Phát hiện hàng nghìn trường hợp vi phạm đất đai ở Ninh Bình

Gia Bình Thứ năm, ngày 08/02/2024 06:00 AM (GMT+7)
Thanh tra Chính phủ xác định Ninh Bình có khoảng 1.500 trường hợp vi phạm về đất đai, nhiều trường hợp đã kéo dài nhiều năm. UBND tỉnh này cần rà soát, tính đúng, tính đủ các loại tiền để không gây thất thoát ngân sách.
Bình luận 0

Nội dung được nêu tại Thông báo kết luận ban hành ngày 6/2 của Thanh tra Chính phủ (TTCP) về một số nội dung được thanh tra ở Ninh Bình, gồm lĩnh vực đất đai trong giai đoạn 2011 - 2022.

Phát hiện hàng nghìn trường hợp vi phạm đất đai ở Ninh Bình- Ảnh 1.

Lãnh đạo TTCP công bố kết luận thanh tra tại tỉnh Ninh Bình. Ảnh: thanhtra.gov.

Thông báo thể hiện UBND tỉnh Ninh Bình khi thẩm định, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất đã xác định nhiều nội dung chưa chính xác; xác định khả năng đầu tư, huy động nguồn lực của doanh nghiệp không đúng dẫn tới các dự án đầu tư chưa đạt tỷ lệ theo yêu cầu, chỉ tiêu sử dụng đất thấp.

Một số dự án tại tỉnh được thực hiện theo hình thức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp nhưng chủ đầu tư không có văn bản cho phép của cơ quan thẩm quyền, vi phạm Luật Đất đai năm 2013.

Về việc chấp thuận các dự án có sử dụng đất, TTCP xác định Sở Kế hoạch Đầu tư Ninh Bình ghi quy mô quá chi tiết nên: "Gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư khi dự án có điều chỉnh nhỏ".

Một sai phạm khác được chỉ ra là tại Khu công nghiệp Phúc Sơn do Công ty Phúc Lộc làm chủ đầu tư, UBND tỉnh Ninh Bình cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 4 dự án thương mại, dù đây là đất công nghiệp. Việc này là vi phạm các luật về đất đai, xây dựng, đầu tư.

Công ty Phúc Lộc cũng chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, chưa được cấp "sổ đỏ" nhưng đã cho nhà đầu tư thứ cấp thuê đất ở Khu công nghiệp Phúc Sơn là vi phạm Luật Đầu tư.

Đấu giá đất không kế hoạch

TTCP xác định, Ninh Bình đấu giá 62 cơ sở nhà đất khi chưa có phương án sắp xếp là trái các quy định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Trong kỳ (2011 – 2022), tỉnh còn đấu giá quyền sử dụng đất tại 425 khu/điểm dân cư nhưng trước năm 2018 không phê duyệt chương trình, kế hoạch phát triển nhà theo quy định của Chính phủ. Tỷ lệ xây dựng nhà tại các khu đấu giá rất thấp, chỉ gần 25%, còn hơn 281ha đang để trống nên "chưa phát huy được hiệu quả sử dụng đất".

Về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, TTCP xác định tỉnh Ninh Bình có 59 dự án được giao đất nhưng chưa được cấp "sổ đỏ" do chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Việc dồn điền, đổi thửa chưa được thực hiện tối ưu.

Ngoài ra, tại Ninh Bình có 942 công trình, dự án phục vụ mục đích nông thôn mới có nguồn gốc đất công ích, đất do nhân dân tự nguyện hiến tặng nhưng chưa hoàn thành thủ tục về đất đai, tiềm ẩn nguy cơ khiếu kiện sau này.

Có 320 hộ gia đình, cá nhân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở, đất sản xuất, kinh doanh với hơn 91ha; 197 trường hợp khác lấn chiếm đất công, xây dựng công trình không phép, tồn tại kéo dài nhưng chưa được xử lý.

Từ kết quả thanh tra trên, Tổng thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình phải xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm nhiều năm; có các biện pháp tính tiền thuê, thu hồi dự án...

Tại Khu công nghiệp Phúc Sơn, Chủ tịch tỉnh Ninh Bình cần xử lý đúng thẩm quyền, bảo đảm đúng chức năng sử dụng đất của khu công nghiệp đồng thời rà soát, tính đúng, đủ tiền thuê đất; yêu cầu Công ty Phúc Lộc nộp đủ, không để thất thoát ngân sách.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem