Phát hiện di tích thành cổ Hoa Lư khi đào móng nhà

Vũ Thượng Thứ ba, ngày 31/12/2024 16:49 PM (GMT+7)
Gia đình ông Nguyễn Tử Quý (thôn Tân Hoa, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) trong quá trình đào móng để xây dựng đã phát hiện một đoạn bờ đất đắp, khả năng tường thành cổ Hoa Lư.
Bình luận 0

Thực hiện Quyết định số 931/QĐ-SVHTT ngày 21/12/2024 của Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Ninh Bình về việc khai quật khảo cổ khẩn cấp, từ ngày 22/12/2024 đến ngày 30/12/2024, Phòng Quản lý Di sản văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình đã mời các chuyên gia thuộc Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật khẩn cấp ở địa điểm khảo cổ tại khu vực thôn Tân Hoa, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư.

Cụ thể, gia đình ông Nguyễn Tử Quý (ở thôn Tân Hoa, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) có đào móng nhà ở và phát hiện một đoạn bờ đất đắp khả năng là tường thành Hoa Lư.

Phát hiện 5 lớp kết cấu tường thành cổ Hoa Lư khi đào móng nhà - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Tử Quý (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) chỉ tay về vị trí gia đình đào móng nhà

Ngay khi nhận được thông tin, các cán bộ chuyên môn thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình đã về làm việc với gia đình và các cơ quan chức năng liên quan. Các bên thống nhất cần thực hiện công tác nghiên cứu khảo cổ khẩn cấp mục đích tìm hiểu hình thái di tích ở khu vực này, thu thập tư liệu làm căn cứ đề xuất phương án bảo tồn và nghiên cứu di tích ở giai đoạn tiếp theo.

Phát hiện 5 lớp kết cấu tường thành cổ Hoa Lư khi đào móng nhà - Ảnh 2.

Toàn cảnh vị trí các chuyên gia thuộc Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật khẩn cấp khu vực thôn Tân Hoa, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư. Ảnh: VT

Qua đó, địa tầng di tích ở khu vực khai quật mang đặc trưng của một đoạn tường đất đắp tạo hình con trạch nổi cao, bao gồm gia cố chân tường, thân tường và các lớp đắp bồi gia cố tường thành.

Lớp dưới gia cố chân tường sâu 3,46m so với mặt tường hiện còn (mốc O), là một lớp gỗ mỏng xen lẫn những cọc gỗ cắm sâu xuống nền đất yếu tạo bè móng. Trên mặt móng này được đắp một lớp sét thuần màu xám trắng tạo chân. Lớp đắp chân tường có xu hướng đắp dày hơn ở giữa lõi tường và xoải dần ra phía ngoài.

Phát hiện 5 lớp kết cấu tường thành cổ Hoa Lư khi đào móng nhà - Ảnh 3.

Phát hiện 5 lớp kết cấu tường thành cổ Hoa Lư. Ảnh: VT

Lớp thứ hai chỉ dày khoảng 0,02 - 0,03m, là một dải cành lá cây vụn, do sự biến đổi của thời gian nên có màu nâu đen thẫm, kết cấu tơi bở, vẫn có thể quan sát thớ gỗ, lá. Lớp đắp này có tác dụng chống lún sụt, giảm trơn trượt khi đắp các khối đất sét mới vào tạo tường thành.

Lớp thứ ba có hình thang không cân với mặt ngoài khá dốc và mặt trong có độ thoải hơn. Đây là một khối đất sét đắp màu xám khá thuần nhất, đôi chỗ có một vài viên gạch vỡ màu xám. Kích thước khối tường: rộng đáy khoảng 12m, rộng bề mặt 5m, chiều cao còn lại khoảng 2,6m. Qua khảo sát hiện trạng có thể ghi nhận tường thành đã bị san bạt khi người dân địa phương san lấp mặt bằng cư trú trong vài chục năm gần đây.

Phát hiện 5 lớp kết cấu tường thành cổ Hoa Lư khi đào móng nhà - Ảnh 4.

Dấu vết tường gạch. Ảnh: VT

Lớp thứ tư là lớp đắp bồi chân tường thành phía ngoài, chất liệu sử dụng là đất sét phù sa màu nâu lẫn ít gạch vỡ màu nâu đỏ đặc trưng của thế kỷ X.

Lớp thứ năm là lớp đắp bồi toàn bộ bờ tường thành bên trong, chiều dài lớp đắp hơn 10m, chỗ dày nhất khoảng gần 2m, đoạn đắp từ mái tường thành trong kéo dài qua lớp đắp thứ ba khoảng trên 5m. Cấu trúc lớp đất gồm một lớp gạch vụn màu nâu đỏ đặc trưng của thế kỷ X nằm rải từ trên xuống dưới chân tường, sau đó toàn bộ được đắp đất sét phù sa màu nâu đỏ. Đoạn giữa chân tường lớp đất thứ ba và lớp này phát hiện một đoạn tường gạch được xếp dựng khá quy chuẩn.

Do tính chất di tích tường thành nên chủ yếu di vật thu được là những mảnh gạch vỡ vụn được trộn trong các lớp đất đắp thành. Gạch vỡ có hai nhóm: Gạch xám, một số viên có chữ "Giang Tây quân" hoặc/và "Giang Tây chuyên", niên đại đã được khẳng định thuộc thế kỷ VIII - IX; Gạch đỏ, một vài mảnh có chữ của gạch "Đại Việt quốc quân thành chuyên" mang đặc trưng của thế kỷ X.

Phát hiện 5 lớp kết cấu tường thành cổ Hoa Lư khi đào móng nhà - Ảnh 5.

Đây là những cứ liệu, cơ sở quan trọng cho việc bảo tồn các giá trị di sản. Ảnh: VT

Trao đổi với Dân Việt, bà Nguyễn Thị Yến - Chủ tịch UBND xã Trường Yên cho biết: "Sau khi nắm được thông tin gia đình ông Quý đào móng nhà phát hiện một đoạn bờ đất đắp khả năng là tường thành Hoa Lư, chúng tôi đã báo cáo với cơ quan chức năng. Đến nay đã có báo cáo kết quả sơ bộ Khai quật khẩn cấp, đối với hộ gia đình ông Quý đã có sự hỗ trợ ban đầu".

Kết quả của đợt khai quật đã tiếp tục khẳng định về kỹ thuật đắp dựng tường thành Hoa Lư ở thế kỷ X. Chỉ riêng ở Hoa Lư, các cuộc khai quật ở Tường Đông Bắc, Tường Đông vào năm 1969 và thăm dò Tường Dền năm 2018 cùng với cuộc khai quật này cho biết về sự thống nhất trong kỹ thuật đắp thành Hoa Lư.

Phát hiện 5 lớp kết cấu tường thành cổ Hoa Lư khi đào móng nhà - Ảnh 6.

Những viên gạch đỏ xây thành Hoa Lư vừa được phát lộ ở Ninh Bình. Ảnh: VT

Đến nay đã có thể làm rõ các tường thành nhân tạo ở Hoa Lư đều được đắp trên nền đất trũng, lầy thụt, do vậy đều sử dụng kỹ thuật đắp rải các thanh gỗ kết hợp đóng cọc chống sạt lở. Tường thành được đắp hình con trạch hoặc gần hình thang, trong đó mái ngoài thường được tạo dốc hơn bên trong. Kỹ thuật xây thành kiểu này cũng đã được phát hiện ở La thành Thăng Long (Hà Nội).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem