Tính đa dụng giúp xe bán tải được ưu tiên về chính sách thuế, phí.
Theo Nghị định 20/2019 vừa được Chính phủ ban hành, kể từ ngày 1.4.2019, cách tính lệ phí trước bạ đối với mặt hàng ô tô bán tải (pick-up) và xe tải VAN sẽ thay đổi. Cụ thể, lệ phí trước bạ đối với 2 loại hình ô tô này sẽ được tính bằng 60% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi.
Như vậy, nếu các địa phương giữ nguyên tỷ lệ thu lệ phí trước bạ hiện hành đối với ô tô dưới 10 chỗ ngồi, lệ phí trước bạ áp dụng cho xe bán tải áp dụng tại Hà Nội sẽ ở mức 7,2% (60% của 12% giá xe); còn tại TP.HCM và các địa phương khác, lệ phí trước bạ xe bán tải sẽ ở mức 6% (60% của 10% giá xe).
Việc lệ phí trước bạ tăng lên từ 3-3,6 lần so với hiện nay, chi phí mà người tiêu dùng phải trả khi mua ô tô bán tải cũng sẽ tăng lên vài chục triệu đồng mỗi chiếc.
Thay đổi này được cho là sẽ tạo nên một bước ngoặt mới đẩy phân khúc ô tô bán tải Việt Nam vào con đường nhiều gập ghềnh, khó khăn hơn.
Trước khi Nghị định 20/2019 của Chính phủ có hiệu lực, các loại ô tô bán tải và tải VAN đã nhận được những ưu đãi đáng kể từ chính sách thuế.
Dựa trên quan điểm hỗ trợ người tiêu dùng, đặc biệt là các đối tượng có nhu cầu sử dụng xe vào mục đích sản xuất, kinh doanh, Chính phủ đã áp dụng tỷ lệ thu lệ phí trước bạ chỉ bằng 2% giá xe đối với loại hình phương tiện này. Đây cũng là cách làm mà một số nước, đơn cử như Thái Lan, áp dụng nhằm hỗ trợ người tiêu dùng.
Với việc được hưởng lợi từ mức lệ phí trước bạ thấp kèm theo chi phí đăng ký biển số cũng nhỏ hơn rất nhiều so với xe du lịch, thị trường ô tô bán tải Việt Nam đã rất phát triển trong thời gian qua.
Cùng với Ford Ranger và Toyota Hilux, Chevrolet Colorado đang được nhiều người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng.
Thống kê của Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, trong năm 2017, tổng dung lượng phân khúc xe bán tải đạt mức 24.331 chiếc. Đến năm 2018, mặc dù thị trường gần như “đóng băng” trong suốt giai đoạn nửa đầu năm song chỉ cần 6 tháng cuối năm, tổng sản lượng bán hàng ô tô bán tải cũng kịp đạt con số 18.491 chiếc, thấp hơn không đáng kể so với năm 2017.
Có lẽ chính vì tốc độ tăng trưởng nóng của phân khúc xe bán tải đã khiến các nhà làm chính sách phải “xét lại”.
Chính sách ưu đãi xe bán tải nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp là đúng. Nhưng thực tế lại cho thấy đa số ô tô bán tải chỉ được người tiêu dùng sử dụng để… chở người như một chiếc xe du lịch 5 chỗ ngồi thông thường.
“Anh chỉ phải đóng thuế và phí như xe tải nhưng anh lại sử dụng như xe du lịch. Điều này là bất công với những người tiêu dùng mua xe du lịch từ 5 chỗ ngồi trở xuống. Trong khi đó, xe bán tải lại có kích thước lớn hơn, chiếm diện tích giao thông nhiều hơn. Vì vậy, xe bán tải không nên tiếp tục được ưu đãi quá nhiều”, một chuyên gia nêu quan điểm khi Bộ Tài chính tiến hành lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị định 20 hồi giữa năm ngoái.
Cũng có một số quan điểm cho rằng, việc điều chỉnh cách tính lệ phí trước bạ vẫn còn nhiều ưu đãi đối với ô tô bán tải. Bởi thực tế, lệ phí trước bạ xe bán tải dù tăng song vẫn chỉ bằng 60% so với ô tô du lịch.
Bối cảnh này cho ra dự báo thị trường ô tô bán tải giai đoạn nửa cuối năm nay sẽ giảm đáng kể so với trước đây. Sự suy giảm của ô tô bán tải cũng sẽ kéo theo sự suy giảm chung của kim ngạch nhập khẩu ô tô. Bởi hiện nay, toàn bộ các loại ô tô bán tải đều được nhập khẩu nguyên chiếc thay vì lắp ráp trong nước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.