Phát huy vai trò "bệ đỡ" của khuyến nông cộng đồng trong việc xây dựng thương hiệu cà phê Tây Nguyên
Phát huy vai trò "bệ đỡ" của khuyến nông cộng đồng trong xây dựng thương hiệu cà phê Tây Nguyên
Hoàng Lộc
Thứ bảy, ngày 18/11/2023 11:09 AM (GMT+7)
Hoạt động hiệu quả của tổ khuyến nông cộng đồng sẽ góp phần không nhỏ trong việc xây dựng, phát triển cà phê một cách bền vững tại các tỉnh Tây Nguyên.
Ngày 17/11, tại TP.Pleiku (tỉnh Gia Lai), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ Nông nghiệp và PTNT) phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo “Khuyến nông cộng đồng trong phát triển vùng nguyên liệu cà phê Tây Nguyên”.
Theo báo cáo tại hội thảo, ngày 25/3/2022, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phê duyệt hai đề án gồm "Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình Tổ khuyến nông cộng đồng" và "Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025".
Mục tiêu nhằm hình thành các Tổ khuyến nông cộng đồng thuộc hệ thống khuyến nông nhằm tư vấn, hỗ trợ, chuyển giao khoa học công nghệ, hình thành và phát triển các HTX nông nghiệp điển hình thuộc các lĩnh vực khác nhau (lúa gạo, cây ăn quả, chăn nuôi, lâm nghiệp…) để tổ chức lại sản xuất gắn với xây dựng sản xuất hàng hóa quy mô lớn ở các vùng nguyên liệu; hình thành 5 vùng sản xuất nguyên liệu sản phẩm nông, lâm nghiệp quy mô hàng hóa tập trung, hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến trên cơ sở liên kết bền vững giữa các HTX nông nghiệp với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nhằm thúc đẩy nhanh, hiệu quả và bền vững quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới...
Đến nay, đề án thí điểm đã được triển khai tại 13 tỉnh thuộc 5 vùng nguyên liệu, kết quả đã xây dựng được 26 tổ khuyến nông cộng đồng. Bên cạnh đó, tổ khuyến nông cộng đồng đã phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để liên kết tiêu thụ sản phẩm cà phê tại 4 tỉnh Tây Nguyên.
Cụ thể tại Gia Lai, 2 tổ khuyến nông cộng đồng thí điểm đã ký hợp đồng nguyên tắc với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp về tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho người sản xuất về cây Cà phê bền vững, an toàn lao động trong sản xuất; giảm thiểu lao động trẻ em trong ngành cà phê.
Tại Kon Tum, 2 tổ khuyến nông cộng đồng đã ký Hợp đồng liên kết với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp và biên bản thỏa thuận hợp tác với 373 hộ nông dân trong sản xuất và bao tiêu gần 2.000 tấn cà phê nhân 4C. Ngoài ra, công ty đã hỗ trợ triển khai 50 lớp tập huấn Chương trình sản xuất cà phê bền vững theo bộ quy tắc 4C, cũng như việc phối hợp đánh giá để cấp chứng nhận 4C cho các hộ tham gia.
Đến nay các tổ KNCĐ đã hỗ trợ cho Công ty TNHH Vĩnh Hiệp mở rộng thâm canh 568 ha vùng nguyên liệu Cà phê đạt chuẩn 4C.
Tại Đắk Lắk, 2 tổ khuyến nông cộng đồng thí điểm đã thực hiện ký liên kết tiêu thụ sản phẩm Cà phê với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đồng thời cũng hỗ trợ về tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho người sản xuất cà phê, Công ty CP Ban Mê Green Farm; Hợp tác xã SXNNDVTH Long Hải.
Còn tại tỉnh Đắk Nông, 2 tổ khuyến nông cộng đồng thí điểm cùng với một số tổ khuyến nông cộng đồng mở rộng đã thực hiện ký biên bản thỏa thuận với 2 Công ty về bao tiêu sản phẩm Cà phê gồm Công ty TNHH một thành viên Cà phê Bazan Đắk Nông, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân và Hợp tác xã NNTM&DV Tâm Hồng Phúc.
Theo đánh giá, việc triển khai các dự án khuyến nông trung ương gắn với các tổ khuyến nông cộng đồng về kết nối nông sản cho nông dân là hướng đi mới và rất thiết thực cho sự phát triển vùng nguyên liệu chế biến cà phê.
Đồng thời, khẳng định vai trò của tổ khuyến nông cộng đồng trong việc tư vấn, kết nối thị trường, cung cấp thông tin thị trường, giá cả cho nông dân, HTX tư vấn tổ chức lại sản xuất, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị, sản xuất theo tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu của thị trường từ các kết quả của dự án khuyến nông.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đề án còn có một số khó khăn như việc thảo luận và xây dựng qui chế khuyến nông cộng động chưa thực sự dân chủ, thiếu sự thảo luận và đóng góp của khuyến nông viên cộng đồng, chính quyền địa phương nên đôi khi quy chế này được xây dựng mang tính hành chính.
Bên cạnh đó, do mới được thành lập và đi vào hoạt động nên còn gặp nhiều khó khăn trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động của tổ, chưa thực hiện được 4 nhóm nhiệm vụ: Liên kết thị trường, tư vấn HTX, đào tạo nông dân số và nhiệm vụ chính trị khác. Trên thực tế các tổ khuyến nông cộng đồng chủ yếu làm nhiệm vụ kết nối các bên.
Ngoài ra, các thành viên trong tổ còn hạn chế về kiến thức để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của tổ Khuyến nông cộng đồng; đặc biệt là kiến thức về phát triển thị trường, quản trị HTX, liên kết theo chuỗi giá trị, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp; trang thiết bị và kinh phí làm việc để tổ thực hiện nhiệm vụ còn thiếu; thiếu sự quản lý tổ khuyến nông cộng đồng (Giám sát hoạt động, chế độ báo cáo và kiểm tra hoạt động của tổ...); chưa có sự phân cấp rõ ràng trong việc hướng dẫn thành lập tổ Khuyến nông cộng đồng (Giữa khuyến nông và các bên liên quan khác…).
Đồng thời, một số địa phương, cán bộ khuyến nông viên cấp xã được hưởng phụ cấp thấp, kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, không có chuyên môn về nông nghiệp; hơn nữa địa bàn hoạt động rộng, đi lại không thuận lợi lại rất khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ...
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định, tổ khuyến nông cộng đồng đã đạt những kết quả ngoài mong đợi và vượt qua khuôn khổ của một đề án thí điểm. Hiện nay, các địa phương đang vào cuộc một cách tích cực, đặc biệt các vùng nguyên liệu cà phê, các tổ khuyến nông cộng đồng đã phát huy hiệu quả rất tốt.
Ông Thanh cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, khó khăn nhất hiện nay là năng lực khuyến nông cơ sở chưa đồng đều. Có những nơi, năng lực khuyến nông tốt sẽ kết nối, hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu cà phê. Ngược lại, năng lực khuyến nông cơ sở hạn chế sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ trong quá trình phát triển vùng nguyên liệu. Chính vì vậy, cần phải tăng cường đào tạo cho đội ngũ khuyến nông cơ sở.
"Mong muốn của chúng tôi sẽ xây dựng các tổ khuyến nông cộng đồng để làm sao kết nối được giữa các nhà chuyển giao công nghệ, doanh nghiệp và thị trường tiêu thụ. Trên thực tế, các tổ khuyến nông cộng đồng này đang triển khai tốt, phát huy hiệu quả.
Hiện nay, hoạt động của các tổ khuyến nông cộng đồng tương đối đa dạng dẫn đến không có mô hình mẫu để phát triển. Từ đó, chúng ta phải tăng cường năng lực khuyến nông cơ sở để làm sao lôi kéo được các thành phần tham gia vào công tác khuyến nông. Sau khi chúng ta đã hình thành được tổ khuyến nông cộng đồng và đặc biệt đã kêu gọi các lực lượng xã hội quan tâm nên phải làm sao tăng cường năng lực cho các đội ngũ này", ông Thanh chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.