Phía sau chiếc điện thoại

Thứ bảy, ngày 20/05/2017 07:50 AM (GMT+7)
Ai mua “điện thoại – laptop – mắm muối – thuốc tây – vé số – sữa tươi…” hông?
Bình luận 0

Nếu các nhà bán lẻ như Thế Giới Di Động, FPT Retail (tên quen gọi là FPT Shop) buộc nhân viên rao hàng như các bà bán hàng rong trên đường phố Sài Gòn, thì phải rao như vậy mới đủ những mặt hàng mà các kênh bán lẻ này đang và sẽ bán trong vài tháng tới!

img

Bách hóa Xanh được kỳ vọng gánh vác doanh thu Thế Giới Di Động trong 2 – 3 năm nữa.

Có vẻ như con số tăng trưởng 10%, doanh thu chừng 6 tỉ USD vẫn chưa làm các nhà bán lẻ này hài lòng với nhóm hàng kỹ thuật số, khiến họ lấn sân sang các mặt hàng khác như thực phẩm, tân dược, thậm chí còn là vé số.

Mình thích thì mình bán thôi!

Ông Nguyễn Đức Tài, chủ tịch hội đồng quản trị Thế Giới Di Động đã trả lời đại ý như vậy khi Thế Giới Tiếp Thị đặt câu hỏi: “Sau hơn một năm mở rộng lĩnh vực kinh doanh, từ ngành hàng kỹ thuật số sang thực phẩm, Thế Giới Di Động có tự tin về hướng lựa chọn mới của mình?” Ông Tài cho biết rằng cũng tìm hiểu thị trường, nhưng với mô hình mới thì “không có nhiều kiến thức”, làm “sai tới đâu, sửa tới đó”. “Cửa hàng nào có lãi thì duy trì, chỗ nào lỗ trong vòng ba tháng sẽ đóng cửa, tìm chỗ mới”.

Năm 2016, hệ thống Bách hoá Xanh (chuyên kinh doanh nhóm hàng tiêu dùng nhanh) có doanh thu 260 tỉ đồng, theo ông Tài, vậy mà hiện vẫn còn lỗ. Mục tiêu năm nay là 2.500 tỉ đồng với 350 cửa hàng tại hai quận Bình Tân và Tân Phú (TP.HCM). Cũng theo ông Tài, “muốn Bách hoá Xanh tham gia cuộc chơi lớn” (được hiểu là mở rộng hệ thống) phải bắt đầu vào giữa năm 2018”.

Cũng theo quan điểm kinh doanh “thích thì bán”, cách đây hơn hai tháng, Thế Giới Di Động đã chọn năm siêu thị lớn (không tiết lộ địa chỉ) của hệ thống thegioididong.com bán vé số Vietlott. Ông Trần Kinh Doanh, tổng giám đốc Thế Giới Di Động, cho biết, việc bán vé số chỉ là hình thức thăm dò thị trường và khách hàng trước khi quyết định chính thức có hay không kinh doanh mặt hàng này. Điều đáng lưu ý, trong vòng một tháng trở lại đây, câu chuyện kinh doanh vé số Vietlott đã tạm lắng trong những câu chuyện kinh doanh có liên quan đến Thế Giới Di Động.

Trong đại hội cổ đông thường niên năm 2017, Thế Giới Di Động có đưa câu chuyện chi nguồn vốn không quá 500 tỉ đồng để “thực hiện mua lại các doanh nghiệp bán lẻ cùng ngành hoặc khác ngành”. Thông tin này được ông Tài minh hoạ bằng câu chuyện về mô hình bán lẻ thuốc tây đã làm dư luận “dậy sóng” đồn đoán rằng, Thế Giới Di Động dùng nguồn tiền trên để phát triển ngành nghề mới là bán lẻ thuốc tây! Dù chưa có xác tín từ những người có trách nhiệm của Thế Giới Di Động nhưng bên ngoài cánh cửa nhà bán lẻ này, có nguồn tin nói với Thế Giới Tiếp Thị: “Thế Giới Di Động đang đàm phán mua lại chuỗi kinh doanh tân dược của Pharmacity”.

Đói… “đầu gối phải bò”!

Không chỉ có Thế Giới Di Động mà nhiều nhà bán lẻ, phân phối ngành hàng kỹ thuật số như FPT Shop, DigiWorld (DGW)… đã và sẽ nhảy vào kinh doanh nhiều mặt hàng “trái tay”.

Tháng 10.2016, FPT Shop chính thức công khai mối hợp tác với Vinamilk xây dựng chuỗi bán lẻ các sản phẩm sữa. Mô hình này hình thành dựa trên kinh nghiệm bán lẻ của FPT Shop và các sản phẩm sữa cùng với hệ thống kho vận của Vinamilk. Bà Nguyễn Bạch Điệp, tổng giám đốc FPT Shop, xác nhận, mô hình liên doanh hoạt động có hiệu quả nhưng muốn mở rộng chuỗi nhanh hơn, “hai bên còn nhiều chuyện, từ phần cứng đến phần mềm, cần phải bàn bạc, thống nhất theo hướng nhường nhịn nhau mới tính đến chuyện mở rộng hệ thống”. Hiện mô hình này có 25 điểm bán trên toàn quốc. Tiết lộ riêng với Thế Giới Tiếp Thị, bà Điệp hé mở “đang tìm hiểu nhiều mô hình bán lẻ mới với các đối tác trong và ngoài nước”. “Đang tìm hiểu thị trường, cung cách kinh doanh nên chưa thể nói được là sẽ mở rộng kinh doanh ngành hàng nào, nhưng chắc chắn FPT Shop sẽ kinh doanh những mặt hàng trái tay. Đói nên đầu gối phải bò”, bà Điệp nói.

Dù là một nhà phân phối ngành hàng kỹ thuật số, từ laptop, máy in, máy tính để bàn… vài chục năm nay, nhưng đã đến lúc DGW tìm thêm những ngành hàng mới để gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. Tại đại hội cổ đông thường niên vừa được tổ chức vào cuối tháng 4.2017, DGW chính thức thông báo sẽ mở rộng ngành nghề kinh doanh mới là các sản phẩm thực phẩm chức năng! Ông Đoàn Hồng Việt, chủ tịch hội đồng quản trị, kiêm tổng giám đốc DGW, không cho biết thời điểm nào sẽ kinh doanh ngành hàng mới nhưng trong kế hoạch năm 2017, DGW đặt ra mức kỳ vọng của phân phối thực phẩm chức năng sẽ đóng góp 80 tỉ đồng trong doanh thu năm nay.

Vĩ thanh

Trò chuyện với Thế Giới Tiếp Thị, ông Doanh nói rằng, những lời đồn đoán về ngành nghề mới như bán vé số, bán lẻ tân dược… chỉ là những cách hiểu của dư luận. Ông Doanh giải thích, việc hợp tác ban đầu với Vietlott chỉ có mục đích là lôi kéo khách hàng đến với các chuỗi bán lẻ, nhưng sau khi đi sâu vào tờ vé số mới thấy quá nhiều điều phức tạp. “Tôi không quan tâm đến tờ vé số cũng như câu chuyện bán lẻ thuốc tây. Điều níu kéo mối quan tâm của tôi nhiều nhất là Điện máy Xanh và Bách hoá Xanh. Hiện nay, Điện máy Xanh đang có sức tăng trưởng tốt, ít nhất cho đến hết năm 2018. Dù còn lỗ nhưng 2 – 3 năm nữa, Bách hoá Xanh sẽ gánh vác trọng trách doanh thu cho Thế Giới Di Động”.

Bà Điệp thừa nhận rằng, có năng lực bán lẻ nhưng chỉ áp dụng cho ngành hàng kỹ thuật số. “Lâu nay mình quen tư duy của kinh doanh sản phẩm số, giờ chuyển qua ngành hàng mới phải đi học lại từ abc… Có những điều mình nghĩ vậy là đúng nhưng khi vận dụng vào từng mặt hàng, lại thấy quá phức tạp. Đừng nghĩ rằng cứ có kinh nghiệm bán lẻ thì bán cái gì cũng được”.

Trọng Hiền (Thế Giới Tiếp Thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem