Phát triển bền vững nuôi biển - nhìn từ Quảng Ninh: Hướng đến ngành hàng xuất khẩu 2 tỷ USD
Phát triển bền vững nuôi biển - nhìn từ Quảng Ninh: Hướng đến ngành hàng xuất khẩu 2 tỷ USD
Minh Ngọc
Thứ hai, ngày 01/04/2024 05:59 AM (GMT+7)
Tiềm năng, lợi thế cho việc phát triển nuôi biển của nước ta là có. Nhưng muốn bay xa, muốn tạo nên một hệ sinh thái phát triển mạnh mẽ, chúng ta vẫn còn nhiều khó khăn cần phải được tháo gỡ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho biết.
Sáng nay, 1/4, tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Bộ NNPTNT phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị Phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh. Hội nghị do Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan và Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký chủ trì.
Hội nghị sẽ thu hút khoảng 400 - 450 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự. Trong đó có lãnh đạo các bộ, ban, ngành như: Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Bộ NN-PTNT; Bộ Công thương… Lãnh đạo các ban, cục, vụ, viện thuộc Ban Kinh tế Trung ương, Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ NNPTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương… Lãnh đạo Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố ven biển. Lãnh đạo các hội, hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nuôi trồng thủy sản.
Bên cạnh đó, Hội nghị còn có sự tham dự của các đại diện tham tán, đại sứ quán và chuyên gia đến từ các quốc gia có thể mạnh về nuôi biển hàng đầu thế giới hiện nay như: Australia, Na Uy, Đan Mạch, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, EU, Hà Lan; các tổ chức quốc tế như: UNDP, FAO, IUCN, FFW, SNV...
Theo Bộ NNPTNT, trong thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ NNPTNT đã ban hành nhiều chính sách, chương trình để thúc đẩy nuôi biển phát triển. Nhờ vậy, một số bộ phận hỗ trợ ngành công nghiệp nuôi biển đã bước đầu được hình thành ở Việt Nam như: Hạ tầng vùng sản xuất giống, vùng nuôi tập trung; công nghiệp phụ trợ (thức ăn, thiết bị nuôi); công nghiệp chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ…
Hiện nay, nuôi biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển nhằm đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển trong thế kỷ của biển và đại dương.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280.000 ha, sản lượng 850.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 0,8 - 1 tỷ USD. Đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000 ha, sản lượng 1,45 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 - 2 tỷ USD.
Định hướng phát triển ngành nuôi biển của nước ta thời gian tới là phát triển nuôi biển công nghiệp với công nghệ tiên tiến, quy hoạch chặt chẽ, phương thức quản lý hiện đại; phát triển nuôi biển cả trong vùng ven bờ, trên vùng biển xa bờ, ngoài khơi xa và cả trên bờ, phát huy đa dạng sinh học của vùng nhiệt đới; tích hợp nguồn lực kinh tế kỹ thuật các ngành dầu khí, đóng tàu, vận tải biển, cơ khí hệ sinh thái, bảo đảm phát triển bền vững...
Tiềm năng, lợi thế cho việc phát triển nuôi biển của nước ta là có. Nhưng muốn bay xa, muốn tạo nên một hệ sinh thái phát triển mạnh mẽ, chúng ta vẫn còn nhiều khó khăn cần phải được tháo gỡ.
"Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh" được tổ chức với mục đích thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án 1664 về nuôi biển trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; nhận diện tình hình nuôi biển trên thế giới và trong nước hiện nay; triển khai tổ chức thực hiện quy hoạch nuôi biển và các thủ tục đánh giá tác động môi trường, cấp phép, giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản tại Quảng Ninh trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Hội nghị sẽ giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp, hiện đại, đa giá trị, đồng thời tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tổ chức phát triển bền vững nuôi biển tỉnh Quảng Ninh trong những năm tới.
Công bố khu vực biển để thu hút đầu tư nuôi biển và ký cam kết MOU hợp tác phát triển nuôi biển với một số nhà đầu tư chiến lược trong nước và quốc tế.
Nhận diện được những tồn tại, vướng mắc trong thủ tục pháp lý của Nhà nước trong việc triển khai nuôi trồng thủy sản trên biển, bàn giải pháp tháo gỡ.
Triển lãm, giới thiệu những thành tựu công nghệ, thiết bị nuôi biển, những sản phẩm OCOP và sản phẩm thủy sản của tỉnh Quảng Ninh.
Báo điện tử Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về Hội nghị.
Quảng Ninh có hơn 6.100 km2 mặt biển là ngư trường khai thác rộng lớn, có đường bờ biển dài 250 km, có hai vịnh lớn là Vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long và 2.077 hòn đảo chiếm hơn 2/3 số đảo cả nước; có trên 40.000 ha bãi triều và trên 20.000 ha diện tích eo biển và vịnh kín. Vùng biển Quảng Ninh là nơi sinh sống của nhiều loài có giá trị, tạo ra cơ hội lớn cho phát triển nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, đặc biệt phục vụ xuất khẩu, công nghiệp chế biến chế thực phẩm giá trị cao.
Về nuôi biển ở Quảng Ninh, năm 2023, tổng diện tích nuôi tôm (tôm thẻ chân trắng và tôm sú) đạt 7.500 ha, chiếm 10% diện tích nuôi tôm cả nước, trong đó diện tích nuôi tôm công nghiệp đạt 4.700 ha với sản lượng đạt 24.876 tấn chiếm 14,2% tổng sản lượng thuỷ sản toàn tỉnh.
Nuôi nhuyễn thể, năm 2023, tổng diện tích vùng cửa sông bãi triều ven biển và mặt nước biển nuôi nhuyễn thể đạt 9.500 ha tăng 6.222 ha so với năm 2013; sản lượng đạt 42.465,5 tấn, tăng 27.143,5 tấn so với năm 2013, năng suất bình quân đạt trên 4,47 tấn/ha; đối tượng nuôi chủ yếu là ngao, nghêu, hàu cửa sông và hàu Thái Bình Dương... với hình thức nuôi chủ yếu là giàn bè, lồng treo hoặc nuôi trên bãi triều, tập trung tại các địa phương: Vân Đồn, Đầm Hà, Hải Hà, Quảng Yên và Móng Cái.
Nuôi cá biển, năm 2023, tổng diện tích nuôi cá biển là 2.208 ha (tăng 667 ha so với năm 2013) và 15.000 ô lồng (tăng gần 14.500 lồng so với năm 2013) tập trung ở các địa phương như: Vân Đồn, Đầm Hà, Hải Hà, Cẩm Phả; đối tượng nuôi chủ yếu là cá song, vược, giò... với sản lượng nuôi cá biển đạt 12.980,7 tấn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.