Chuyện ở Phương Mỹ
Thời điểm lũ lên cao, từ đường mòn Hồ Chí Minh vào xã Phương Mỹ (huyện Hương Khê) chỉ có một phương tiện duy nhất là thuyền máy. Chỉ 10km thôi, nhưng chúng tôi phải đi mất gần 2 tiếng đồng hồ. Trên chiếc thuyền chở đầy gạo, áo quần của bạn đọc gửi tới vùng rốn lũ, cả đoàn ai cũng bàng hoàng, xót xa trước cảnh lũ lụt tàn phá làng quê.
Cả một biển nước đục ngầu gần như nhấn chìm mọi thứ. Những bụi tre cao vài chục mét chỉ còn lấp ló ngọn. Những cây cột điện bị nước nhấn sâu, chỉ còn những chiếc dây lõng thõng treo trên mặt nước. Những con chim chèo bẻo ngả nghiêng trên biển nước tìm chỗ trú, đôi con rơi xuống dòng nước đục ngầu bởi đỗ lên cành cây chỉ còn nhú lên chiếc lá… Chúng vỗ cánh bì bõm trong làn nước đục, rồi trồi dần theo sóng ra xa. Rồi kia nữa, những ngôi nhà chỉ còn mỗi nóc đang bị sóng đánh ngả nghiêng.
Đại diện Báo Nông Thôn Ngày Nay trao hàng cứu trợ tặng người dân 2 xã Phương Mỹ và Phương Điền (Hương Khê, Hà Tĩnh) chiều 17.10.
Cảnh tượng những ngôi nhà ở Phương Mỹ còn thê lương hơn thế. Toàn xã có đến 239 hộ bị ngập quá nửa nhà, dân chỉ biết trèo lên nóc, chạn để trốn lũ. Toàn bộ tài sản gần như chìm trong lũ. Trâu bò, lợn gà hầu như mất sạch, chết sạch.
Nhưng dù thiệt hại, mất mát như thế, chúng tôi vẫn thấy rõ tình người dân vùng lũ. Tại trụ sở UBND xã Phương Mỹ - nơi cao ráo nhất của toàn xã, cũng ngập đến 2m, thời điểm chúng tôi đến, rất đông người dân đến nhận hàng cứu trợ. 2-3 nhà lại trên một chiếc thuyền đến. Giữa đám đông ấy, chúng tôi thấy toát lên một sự trật tự, ngăn nắp đến lạ lùng. Bí thư Đảng ủy xã nói, cả tuần nay bà con hầu như chỉ ăn mì tôm cầm hơi, ai cũng đói nhưng các anh an tâm, ai được quà sẽ nhận, còn không sẽ thôi. Không có chuyên “này nọ” đâu.
Chị Nguyễn Thị Liên (làng Đồn Điền, xã Phương Điền, Hương Khê, Hà Tĩnh) kể về chuyện dân trong xóm giúp tìm lại được trâu. Ảnh: H.A
Huyện Hương Sơn bị thiệt hại nhẹ hơn, vì vậy xin dành cứu trợ cho vùng ngập nặng trước để dân vùng tâm lũ sớm ổn định cuộc sống, nếu còn quà người dân Hương Sơn xin nhận sau”.
Võ Văn Phúc -
Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn
|
Quả đúng như thế. Cả đoàn thuyền vây quanh thuyền chở hàng của chúng tôi nhưng không ai vượt lên, chen lấn cả. Cứ tuần tự từng thuyền vào nhận hàng. Bà Minh (65 tuổi), nhận được 2 bao gạo của đoàn đã trả lại 1 bao, bởi bà nói tiêu chuẩn được 1 thì nhận 1, cái kia các anh phát thừa, trả lại để đưa cho người khác. “Gạo bây giờ là vàng, nhưng còn nhiều người lắm các chú ạ…”- bà Minh nói.
Nghe đến đó, nhiều thành viên trong đoàn như nghẹn lại. Còn nhớ trước đó, chúng tôi biết xã có 239 hộ cần cứu trợ nhưng đã đem dư thêm 15 suất, nhỡ ai đó lấy thêm phần. Kết thúc buổi trao quà, trên thuyền vẫn còn 15 suất dự phòng…
Tình người nơi rốn lũ
Sau 6 năm, Hà Tĩnh lại phải đối mặt với trận lũ dữ, mực nước xấp xỉ đỉnh lũ lịch sử năm 2010. Trong tình cảnh nhà ngập, thiệt hại đủ đường, nhưng người dân vùng tâm lũ vẫn nhường nhịn, san sẻ nhau từng gói mỳ tôm, chai nước hết sức cảm động.
Sau nhiều đêm thức trắng “canh lũ”, đôi mắt ông Ngô Đức Ninh ở xóm 6, xã Phương Điền, huyện Hương Khê sâu hoắm, ông kể: “Nước lũ về nhanh, nhưng rất may gia đình tôi đông người (7 nhân) nên thu dọn đồ đạc lên chạn nhà kịp, còn gà vịt đưa lên bè nổi nên không bị lũ cuốn trôi. Hôm nay rất nhiều đoàn cứu trợ đi thuyền đến chia sẻ với người dân như thế này, tôi rất cảm động”.
Ông Ninh vừa nói vừa chỉ sang nhà bà Nguyễn Thị Hòa bên mé sông nước đục ngầu ngập đến tận mái tranh: “Đoàn hỗ trợ mì tôm và các nhu yếu phẩm tôi xin nhận, còn nếu có hỗ trợ tiền xin chia sẻ cho trường hợp của bà Hòa vì gia đình hoàn cảnh lắm-bà đơn thân sống một mình, trận lũ vừa rồi trôi cả đàn gà, nếu không có chiếc xuồng nhỏ vừa mua 1 triệu bạc chắc người cũng bị lũ cuốn rồi”.
Trong lũ dữ, chúng tôi còn ghi nhận được câu chuyện cảm động của người dân làng Đồn Điền, xã Phương Điền (ngôi làng này sau 5 ngày mưa lũ vẫn còn cô lập). Sau 3 ngày hai con trâu - tài sản quý giá nhất của vợ chồng anh Nguyễn Văn Mạnh và chị Nguyễn Thị Liên bị lũ cuốn trôi vẫn chưa có tung tích gì. Cũng chừng đó thời gian, vợ chồng chị Liên chèo thuyền khắp xã tìm kiếm. Trước tình cảnh này cả xóm 18 hộ dân cắt cử người dùng thuyền lục tìm khắp các ngõ ngách và tìm thấy con trâu mẹ mắc kẹt trong khóm tre giữa dòng nước lũ nên được cứu, tuy nhiên đến nay số phận con trâu còn lại vẫn chưa biết thế nào.
Theo thống kê của Ban chỉ huy Phòng chống bão lụt, thiên tai tỉnh Hà Tĩnh, tất cả 13/13 huyện, thị của tỉnh đều chịu ảnh hưởng của trận lũ dữ, hiện nay các địa phương đang căng mình khắc phục hậu quả. Nghe tin huyện Hương Sơn cũng bị lũ ngập, PV NTNN/Dân Việt đã liên lạc qua lãnh đạo huyện để nắm số liệu thiệt hại để Báo đến chia sẻ và trao quà tại các địa phương.
Qua trao đổi, ông Võ Văn Phúc - Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn chia sẻ: “Rất cảm ơn tấm lòng của Báo NTNN/Dân Việt đã kịp thời về Hà Tĩnh tặng quà bà con vùng lũ. Trận lũ vừa qua ở huyện Hương Sơn cũng có nhiều xã bị ngập, hoa màu, tài sản bị hư hỏng. Tuy nhiên so với các vùng tâm lũ như huyện Hương Khê, Vũ Quang… ở huyện Hương Sơn bị thiệt hại nhẹ hơn, vì vậy xin dành cứu trợ cho vùng ngập nặng trước để dân vùng tâm lũ sớm ổn định cuộc sống, nếu còn quà người dân Hương Sơn xin nhận sau”.
Những ngày ở Hương Khê là những ngày chúng tôi chứng kiến cảnh những đoàn xe cứu trợ từ khắp nơi đổ về ủng hộ đồng bào. Ai cũng xắn tay để đưa các loại hàng hóa này đến với dân. Mỗi kg gạo, một chai nước chuyển xuống thuyền, trên khuôn mặt ai cũng bừng sáng niềm vui…
Báo NTNN/Dân Việt nhận hơn 4 tỷ đồng ủng hộ miền Trung
Tính đến 14 giờ ngày 21.10, Báo NTNN/Dân Việt nhận được số lượng hàng và tiền mặt trị giá hơn 4 tỷ đồng từ bạn đọc ủng hộ đồng bào lũ lụt ở miền Trung.
Theo đó, tổng số hàng hóa quy tiền khoảng 3,685 tỷ đồng và 534,470 triệu đồng. Cụ thể, số lượng hàng hóa cứu trợ gồm: 26,525 tấn gạo, 2.324 thùng mì tôm, 18.282 chai nước sạch đóng chai (1,5 và 5 lít), quần áo mới: 4.404 bộ, 300 bộ xoong nồi mới, 100 thùng nước mắm, 100 thùng dầu ăn, 50 thùng bột canh, 504 hộp mắm tép chưng thịt, 305 thùng sữa, 500 bánh mì ruốc, 504 hộp kem đánh răng, 504 bàn chải đánh răng, 300 thùng sữa tắm, 40 thùng lương khô, 60 chiếc màn, 500 cuốn vở học sinh, 600 suất thuốc (đi ngoài, nước muối, ngoài da…).
Trong những ngày tới, Báo tiếp tục tổ chức các chương trình cứu trợ bà con vùng lũ tại 3 huyện Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang (tỉnh Hà Tĩnh). Đồng thời, Báo sẽ triển khai chương trình hỗ trợ cây, con giống cho bà con tại Quảng Bình và Quảng Trị. Trước đó, trong 3 ngày 16, 17 và 18.10, Báo đã tổ chức chương trình cứu trợ khẩn cấp tại xã Phương Điền, Phương Mỹ, Phúc Đồng (Hương Khê, Hà Tĩnh). Tại Hương Khê Báo đã trao với 340 suất quà, với tổng trị giá 500 triệu đồng. Ngày 19 và 20.10, tại Quảng Bình báo đã trao 55 suất quà (có tiền mặt), mỗi suất trị giá 1.300.000 đồng. Tặng riêng gia đình có bé gái bị cuốn trôi trong lũ quét 1 suất quà và 1 triệu đồng. Tổng trị giá chương trình là 75 triệu đồng.
Ban Bạn đọc
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.