Theo BBC, vật liệu này cứng gấp 4 lần titanium tinh khiết và sẽ được ứng dụng để chế tạo các vật liệu cấy ghép y tế có tuổi thọ dài hơn. Thông thường, vật liệu để cấy ghép vào đầu gối và hông cần phải thay thế sau 10 năm vì hao mòn.
Đề tài nghiên cứu loại siêu vật liệu là hợp kim vàng - titan này được công bố trên tạp chí Science Advances hôm 20.7. Giáo sư Emilia Morosan ở đại học Rice, Houston, Mỹ cho biết, bà và cộng sự đã phát hiện ra vật liệu này khi nghiên cứu loại nam châm làm từ vàng và titanium.
Mặt cắt ngang của một vật liệu cấy ghép nha khoa làm từ titanium. Ảnh: Science library.
Loại vật liệu mới này cần phải nghiền thành bột để kiểm tra độ tinh khiết, nhưng beta-Ti3Au - tên khoa học của nó, lại quá cứng, không thể dùng chày và cối phủ kim cương nghiền nát.
Loại vật liệu này "cho thấy nó có độ cứng cao nhất trong tất cả các hợp kim và hợp chất Ti-Au, cũng như nhiều loại hợp kim khác", giáo sư Morosan cho biết.
Theo bà, độ cứng của nó, cùng với tính tương hợp sinh học cao, khiến nó trở thành "thế hệ hợp chất tương lai để chế tạo vật liệu cấy ghép nha khoa và thay thế khớp có tuổi thọ dài hơn".
Nó cũng sẽ được ứng dụng trong các ngành công nghiệp xây dựng, sản xuất hàng thể thao, và nhiều lĩnh vực tiềm năng khác. Titanium là một trong số ít các kim loại có thể cấy ghép vào cơ thể người mà không bị đào thải, khiến nó được sử dụng rộng rãi trong nội khoa và nha khoa.
Hồng Hạnh (VNExpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.