Phép trừ thô thiển

Đào Tuấn Thứ tư, ngày 01/04/2015 07:00 AM (GMT+7)
Hồi đầu năm, trước băn khoăn “bị hạn chế khám bệnh hoặc buộc phải xuất viện sớm để tránh quá tải” của bệnh nhân, lãnh đạo Bệnh viện Nhi T.Ư khẳng định: Người dân có quyền nghi ngờ... 
Bình luận 0

Phải nói là người dân đã vô cùng hoan hỉ khi hay tin có tới 39 bệnh viện cam kết chấm dứt nằm ghép. Có ai một lần làm dân, có ai một lần phải gửi gắm hy vọng trong bệnh viện thì mới hiểu được sự hoan hỉ này.

Nhưng hai tháng sau kết ấy, báo chí hôm qua đã kể lại câu chuyện của bà Phạm Thị Năm ở Phú Thọ như sau: Bà Năm có đứa cháu 4 tháng tuổi do sinh non nên thường mắc các bệnh về đường hô hấp, đã 3 lần phải điều trị tại khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi T.Ư. Lần nào cũng chỉ khỏi được 70-80% là bác sĩ đã “cho về”. Và vì thế, bệnh cứ tái phát đi tái phát lại.

img
Cảnh bệnh nhi chui gầm giường vì bệnh viện quá tải (Ảnh: Khám phá)
 
Bà Năm kể không riêng cháu bà, có cháu còn ho sù sụ, gia đình xin ở lại để điều trị dứt điểm nhưng bác sĩ không đồng ý. Mỗi lần đi đi lại lại từ Phú Thọ - Hà Nội thôi thì mệt mỏi, nhưng do điều trị tại bệnh viện tuyến dưới không yên tâm vì nhiều lần tuyến dưới chữa trị cho cháu bà không khỏi.

Sau 2 tháng cam kết, ở Bệnh viện Việt Đức, ở Viện Nhi T.Ư… đúng là đã không còn tình trạng bệnh viện nằm ghép, nằm gầm giường. Nhưng thay thế là những chiếc giường bệnh xếp ngoài hành lang. Và, như câu chuyện của bà Năm, là những trường hợp chưa khỏi bệnh đã phải ra viện.

Theo báo chí, mùa dịch sởi năm ngoái, Viện Nhi T.Ư tình thường xuyên trong tình trạng 3-4 bệnh nhi/giường bệnh. Và hồi đầu năm, cam kết không đề bệnh nhân nằm ghép được đưa ra trong khi chưa hề có sự thay đổi gì về cơ sở vật chất.

Hóa ra, việc chấm dứt tình trạng nằm ghép chỉ đúng là một phép trừ thô thiển. Trước là không cho nhập viện ồ ạt. Buộc bệnh nhân ngoại tỉnh “điều trị ngoại trú”, gánh cái gánh nặng thiếu thốn cơ sở vật chất. Giờ là trừ bớt bệnh nhân, cho dù họ chưa khỏi bệnh, để đỡ quá tải, đỡ phải nằm ghép…

Phép trừ ấy liệu có ích gì với những đứa bé “4 tháng 3 lần nhập viện”? Thành tích “không nằm ghép” có ý nghĩa gì khi nó y như một sự hành xác đối với những bệnh nhi sơ sinh, với những bệnh nhân đi còn không nổi đang mắc bệnh phải “vượt tuyến”?!

Câu trả lời cho ngành y tế, đáp án cho vấn đề quá tải, rõ ràng, phải là việc nâng cao chất lượng y tế cơ sở chứ không thể chỉ là một phép trừ thô thiển.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem