ÁN LẠ: Nghe Tòa “chỉnh đốn” Thanh tra Bộ Tài chính

Võ Đức Phúc Thứ năm, ngày 21/08/2014 06:51 AM (GMT+7)
Trong quá trình thụ lý vụ kiện, Thanh tra Bộ Tài chính đã ra văn bản mang tính “hướng dẫn” tòa xử lý vụ việc, bị tòa coi là “can thiệp vào quy trình tố tụng”. Tại phiên xét xử phúc thẩm, Chủ tọa phiên tòa đã "chỉnh đốn" đại diện Thanh tra Bộ Tài chính... 
Bình luận 0
Thể hiện “quyền lực”

Ông Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Đặng Ngọc Tuyến đã ký văn bản số 418/TTr, khẳng định việc truy thu thuế tại Cty Maseco là đúng quy định. Cho rằng Maseco đã trốn thuế của Nhà nước, ông Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính đã “gợi ý” Tòa án Nhân dân TP.HCM nghiên cứu để chuyển hồ sơ sang Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM để làm rõ hành vi trốn thuế của Maseco và các cá nhân có liên quan.

Trước thông tin về văn bản này, ông Nguyễn Xuân Hàn đã nghĩ tới tình huồng “được vạ thì má sưng”.

"Tôi không sai, không có hành vi trốn thuế hay gian lận thuế cho nên ở góc độ cá nhân thì tôi không lo lắng về giải pháp mà bên Thanh tra Bộ Tài chính yêu cầu tòa. Thế nhưng uy tín của tôi bị giảm sút không riêng gì ở cơ quan, mà ngay ở gia đình cũng đặt vấn đề. Nếu giả thiết tòa chuyển sang cơ quan điều tra để khởi tố vụ án thì rõ ràng tương lai của tôi và gia đình bị đóng lại, rồi còn ảnh hưởng đến uy tín và sự sống còn của công ty nữa. Tôi chỉ lo dư luận và diễn biến nếu đúng như ý định người ta làm trái thì sẽ gây nên thiệt hại mà người ta thường nói là “được vạ thì mà đã sưng rồi”, lúc ấy thì không có cơ hội để sửa sai nữa. Tôi rất mừng là những điều đó đã không xảy ra, không bao giờ xảy ra và qua 2 phiên tòa sơ thẩm (11.3), phúc thẩm (30.7) càng khẳng định niềm tin của tôi đối với sự công minh của pháp luật là đúng".

Ông Hàn bảo rằng, dù có hồi hộp, lo lắng thì lòng vẫn kiên định để đi đến cùng vì sự việc này không còn là chuyện của Công ty Maseco nữa, mà đó là nỗi khổ chung của rất nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt hiện nay, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng dám lên tiếng hay ra mặt “đương đầu” với Thanh tra Bộ Tài chính. Và, Công ty Maseco đã chọn con đường đúng khi thắng kiện cả Cục Thuế TP.HCM và Thanh tra Bộ Tài chính.

Trước phiên tòa phúc thẩm diễn ra, Bộ Tài chính lại có văn bản gửi ông Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao đề nghị nghiên cứu, xem xét lại bản án theo quy định của pháp luật!
 
img
Thanh tra Bộ Tài chính đã có công văn số 418/TTr gửi Tòa án Nhân dân TP.HCM với cái đóng mở ngoặc “để chỉ đạo” (khung đỏ).

Nghe Tòa “chỉnh đốn” ông Phó chánh Thanh tra Bộ Tài chính

Mở đầu phiên xét xử phúc thẩm, Chủ tọa phiên tòa - Thẩm phán Phạm Công Hùng nhắc nhở đại diện người bị kiện, ở đây là ông Phó chánh Thanh tra Bộ Tài chính Đặng Ngọc Tuyến. Nhẹ nhàng nhưng cứng rắn, Thẩm phán Phạm Công Hùng nhắc phía Thanh tra những quy định cơ bản: “Các anh quá lạm quyền và cần phải biết tư cách tham gia tố tụng của mình chứ. Tòa án là cơ quan xét xử độc lập, không ai được chỉ đạo tòa xét xử. Bị kiện cần điều chỉnh cách hành xử trong tham gia tố tụng để đưa ra lập luận nào xác đáng để bảo vệ cho đơn vị mình, chứ đừng thể hiện quyền lực mình quá cao trước tòa”.

Thẩm phán Phạm Công Hùng hỏi đại diện người bị kiện: “Căn cứ nào để anh ra quyết định số 150/QĐ-TTr truy thu hơn 7,1 tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp của Maseco?”. Đại diện người bị kiện, ông Đặng Ngọc Tuyến vừa cầm văn bản trên tay vừa trình bày: “Theo quyết định thanh tra số 106/QĐ-TTr ngày 2.10.2012 của Chánh Thanh tra Bộ Tài chính thì Cục Thuế TP.HCM là đối tượng thanh tra, còn Công ty Maseco là đơn vị có liên quan đến thanh tra. Do vậy chiếu theo điều 42, Nghị định 86/2011 của Chính phủ nên ra quyết định số 150 truy thu hơn 7 tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp của Maseco là đúng pháp luật”.

Tòa hỏi ông Đặng Ngọc Tuyến: “Đối tượng thanh tra là ai?”, ông Đặng Ngọc Tuyến trả lời: “Đối tượng thanh tra là Cục Thuế TP.HCM”. Tòa tiếp: “Vậy Maseco là gì?”, ông Đặng Ngọc Tuyến: “Maseco là đơn vị có liên quan”.

Để tiếp tục, Tòa đã yêu cầu ông Đặng Ngọc Tuyến đưa văn bản đang cầm trên tay để xem rồi tiếp: “Văn bản của anh đưa đây nha, đọc lại này. Đoàn thanh tra được quyền thu hồi số tiền của đối tượng thanh tra, mà anh vừa mới nói Maseco là đơn vị có liên quan, không phải đối tượng thanh tra, vì sao anh thu tiền của người ta? Luật Thanh tra nói rằng chỉ cho anh thu của đối tượng thanh tra, vì sao anh thu của đối tượng liên quan. Cho nên tòa sơ thẩm bác anh rất nhiều điều ở trong này. Anh có hiểu luật không?”, Thẩm Phán Hùng nói.

Thẩm phán Phạm Công Hùng cũng khẳng định rằng: “Trước phiên tòa này người khởi kiện, người bị kiện và doanh nghiệp đều bình đẳng như nhau, kể cả Bộ trưởng Bộ Tài chính đi chăng nữa thì khi ra tòa hành chính tất cả đều là đương sự, đứng trước tòa cùng với doanh nghiệp đều bình đẳng và ngang nhau. HĐXX rất muốn rằng Bộ Tài chính có những lý lẽ sắc bén nhất để phản bác lại yêu cầu của Maseco. Nhưng Bộ Tài chính đã không làm như vậy mà lại gửi văn bản cho Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện KSND Tối cao để chỉ đạo HĐXX trong vụ này. Như vậy là vi phạm pháp luật và vi phạm Hiến pháp 2013. Nhân đây, HĐXX cũng nhắc lại ở phiên sơ thẩm, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cũng đã một lần khi nhận được thông báo thụ lý vụ án, thay vì cung cấp chứng cứ, lập luận thì lại ra văn bản chỉ đạo tòa chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra làm rõ hành vi trốn thuế của doanh nghiệp. Như vậy là can thiệp vào quy trình tố tụng. Chắc là anh ra tòa lần đầu phải không?”.

“Tôi không biết là do nhận thức hay một điều gì đấy. Luật trao quyền lực cho mỗi cơ quan hành chính nhưng phải có sự kiểm soát và việc tham gia tố tụng hành chính tại tòa cũng là một hình thức kiểm soát quyền lực. Bên bị kiện trong trường hợp này đừng vì mình là cơ quan quyền lực nhà nước cấp cao mà quên đi tư cách tham gia tố tụng của mình” - chủ tọa nói tiếp.

Trước những lập luận của chủ tọa phiên tòa, ông Đặng Ngọc Tuyến cho biết sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc.

Cuối cùng thì công lý đã bảo vệ lẽ phải. Lần đầu tiên một doanh nghiệp đã thắng kiện Chánh Thanh tra Bộ Tài chính. Nhưng vì sao khi đã thắng kiện rồi, chủ doanh nghiệp vẫn ưu tư? Ông Nguyễn Xuân Hàn bảo rằng nỗi khổ của ông có thể là nỗi khổ chung của các doanh nghiệp.

“Maseco không phải là ngoại lệ trong bối cảnh luật lệ về tài chính quá rắc rối. Cách hiểu và vận dụng mỗi nơi có thể khác và thậm chí cùng một cơ quan nhưng hai người hiểu hai cách khác nhau. Đây là nỗi khổ của nhiều doanh nghiệp, cho nên khi khiếu nại rồi khiếu kiện tôi cũng nghĩ rằng sẽ góp phần với các doanh nghiệp Việt Nam để hoàn thiện cái thể chế về tài chính ngày càng tốt hơn chứ không mong muốn đấu đá gì cả, chỉ mong tiếng nói của mình ít nhiều góp phần cải thiện luật lệ, quy định về tài chính. Tôi cũng rất mừng vì gần đây Chính phủ đã có những chỉ đạo rà soát chấn chỉnh các lĩnh vực liên quan đến thuế và tài chính. Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng thừa nhận rằng cũng còn những điều bất cập trong việc thực thi pháp luật về tài chính” - ông Hàn nói.

Hỏi ông còn điều gì chất chứa trong lòng sau khi “đương đầu” và “chiến thắng” một cơ quan quản lý doanh nghiệp về mặt tài chính, ông Hàn bảo rằng: “Liệu Bộ Tài chính có lên tiếng xin lỗi một doanh nghiệp đi kiện mình hay không? Có thể là rất khó!”.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem