Anh Huy kể: Năm 1996 xuất ngũ về quê, anh mua vài giỏ lan về chơi, thấy hoa nở đẹp, lâu tàn nên đã nảy ra ý tưởng buôn và trồng loài hoa này.
"Lúc đầu tôi chỉ vào dân mua, rồi bán lại kiếm lời. Nhưng như vậy rất phụ thuộc, có khi khách đặt hàng, nhưng mình không đáp ứng được. Chỉ có cách vừa buôn, vừa trồng thì mới chủ động được nguồn hàng" - Huy tâm sự.
Để học kỹ thuật trồng lan, Huy đã lên Hà Nội, rồi vào tận Đà Lạt để học. Sau hơn 1 tháng "tầm sư học đạo" có lưng vốn kỹ thuật, anh quyết định về quê trồng lan lập nghiệp. Nhưng do chưa có kinh nghiệm nên giống lan mua có nguồn gốc ở Đà Lạt, khi trồng ở miền Bắc khí hậu không hợp, lại không biết cách chăm sóc, nên hơn 100 gốc lan bị nấm, thối thân, rễ chết sạch.
|
Vườn lan của anh Phạm Đào Huy mang về 600 triệu đồng/năm. |
Đang bí, Huy được một người bạn nhiệt tình giúp đỡ về kỹ thuật và đọc thêm kinh nghiệm qua sách, báo, nên dần dần lan đã chịu nghe chủ. Những giỏ lan tai trâu, đuôi chồn, giáng hương, địa lan lần lượt thi nhau nở, lần lượt mang về cho anh tiền triệu, rồi hàng chục triệu…
Theo Huy, để lan phát triển tốt, khi mua giống phải biết được xuất xứ của giống để có chế độ chăm sóc hợp lý (ánh sáng, độ ẩm, phân bón) và hàng ngày nên tưới cho lan 2 lần để giữ ẩm.
Những ngày đầu chưa có đầu mối, anh phải thuê người chở lên Hà Nội, Hải Phòng... để bán. Nhưng nay thương hiệu lan của anh đã được nhiều siêu thị, cửa hàng hoa biết đến, nên chủ yếu giao dịch qua điện thoại.
Huy cho biết: "Hiện tôi có hơn 1 mẫu lan, với khoảng 20.000 giỏ lan, mỗi năm bán ra thị trường khoảng 3.000 giỏ. Trung bình từ 50 nghìn đến 15 triệu đồng/giỏ tùy theo loại lan, trừ chi phí lãi khoảng 500 - 600 triệu đồng/năm".
Ngoài lan, Huy còn tạo dáng cây cảnh bon sai, với gần 60 gốc sanh, mỗi năm anh thu về từ 200 - 300 triệu đồng.
Nam Tùng Sơn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.