“Phát canh thu tô” - sơ hở tại luật!

Chủ nhật, ngày 18/07/2010 01:28 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Phát canh thu tô” về mặt thực tiễn, không nơi này cũng nơi nọ đang có. Cái gốc của vấn đề do pháp luật và chính sách có những điểm không phù hợp hoặc có kẻ hở.
Bình luận 0

Trường hợp điển hình là thuê đất nông nghiệp của nhà nước giá rẻ rồi cho thuê lại giá cao như bài loạt bài của NTNN đã nêu và trường hợp đất đai và tài sản của Công ty Du lịch Tiền Giang bán như cho tư nhân nước ngoài là những điển hình về sai phạm và lợi dụng luật pháp để làm sai. Nhưng người bị thiệt hại sau cùng, nặng nề là nông dân, nhà nước. Tuy nhiên, tìm ai sai để xử lý trong hai trường hợp trên là không dễ và vụ việc cũng dễ chìm xuồng. Nhiều nông trường quốc doanh và nhiều hợp tác xã từng lợi dụng "Khoán 10" để phát canh thu tô. Ông Trương Đình Tuyển khi làm Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An đã từng biết và từng xử lý vấn đề nầy.

Vấn đề có tính nền tảng là quyền sở hữu đất của công dân không được thừa nhận, vì vậy trong thực tế có nhiều thửa đất không do dân làm chủ nên ai làm gì mặc ai. Nhà nước thống nhất quản lý đất đai trên một thửa rộng hơn 330.000km2 bằng hệ thống pháp luật, nghị định, thông tư và quy định của Quốc hội, Chính phủ, các bộ - ngành, UBND tỉnh, huyện, xã… và với một số dự án, trường hợp cụ thể còn phải qua các cấp uỷ đảng địa phương chỉ đạo.

Trước cải cách hành chính có đến trên 700 văn bản quy định, hướng dẫn thi hành luật đất đai mà thi hành không thông thoáng. Ta hình dung hai tay ôm một vật (là quyền sở hữu) mà hai bàn tay không câu giáp nhau thì hở! Chính vì sợ bị hở nên phải huy động bộ máy quá đông, mà ai cũng có quyền (sở hữu), với dày đặc những văn bản quy định để bảo đảm cái quyền ấy nên thành rối rắm, chồng chéo, căng kéo nhau nhưng lại hở như chín cửa sông.

Điển hình là vụ cho công ty nước ngoài thuê đất dọc biên giới để trồng rừng mà Quốc hội mới rồi phát hiện. Thì ra quản lý đất là do Bộ Tài nguyên - Môi trường, quản lý đất có rừng là Bộ NN&PTNT, quyền cho thuê đất là của UBND tỉnh. Vậy nên 10 tỉnh ký cho thuê trên 30 nghìn ha mà hai bộ không biết, Chính phủ hỏi, Bộ NN&PTNT phải đi điều tra mới có báo cáo.

Hiện nay, có tình trạng cho thuê đất, đúng luật, nhưng chưa có quy định cụ thể nên dễ nảy sinh "phát canh thu tô" chuyên nghiệp. Lợi dụng nhận đất khai hoang, nhiều người, nhất là người có quyền thế nhận đất rồi để đó, tìm dân nghèo không đất cho mượn khai hoang từ 2 - 3 năm rồi yêu cầu trả lại để cho thuê (thu tô) hoặc bán mà không tốn đồng nào để đầu tư vào đất.

Lợi dụng "khoán", nhiều cơ quan, đơn vị giữ đất ruộng để cho thuê "thu tô", giữ đất đô thị (hoặc đất phi nông nghiệp) cho thuê gọi là "hợp tác kinh doanh"v.v… Nghĩa là muôn hình vạn trạng, thiên biến vạn hoá, nhà nước không thể thực hiện trọn vẹn cái quyền sở hữu khổng lồ về quản lý đất đai cả nước nếu không điều chỉnh những vấn đề có tính quan điểm, luật pháp, chính sách và cơ chế vận hành của hệ thống.

Và, trên hết là nhiều nông dân cảm thấy mình theo Đảng dưới ngọn cờ "người cày có ruộng" đã 80 năm mà vẫn chưa có quyền sở hữu ruộng đất! Mọi sơ hở, bất cập trong quản lý của nhà nước, vận hành cơ chế cũng chính từ ở đây mà ra.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem