Hoạt động chính thức (formal) trong kinh tế là hoạt động trong các tổ chức kinh tế được đăng ký theo luật, tức là hoạt động trong các pháp nhân kinh tế. Hiểu rộng ra tất cả những tổ chức được đăng ký theo luật (tức là có tư cách pháp nhân) được gọi là các tổ chức chính thức, còn các tổ chức không được đăng ký (không có tư cách pháp nhân) là các tổ chức phi chính thức.
Kết quả nghiên cứu của Matthias Meissner.
Người ta thường hiểu lầm rất tai hại rằng những tổ chức chính thức là
hợp pháp, còn những tổ chức phi chính thức là bất hợp pháp. Đấy là cách
hiểu hoàn toàn sai. Tính chính thức và tính hợp pháp là hai khái niệm
hoàn toàn khác nhau. Có những tổ chức chính thức có những hoạt động bất
hợp pháp và nhiều tổ chức phi chính thức hoạt động hoàn toàn hợp pháp.
Trong lĩnh vực kinh tế, số lao động trong khu vực phi chính thức rất lớn. Theo nghiên cứu của Matthias Meissner (Viện Khoa học lao động và xã hội) số lao động năm 2010 trong khu vực công chiếm 9,7%; trong khu vực đầu tư nước ngoài chiếm 2,9%; trong các doanh nghiệp nội địa chiếm 7,7%; trong kinh tế hộ gia đình có đăng ký chiếm 7,8%; trong khu vực phi chính thức chiếm 23,7%; và trong nông nghiệp chiếm 48,1% tổng lực lượng lao động.
Khu vực chính thức (công cộng, đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp trong nước và hộ gia đình có đăng ký kinh doanh) chỉ tạo ra 28,1% công ăn việc làm, chỉ cao hơn của khu vực phi chính thức 4,4%! Khu vực phi chính thức tạo ra số công ăn việc làm (23,7%) cao hơn hẳn khu vực nhà nước, khu vực đầu tư nước ngoài, và khu vực doanh nghiệp trong nước cộng lại (20,3%). Cũng theo nghiên cứu đó, khu vực phi chính thức tạo ra 20% GDP của Việt Nam.
Đó là chưa nói đến nông nghiệp. Vì hầu hết các hộ sản xuất nông nghiệp không có đăng ký kinh doanh, như thế hầu hết lao động trong nông nghiệp cũng thuộc khu vực phi chính thức và số việc làm trong khu vực này chiếm khoảng 70%!
Người lao động trong khu vực phi chính thức chịu vô vàn thiệt thòi. Số các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam vẫn còn quá ít so với quy mô dân số và trong so sánh với số liệu khu vực cũng như quốc tế.
Để giảm quy mô của khu vực phi chính thức phải tạo mọi điều kiện dễ dàng để cho khu vực này chuyển thành chính thức (thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế phải đơn giản hơn rất nhiều và phải tạo ra những khuyến khích để các tổ chức phi chính thức có động lực để trở thành các tổ chức chính thức).
Có thể dễ dàng mở rộng ra cho các lĩnh vực khác ngoài kinh tế như các tổ chức xã hội. Các tổ chức có tư cách pháp nhân (có đăng ký) còn quá ít và số tổ chức không đăng ký cũng chưa nhiều. Thậm chí có những tổ chức được cho là tối quan trọng cũng chưa được đăng ký một cách chính thức, tức là thuộc khu vực phi chính thức.
Cải cách thể chế được nhắc đến rất nhiều đầu năm nay. Các tổ chức phi chính thức không phải là các tổ chức bất hợp pháp, chúng có vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước và tạo mọi điều kiện cho chúng trở thành các tổ chức chính thức (có đăng ký) phải là một mục tiêu hàng đầu của cải cách thể chế.
Nguyễn Quang A (Nguyễn Quang A)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.