hiệu Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh và được UBND tỉnh tặng Bằng khen. Đó là cơ sở để Trung ương Hội Nông dân Việt Nam xét và vinh danh hội viên Phan Thanh Tỉnh là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2016.
|
Phạm Tiến Sỹ (Báo Bình Định)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.