Phát hiện hóa thạch của một loài sinh vật biển kỳ lạ sau 280 triệu năm vẫn còn nguyên vẹn
Phát hiện hóa thạch của một loài sinh vật biển kỳ lạ sau 280 triệu năm vẫn còn nguyên vẹn
Quang Minh
Chủ nhật, ngày 12/03/2023 14:56 PM (GMT+7)
Một tấm hình khiến cộng đồng mạng xôn xao gần đây chụp lại một bộ hoá thạch được bảo quản cực tốt của một loài sinh vật biển sống cách đây 280 triệu năm. Vậy những sinh vật bí ẩn này rốt cuộc thuộc loài nào?
Các nhà nghiên cứu cho biết, hóa thạch được đề cập là của loài Jimbacrinus crinoids hay được gọi với cái tên khác là “hoa loa kèn biển” được tìm thấy ở miền Tây nước Úc bị chôn vùi trong đá trầm tích. Cụ thể hơn, các hóa thạch được thấy ở gần Giao lộ Gascoyne, một khu vực hẻo lánh ở Tây Úc nhưng được biết đến với sự đa dạng về địa chất.
Tờ báo Midwest Times cho biết, hình ảnh của phiến hóa thạch được đăng trên trang web của một đại lý hoá thạch có trụ sở tại Mỹ. Đại lý tuyên bố rằng mẫu hóa thạch này được thu thập một cách hợp pháp và họ có quyền bán lại cho các khách hàng có nhu cầu. Điều này làm dấy lên một số thắc mắc về tính pháp lý của việc thu thập và buôn bán thương mại hoá thạch ở đất nước Kangaroo, nơi mỗi bang lại có một quy định và đạo luật khác nhau.
Ông David Gear, đại diện Bảo tàng Tây Úc cho biết việc thu thập và buôn bán hoá thạch trong một số trường hợp là hợp pháp, tuy nhiên người thu gom cần phải có đủ giấy phép cần thiết và tuân thủ đúng các hướng dẫn về thu thập hoá thạch. Ông cũng khuyến khích mọi người nên để nguyên hóa thạch trong môi trường tự nhiên, vì đây là nguồn nghiên cứu quan trọng về lịch sử sự sống trên Trái Đất.
Cách đây 275 triệu năm, phần lớn vùng Tây Úc ngày nay bị ngập trong biển nông. Đây là môi trường sống của Jimbacrinus crinoids, những sinh vật có vẻ ngoài trông giống “người ngoài hành tinh” với vỏ sừng và hình dạng giống hoa sen. Năm 1949, J. Bostock một quản lý trạm gia súc Jimba Jimba đã phát hiện ra các hóa thạch của chúng trong sa thạch cundlego. Sa thạch này được hình thành do các trận lũ lụt và bão trong thời kỳ tiền Permi.
Hệ tầng sa thạch này được phát hiện dọc trong một khe nứt khô trong đó chứa rất nhiều hoá thạch của các loài vật cổ đại. Điều đặc biệt là những hóa thạch này vẫn còn nguyên trạng và không xuất hiện ở bất cứ nơi nào khác. Đây là một hệ tầng có giá trị rất cao trong việc nghiên cứu kiến tạo và địa chất của khu vực.
Mỏ hóa thạch gần Giao lộ Gasocyne cho chúng ta thấy được sự tàn khốc của sự kiện tuyệt chủng Permi-Trias. Đó là sự kiện tuyệt chủng lớn nhất trong lịch sử địa chất, khiến hơn 90% các loài sinh vật bị xoá sổ. Nguyên nhân là do nhiệt độ toàn cầu tăng cao, gây ra các biến đổi môi trường khắc nghiệt như nước ấm hơn, axit và metan và kim loại nhiều hơn, oxy ít hơn. Những điều này khiến cho động vật biển khó sống sót. Chỉ có một số ít crinoids may mắn qua khỏi sự kiện này và tiếp tục phát triển thành hơn 600 loài hiện nay.
Bạn có biết rằng các Sentinels trong phim Ma trận được thiết kế dựa trên hoá thạch Crinoids không? Đây là những robot khổng lồ hình bạch tuộc có khả năng bay và tấn công bằng các xúc tu sắc nhọn.
Ban đầu, Sentinels chỉ có một số chức năng đơn giản, nhưng sau đó chúng đã trở thành những sát thủ máu lạnh đối với con người. Sentinels là một trong những loại robot thường xuất hiện nhiều và nguy hiểm nhất trong bộ phim. Chúng săn đuổi con người và tàu Zion ở các thành phố ngầm để phục vụ cho kế hoạch của Ma trận.
Có thể nói, sự nguyên vẹn đến tuyệt vời của Jimbacrinus crinoids tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học nghiên cứu sâu hơn về cấu trúc và chức năng của những sinh vật biển này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.