Phát triển du lịch xứ Mường bền vững

Xuân Tuấn Thứ hai, ngày 17/10/2022 22:03 PM (GMT+7)
Xứ Mường (Hòa Bình) - cửa ngõ của Tây Bắc và cũng là cái nôi của người Việt cổ. Vùng đất non xanh, nước biếc, con người hiền hòa, văn hóa đặc sắc… khiến bao du khách đắm chìm, say mê vẻ đẹp của nơi đây.
Bình luận 0

Những năm gần đây, việc khai thác ngành công nghiệp không khói ở tỉnh Hòa Bình đã được chú trọng. Ngay cả ở những bản làng xa xôi, bà con người Mường, người Mông cũng đã biết làm du lịch...

Homestay nở rộ khắp bốn Mường

Hang Kia, Pà Cò (huyện Mai Châu) là 2 xã vùng cao nằm sát cao nguyên Mộc Châu. Nơi đây khí hậu mát mẻ quanh năm, là nơi sinh sống của đông đảo bà con người Mông. Cách đây 30 năm (1990), ở xứ sở miệt rừng này đã có một người đàn ông Mông là cụ Khà A Gia ở bản Hang Kia, xã Hang Kia đã biết mở cửa nhà đón khách du lịch.

Việc làm của ông Gia là khá lạ lẫm so với công việc của bà con người Mông nơi đây. Khi đó, đường lên 2 xã vùng cao này còn gian nan lắm. Vậy mà khách Tây lại rất thích đi vào cung đường này và tìm hiểu văn hóa bản địa. Ông Gia đón khách về ăn ngủ, tại nhà. Dần dần ngôi nhà gỗ thâm nâu quanh năm chìm trong sương mù ấy trở thành địa điểm lưu trú quen thuộc.

Có khách đến ở là gia đình ông có thu nhập. Ông Gia rất lấy làm tự hào về cách làm của mình: "Khách đến, mình làm các món ăn mà người Mông ăn hàng ngày. Mọi sinh hoạt của dân tộc mình giữ nguyên, vậy mà du khách lại thích lắm. Ấy dà, mình không phải vất vả trên nương mà nhà không thiếu gì ngô, thóc".

Phát triển du lịch xứ Mường bền vững - Ảnh 1.

Bản sắc văn hóa của các dân tộc Hòa Bình đã và đang góp phần quan trọng vào ngành du lịch cộng đồng. Ảnh: X.T

Anh Tráng A Páo - chủ homestay A Páo ở xã Pà Cò cũng đã mạnh dạn xây dựng khu du lịch. Giờ nơi này trở thành điểm nghỉ dưỡng lý tưởng cho du khách. Điều mà A Páo tâm đắc nhất, hiện ở bản Chà Đáy - nơi Páo sinh sống đã có 4 homestay khác mở ra.

Mùa nối mùa trôi qua, du khách kéo đến thung lũng sương mù này ngày một đông. Nhiều hộ dân khác nhận thấy cách làm của ông Gia nhàn hạ mà có thu nhập cao gấp nhiều lần so với việc trồng ngô, trồng lúa nên học hỏi, làm theo. Chị Sùng Y Múa (ở bản Hang Kia) đã mạnh dạn vay vốn mở homestay. Chị làm bài bản, nơi lưu trú sạch sẽ, có nhà vệ sinh, nhà tắm hiện đại. Không ngồi đợi khách tìm đến, Y Múa còn quảng bà homestay của mình lên mạng Internet. Cách làm của Y Múa đã mang lại hiệu quả. Khách đến ngày một đông, có những ngày Y Múa phải chuyển khách sang ở nhờ những nhà người thân.

Sau mỗi năm trôi qua, Y Múa dần mở rộng homestay của mình. Giờ nhà Y Múa có đủ khả năng đón cả trăm khách. "Nhiều công ty lữ hành đã coi khu nghỉ của gia đình thành đối tác quan trọng. Không chỉ khách Tây, khách nội địa cũng tìm đến nhà mình ngày một nhiều hơn" - chị Y Múa chia sẻ.

Phát triển du lịch xứ Mường bền vững - Ảnh 3.

Khai thác tiềm năng của du lịch cộng đồng sẽ mang lại nhiều công ăn việc làm cho bà con. Ảnh: X.T

Hang Kia, Pà Cò nằm trên độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển. Khí hậu quanh năm mát mẻ, vào mùa hoa mơ, hoa đào nở nơi này đẹp tựa miền cổ tích. Từ cách làm của ông Gia và chị Y Múa, giờ đây đã có nhiều homestay được người dân mở ra. Nói như ông Khà A Lau - Chủ tịch UBND xã Hang Kia, bà con đã dần thay đổi nhận thức. Họ đã biết tận dụng lợi thế về cảnh quan và văn hóa bản địa để làm du lịch. Nhiều công ty, doanh nghiệp cũng đã đến địa phương để đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng. Du lịch - ngành "công nghiệp không khói" đang mở ra hướng làm ăn mới cho bà con người Mông nơi đây.

Sự đổi thay trong nếp nghĩ, cách làm của bà con người Mông đã dần đẩy lùi tệ nạn đã từng tồn tại cả mấy thập kỷ. Hang Kia - Pà Cò từng là điểm nóng về ma túy, nhưng mấy năm gần đây, 2 địa danh này trở thành điểm du lịch hấp dẫn về văn hóa, những chuyến săn mây kỳ thú... Khách du lịch có thể tự tay dệt thổ cẩm tại gia đình.

Không riêng gì bà con người Mông ở Hang Kia, mà bà con người Mường ở các huyện Kim Bôi, Đà Bắc, Lạc Sơn… cũng đã biết tận dụng lợi thế của địa phương để làm du lịch. Giờ đến đâu ta cũng dễ dàng bắt gặp những homestay được xây dựng bài bản. Các chủ homestay cũng biết tận dụng lợi thế về địa hình và văn hóa bản địa, mở cửa đón khách.

Liên kết để phát triển mạnh hơn

Phát triển du lịch xứ Mường bền vững - Ảnh 4.

Homestay của anh Tráng A Páo ở xã Pà Cò (Mai Châu) là điểm đến hấp dẫn khách du lịch. Ảnh: X.T

Đất Mường có lợi thế là gần Thủ đô lại có phong cảnh thiên nhiên hữu tình làm say lòng người. Tỉnh Hòa Bình cũng xác định, phát triển du lịch là xu hướng tất yếu. Việc đánh giá và nâng tầm các điểm du lịch cộng đồng là rất cần thiết. Để du lịch cộng đồng phát triển mạnh hơn, các hộ dân đã cùng nhau xây dựng thành vùng, thành lập HTX, công ty để cùng nhau làm du lịch.

Đến nay, toàn tỉnh Hòa Bình đã có 5 bản du lịch cộng đồng được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, hạng 3 - 4 sao, gồm: Du lịch cộng đồng Hang Kia, chủ thể là HTX dịch vụ du lịch và nông nghiệp Hang Kia; du lịch homestay bản Lác - chủ thể HTX dịch vụ nông, lâm nghiệp và dịch vụ xóm Lác, xã Chiềng Châu (Mai Châu); Du lịch cộng đồng Đá Bia - Công ty CP Du lịch cộng đồng Đà Bắc, xã Tiền Phong (Đà Bắc); Du lịch cộng đồng xóm Ngòi, Công ty CP đầu tư du lịch Ngòi Hoa, xã Suối Hoa; Du lịch cộng đồng xóm Lũy Ải, xã Phong Phú (Tân Lạc).

Mặc dù bước đầu đã tạo được dấu ấn, song thực tế cho thấy, loại hình du lịch cộng đồng của tỉnh Hòa Bình mới là tự phát, quy mô nhỏ lẻ. Sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa được đầu tư có quy mô lớn, chất lượng cao để có thể trở thành sản phẩm chủ đạo, khả năng cạnh tranh cao. Du lịch cộng đồng được khai thác ở nhiều địa phương, song đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất du lịch thiếu đồng bộ. Nhiều bản du lịch ở xa trung tâm huyện, xã, giao thông đi lại khó khăn.

Trong lĩnh vực du lịch nói chung, du lịch cộng đồng nói riêng, tỉnh Hòa Bình chưa thu hút được nhà đầu tư lớn để đầu tư các khu nghỉ dưỡng cao cấp, với nhiều dịch vụ vui chơi giải trí chất lượng cao nhằm kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu của du khách. Sản phẩm du lịch nông thôn mới chỉ đáp ứng nhu cầu thăm quan, ăn nghỉ của khách ở mức đơn giản. Giá trị cốt lõi của nông nghiệp địa phương, bản sắc văn hóa truyền thống trong các sản phẩm du lịch nông nghiệp chưa được khai thác chuyên nghiệp...

Theo ông Đinh Công Sứ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, tỉnh có 41 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, 53 di tích cấp tỉnh, nhiều công trình văn hóa, danh thắng, làng nghề truyền thống, cả lòng hồ thủy điện Hòa Bình kéo dài trên 80km, trải rộng khắp địa bàn tỉnh đã cho thấy Hòa Bình là điểm đến lý tưởng, có thể phát triển du lịch bền vững, nhất là trong lĩnh vực du lịch cộng đồng.

"Để đánh thức tiềm năng du lịch của tỉnh phát triển bền vững, xứng tầm. Tỉnh đã quy hoạch nhiều vùng du lịch nhằm kêu gọi các doanh nghiệp lớn đầu tư vào. Mấy năm gần đây, tỉnh Hòa Bình cũng thực hiện chính sách hỗ trợ cho khu vực nông thôn có ưu thế để phát triển du lịch. Trong đó, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo dựng cảnh quan sạch đẹp, môi trường trong lành; giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Đồng thời, tăng cường xúc tiến, quảng bá, liên kết phát triển du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch nông thôn" - ông Sứ cho biết.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem