Phía sau nghề dọn vệ sinh, thông cống, ngủ dưới gầm cầu

Thùy Anh Thứ bảy, ngày 14/04/2018 19:00 PM (GMT+7)
Bất chấp trời nắng như đổ lửa hay rét cắt da cắt thịt, những công nhân vệ sinh, thông cống vẫn miệt mài làm việc. Công việc vất vả khiến họ mắc nhiều bệnh như đau lưng, đau khớp, viêm đường hô hấp...
Bình luận 0

Ngủ dưới gầm cầu

Hơn 10 giờ sáng, dưới cái nắng đầu mùa, cạnh gầm cầu  vượt ở Đại lộ Thăng Long đoạn giao cắt đường Lê Quang Đạo  (Hà Nội), hơn chục lao động đang hì hụi quét dọn, thông cống.

img

Ông Dũng hì hụi múc từng xẻng bùn đất lên để thông cống. Ảnh: Minh Nguyệt

"Mong ước lớn nhất của tôi lúc này là nhanh nhanh tới ngày được nghỉ hưu. Tuổi này già thì chưa phải nhưng dãi nắng dầm mưa mãi sức khoẻ cũng yếu, suốt ngày đau lưng, đau xương khớp. Tôi chỉ mong được nghỉ hưu để về nhà mở quán trà đá hay sửa xe sống qua ngày”.

Ông Nguyễn Văn Dũng,
52 tuổi, công nhân Xí nghiệp Thoát nước Hà Nội

Chị Đỗ Thị Lan, 33 tuổi (ở Thanh Trì, Hà Nội), công nhân Xí nghiệp Thoát nước Hà Nội tháo chiếc khăn bịt mặt để nghỉ giải lao, gương mặt đẫm mồ hôi. Chị Lan cho biết, công việc của những công nhân vệ sinh cống ngày nào cũng như ngày nào, mưa cũng như nắng đều phải phơi mặt ra đường, địa bàn làm việc rộng, có hôm đi hết 20-30km mới đến địa điểm làm việc.

“Hầu hết các công nhân cầu đường, quét rác như chúng tôi đều mắc bệnh. Không đau lưng, đau khớp thì cũng viêm da, viêm đường hô hấp. Nhiều người lúc về hưu mang cả chục thứ bệnh trong người” – chị Lan tâm sự. Công việc vất vả nhưng gần đây chế độ lương bổng, phụ cấp dành cho lao động làm công việc đặc thù này lại giảm so với trước. Chị Lan cho hay, ngày mưa đi móc cống thoát nước người ướt sũng, ngày nắng có khi ngất xỉu vì hít phải khí độc… Mỗi công nhân chỉ được thêm hơn 100.000 đồng/tháng tiền phụ cấp độc hại.

Kết thúc thời gian nghỉ giải lao ít ỏi, ông Nguyễn Văn Dũng, 52 tuổi (Đội 6, Tổ cống ngang, Xí nghiệp Thoát nước Hà Nội) dùng xẻng thoăn thoắt múc bùn đất cho vào xe rác. Nhìn có vẻ nhẹ nhàng nhưng mỗi một xẻng bùn đất nặng khoảng 5kg, nếu là người không có sức khoẻ, kỹ thuật thì không thể vừa móc, vừa xúc liên tục như vậy.

Nạo vét xong 7 chiếc cống dọc tuyến đường Lê Quang Đạo cũng tới giờ nghỉ trưa. Quét đoạn vỉa hè bên dưới gầm cầu, các công nhân trải tạm tấm

nylon làm chỗ nghỉ ngơi và ăn cơm, bất chấp cạnh đó là mùi xú uế từ rác, bùn.

“Chuyện nằm bờ nằm bụi, ăn cơm giữa trời mưa, trời nắng là chuyện bình thường với chúng tôi. Đi làm xa nhà, nhiều nơi chẳng có quán cơm bụi nên hầu hết chị em chúng tôi đều mang cơm đi ăn. Nhiều lúc muốn vào quán ăn một bát bún hay bữa cơm cho đàng hoàng nhưng ăn vậy đắt lắm, tiền lương không đủ tiền ăn thì lấy gì mà nuôi con” – chị Lan than thở. Sau khi chồng mất, chị Lan phải gồng gánh nuôi 2 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học nên phải tiết kiệm, chi tiêu chắt bóp.

Ước được nghỉ hưu sớm

img

Giấc ngủ trưa trên tấm nylon quấn vải mỏng của nhóm công nhân. Ảnh: Minh Nguyệt

Giống như những công nhân làm cống ngang, những công nhân dọn vệ sinh thường xuyên phải làm việc trong môi trường độc hại, cực nhọc.

Chị Đặng Thu Hiền, 45 tuổi (ở Tứ Liên, Hà Nội), công nhân vệ sinh môi trường của quận Tây Hồ dùng hết sức lực bốc đống rác thải nặng tới cả tạ ở chợ Quảng Bá. Chị Hiền cho biết, nhiều hôm làm xong người kiệt sức, chẳng thiết ăn uống gì, mấy chị em nằm kềnh trên sạp hàng bỏ không trong chợ.

“Có đợt nắng nóng rồi gặp mưa nên cứ làm 3-4 ngày lại nghỉ ốm 1-2 ngày. Một số chị em tuổi cao, không đủ sức khoẻ còn phải thuê người làm hộ rồi lấy lương trả tiền. Nhiều khi tiền lương chẳng đủ tiền khám bệnh, mua thuốc và thuê người” – chị Hiền nói. Chị Hiền rất muốn được chuyển nghề, nhưng theo chị, chuyển nghề gì giờ cũng khó vì chị không có chuyên môn gì khác, vả lại tuổi đã cao.

Cách đó khoảng 5km, ông Nguyễn Văn Tình, 52 tuổi (ở Hoàng Mai, Hà Nội), công nhân dọn vệ sinh ở phường Thụy Khuê cho biết, dù được làm việc ở một điểm đẹp, ít vất vả hơn vì không có nhiều rác như ở chợ Quảng Bá, nhưng công việc ngoài trời ảnh hưởng nhiều tới sức khoẻ của ông.

“Nhà xa, hôm nào tôi cũng mang cơm đi ăn. Ăn xong tranh thủ làm cốc trà đá rồi mượn tạm ghế đá trong công viên ngả lưng. Dù sao ngày nắng cũng có bóng cây trú chân, còn ngày mưa thì chẳng có nơi mà nương thân, toàn phải ngồi nhờ các mái hiên ở vỉa hè” – ông Tình chia sẻ.

Ông Tình tâm sự, nhiều hôm đi làm về vợ con thấy ông mệt quá, khuyên ông bỏ làm công nhân, làm xe ôm hay công việc gì đó nhẹ nhàng hơn. “Tôi nghĩ mình đã vất vả bao năm rồi, giờ còn có 1-2 năm nữa về hưu nên lại cố gắng. Sắp tới nghỉ hưu tôi sẽ ở nhà phụ vợ bán hàng” – ông Tình nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem