Phập phồng lo dịch tả

Thứ hai, ngày 12/07/2010 04:34 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đến nay tại ĐBSCL đã có 6 tỉnh, thành là Bến Tre, An Giang, Tiền Giang, TP.Cần Thơ, Cà Mau và Bạc Liêu đã có bệnh nhân dương tính với phẩy khuẩn tả. Riêng Bến Tre đã có 67 ca nhiễm bệnh.
Bình luận 0
 img
Khám cho một bệnh nhân nhiễm tả ở Đồng Nai.

Dịch bệnh đang lan ra diện rộng

Theo Sở Y tế tỉnh Bến Tre, từ khi phát hiện ca dương tính với khuẩy khuẩn tả đầu tiên ngày 9-5 đến nay dịch tả đã lan ra 35 xã ở 5 huyện, gồm: Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Thạnh Phú, Châu Thành và Giồng Trôm. Tổng số ca ghi nhận được là 67 ca. Tại An Giang tình hình dịch tả cũng đang diễn biến khá phức tạp.

Ông Võ Huy Danh - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, An Giang vừa xác nhận thêm 2 ca dương tính với phẩy khuẩn tả, thuộc hai địa bàn mới là phường Mỹ Thới, TP. Long Xuyên và xã Vĩnh Thành, huyện Châu Thành. Như vậy tính từ đầu tháng 6 đến nay tỉnh này đã có 10 ca dương tính phẩy khuẩn tả ở các địa bàn mới.

Trong khi 4 tỉnh, thành có dịch bệnh (An Giang, Bến Tre, Tiền Giang, TP. Cần Thơ) đang ra sức khống chế không để dịch bệnh bùng phát thì xuất hiện các ca dương tính phẩy khuẩn tả tại Cà Mau và Bạc Liêu.

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Cà Mau xác nhận đã có 2 ca dương tính với phẩy khuẩn tả. Đó là cháu T.V.Đ (4 tuổi) và cháu T.M.Đ (1 tuổi). Cả hai đều là con của chị Trần Thị Ngân, cư ngụ tại ấp Lung Chim, xã Định Thành, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, bị tiêu chảy cấp sau đó được gia đình đưa điều trị tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Cà Mau.

Nguy cơ tả từ... Campuchia

Trước tình trạng nhiều địa phương trong khu vực xuất hiện dịch tả, tỉnh Đồng Tháp và các tỉnh giáp biên giới Campuchia đang “nín thở” phòng dịch tả. Nguyên nhân phía bên kia biên giới (Campuchia) đang bùng phát bệnh tả. Nguồn nước từ Campuchia chảy qua nên nguy cơ lây lan dịch tả rất lớn.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Ấn - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Đồng Tháp cho biết: “Campuchia vừa công bố dịch tả nên khả năng bùng phát dịch ở vùng giáp biên giới rất cao. Do khuẩn tả trôi theo nguồn nước nên chỉ cần người dân dùng nước sông, rạch là bị mắc tả ngay. Vì vậy, ngăn không cho dịch tả từ Campuchia tràn qua Đồng Tháp là rất khó thực hiện”.

Cùng nỗi lo này, ông Võ Huy Danh cảnh báo: “Dịch bệnh trên địa bàn tỉnh An Giang đang diễn biến phức tạp, liên tục xuất hiện ca dương tính ở nhiều địa phương khác nhau. Nguy hiểm hơn là Campuchia lại đang phát dịch, huyện An Phú (giáp Campuachia) khả năng tái bùng phát dịch rất cao. Nếu người dân không có ý thức giữ gìn vệ sinh cho cá nhân và cộng đồng bằng các biện pháp mà ngành y tế khuyến cáo thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên diện rộng hoàn toàn có thể xảy ra”.

Còn tại Bến Tre, dù dịch tả đã cơ bản được khống chế nhưng tỉnh vẫn lo lắng vì số ca tiêu chảy cấp nhập viện vẫn còn rất cao. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh phát hiện hơn 800 người bị tiêu chảy cấp. Riêng từ đầu tháng 7 đến nay, mỗi ngày trung bình khoảng 5-6 trường hợp nhập viện do tiêu chảy cấp.

Ông Nguyễn Quốc Bảo - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban phòng, chống dịch của tỉnh, cho biết: “Tỉnh chỉ đạo ngành y tế tập trung dập dịch tả kỹ và sâu hơn, tuyên truyền người dân hạn chế hoặc không uống nước đá, giữ vệ sinh cá nhân tốt… Ban chỉ đạo phòng, chống dịch triển khai đồng loạt, thực hiện nghiêm túc, quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng chống dịch”.n

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem