Hỗ trợ để khuyến khích nông dân
3 năm qua, nhờ có sự hỗ trợ phí bảo hiểm từ ngân sách nhà nước, đã có hơn 300.000 hộ nông dân, tổ chức tham gia BHNN, trong đó có hơn 200.000 hộ nghèo.
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Nghệ An nói: “Nhờ được hỗ trợ phí bảo hiểm mà nông dân đã mạnh dạn tham gia”. Tại Nghệ An, ngân sách nhà nước đã hỗ trợ 75,903 tỷ đồng và các hộ dân đóng góp 2,5 tỷ đồng để thực hiện BHNN.
“Nếu người dân phải bỏ toàn bộ phí để tham gia bảo hiểm chắc chắn sẽ không làm được. Chương trình thí điểm BHNN với sự hỗ trợ của Nhà nước đã đem lại kết quả đáng khích lệ tại Nghệ An, nâng cao được nhận thức của nông dân và họ đã phần nào thấy được sự cần thiết của BHNN trong quá tình sản xuất” - ông Hiếu nói.
Cần tiếp tục nhân rộng…
Thực tế, dù chưa phải là chính sách hoàn hảo, song chương trình thí điểm BHNN 3 năm qua đã được người nông dân rất đồng tình ủng hộ. Hầu hết các bộ ngành, địa phương đều kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục nhân rộng BHNN đối với các loại cây trồng, chăn nuôi, thủy sản…
Theo báo cáo tại 20 tỉnh, thành phố thí điểm, trong 3 năm triển khai đã có hơn 304.000 hộ nông dân, tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia BHNN, trong đó có trên 233.000 hộ nghèo (chiếm 76,8% tổng số hộ tham gia bảo hiểm) tham gia.
Xét về đối tượng bảo hiểm, tổng diện tích lúa được tham gia bảo hiểm là 65.300ha; vật nuôi trên 1,2 triệu con và thủy sản 5.800ha. Tổng giá trị được bảo hiểm là 7.747,9 tỷ đồng. Tổng số tiền đã giải quyết bồi thường bảo hiểm đến thời điểm 20.6.2014 là 701,8 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường bảo hiểm 178%.
Ông Phạm Văn Ca - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình nhìn nhận: Phí bảo hiểm mặc dù được Nhà nước hỗ trợ song vẫn cao so với thu nhập từ trồng lúa, nên ảnh hưởng rất lớn đến việc tham gia bảo hiểm của nông dân. Ông Ca đề nghị giảm mức phí của người dân đóng góp từ 25.000 đồng/sào xuống còn 18.000 đồng/sào. Đồng thời tăng mức hỗ trợ lên 80% phí bảo hiểm cho các hộ, cá nhân không thuộc diện nghèo, cận nghèo, hỗ trợ 95% phí bảo hiểm cho các hộ cận nghèo.
Ông Nguyễn Văn Thu, một hộ chăn nuôi ở Đông Sơn, Thanh Hóa cho biết: Một con gà, vịt tham gia bảo hiểm phải nộp thêm 3.600 đồng, lợn thịt 120.000 đồng/con, là mức phí cao với nông dân.
Ông Nguyễn Văn Khởi- Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng thì phàn nàn rằng, mức phí bảo hiểm nuôi tôm cũng khá cao, chưa thu hút được người dân và các tổ chức tham gia. Theo ông Khởi, Bộ Tài chính nên điều chỉnh mức phí bảo hiểm tôm xuống còn 9,72%. “Mức phí nên vừa phải để khuyến khích nông dân tham gia nhiều hơn” - ông Khởi nói.
Ông Hoàng Xuân Điều -Trưởng phòng BHNN (Tập đoàn Bảo Việt) và ông Phạm Xuân Phong - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Minh cũng đồng tình với các địa phương và cho rằng, Chính phủ nên tiếp tục hỗ trợ phí bảo hiểm ở mức 100% cho hộ nghèo, 90% cho hộ cận nghèo, hộ bình thường và các tổ chức sản xuất nông nghiệp nâng mức hỗ trợ lên 60% (hiện là 20%).
Chương trình BHNN, theo các DN này, cần gắn với các chương trình khác của nông nghiệp, như hỗ trợ kinh phí gắn với chương trình nông thôn mới, coi BHNN là một tiêu chí cho phát triển nông thôn và giao Ban chỉ đạo chương trình nông thôn mới phối hợp với doanh nghiệp bảo hiểm để triển khai BHNN…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.