Bị cáo Trịnh Xuân Thanh. (Ảnh: TTXVN)
Người bị án chung thân xin xét xử vắng mặt
Sáng 24.1, ngay ở phần thủ tục phiên tòa, 1/8 bị cáo có đơn xin xét xử vắng mặt vì lý do sức khỏe. Đó là bị cáo Lê Hòa Bình - nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Minh Ngân và Công ty cổ phần xây dựng và dịch vụ 1/5.
Đáng chú ý là bị cáo vào tháng 3.2017, bị cáo Lê Hòa Bình từng bị Tòa phúc thẩm TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên phạt tù chung thân vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. HĐXX đã chấp nhận việc bị cáo Lê Hòa Bình xin xét xử vắng mặt.
Luật sư không muốn tòa làm việc muộn
Cũng trong sáng 24.1, tại phần thủ tục phiên tòa, luật sư Lê Văn Thiệp (bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh) có đề nghị nghe rất lạ. Ông đề nghị HĐXX làm việc theo đúng quy định của giờ hành chính, tránh trường hợp làm việc muộn như tại phiên tòa xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm trước đó (sáng 8h, chiều thường kết thúc lúc 18h hoặc 18h30) để đảm bảo.
Bị cáo đề nghị được hỏi lại đại diện Viện Kiểm sát
Ngày 25.1, trước khi tòa kết thúc phần xét hỏi, bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã đưa ra đề nghị rất kỳ quặc, đó là được hỏi lại đại diện Viện Kiểm sát. Đề nghị này không được HĐXX đồng ý, bị cáo Trịnh Xuân Thanh lại đề nghị được hỏi các bị cáo khác.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh hỏi bị cáo Thái Kiều Hương (nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Vietsan): "Chị có mối quan hệ gì với tôi và có bàn bạc gì với tôi về số tiền 14 tỷ đồng không?". Bị cáo Hương đáp: Không có quan hệ gì và số tiền 14 tỷ đồng là do ông Đặng Sỹ Hùng (nguyên Trưởng phòng Kinh doanh PVP Land) nhờ chuyển.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh đề nghị được hỏi bị cáo Đinh Mạnh Thắng: "Liên quan đến số tiền 14 tỷ đồng, tôi có chỉ đạo gì anh Thắng đưa 14 tỷ cho tôi không?". Bị cáo Thắng trả lời: "Cái này anh Thanh không chỉ đạo gì. Anh Thanh và tôi không bàn bạc gì, đều do chị Thái Kiều Hương nhờ".
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh tiếp tục hỏi bị cáo Nguyễn Ngọc Sinh (nguyên Tổng giám đốc PVP Land): Nếu bị cáo chỉ đạo người đại diện phần vốn, có phải thông qua người nào không, có phải xin ý kiến qua chị Thái Kiều Hương, anh Thắng không? Bị cáo Sinh đáp: Vấn đề liên quan đến thoái vốn, bị cáo trực tiếp báo cáo anh Thanh chứ không cần qua người khác.
Người chiếm đoạt nhiều tiền nhất đã qua đời
Theo đại diện Viện Kiểm sát, quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Thị Kim Thoa thừa nhận: Theo chỉ đạo của Lê Hòa Bình, Thoa đã thực hiện rút tiền từ ngân hàng để chuyển cho Đào Duy Phong 10 tỷ đồng, Đặng Sỹ Hùng 20 tỷ đồng, chuyển cho Công ty CP đầu tư Vietsan 19 tỷ đồng để Thái Kiều Hương chuyển cho Trịnh Xuân Thanh 14 tỷ đồng và Đinh Mạnh Thắng 5 tỷ đồng. Nhưng khi thực hiện việc chuyển tiền này, Thoa mới biết số tiền trên là tiền chênh lệch giá trong việc ký Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 66/2010/PVPL-MN ngày 2.4.2010 với PVP Land, được ký với giá thấp hơn để chuyển số tiền chênh lệch cho một số cá nhân tại PVP Land.
Như vậy trong số 49 tỷ đồng các bị cáo đã chiếm đoạt thì Đặng Sỹ Hùng (nguyên Trưởng phòng Kinh doanh PVP Land) chiếm đoạt nhiều nhất (20 tỷ đồng), tiếp đến là Trịnh Xuân Thanh 14 tỷ đồng. Tuy nhiên trong quá trình điều tra, Đặng Sỹ Hùng đã qua đời nên Viện Kiểm sát đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án đối với người này.
Đáng chú ý là gia đình của Đặng Sỹ Hùng đã nộp khắc phục hơn 13,4 tỷ đồng. Tài liệu điều tra thể hiện sau khi chết Đặng Sỹ Hùng không có tài sản riêng.
Căng thăng giữa luật sư của Trịnh Xuân Thanh và HĐXX
Trong phần luật sư (LS) tham gia xét hỏi, giữa LS Nguyễn Văn Quynh (bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh) và HĐXX đã có căng thẳng. HĐXX đã ngắt lời LS Quynh khi ông đang hỏi một bị cáo vì cho rằng nội dung hỏi không phù hợp. LS Quynh tỏ ra bức xúc, ông nói HĐXX cần tôn trọng LS. Sau phần “đôi co” với HĐXX, khi quay lại phần xét hỏi LS Quynh nói do bị ngắt lời nên giờ ông đã quên và không biết hỏi gì.
Trong phần tranh luận giữa LS Quynh và HĐXX tiếp tục căng thẳng. Khi LS Quynh đọc các bút lục có trong hồ sơ vụ án đã bị HĐXX yêu cầu dừng lại vì lý do không liên quan đến phạm vi xét xử. LS Quynh phản ứng gay gắt. Ông nói bút lục được nêu ra là rất quan trọng. Sau những câu tranh cãi, vị chủ tọa phiên tòa đã nhấn mạnh, nếu LS không tuân theo sự điều khiển của chủ tọa thì mời LS ra ngoài.
LS Quynh vẫn tỏ ra gay gắt, ông đã đề nghị đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa nêu ý kiến về việc kiểm sát xét xử.
Sáng 28.1, phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm đã được HĐXX cho tạm dừng để xác minh nguồn tiền để đảm bảo cho việc xử lý về phần xử lý dân sự.
Trong vụ án này có 8 bị cáo, tất cả cùng bị truy tố Tham ô tài sản, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị mức án như sau:
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC) bị đề nghị mức án chung thân.
Bị cáo Đào Duy Phong (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam - PVP Land) mức án từ 17 - 18 năm.
Bị cáo Nguyễn Ngọc Sinh (nguyên Tổng giám đốc PVP Land) mức án từ 14 - 15 năm.
Bị cáo Đinh Mạnh Thắng (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại Dầu khí Sông Đà) mức án 11 - 12 năm.
Bị cáo Thái Kiều Hương (nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Vietsan) mức án 11 - 12 năm.
Bị cáo Lê Hòa Bình (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xây dựng và dịch vụ 1.5 và Công ty cổ phần Minh Ngân) bị đề nghị mức án 9 - 10 năm.
Bị cáo Nguyễn Thị Kim Thoa (nguyên Kế toán trưởng Công ty cổ phần Xây dựng và dịch vụ 1.5 và Công ty cổ phần Minh Ngân) mức án 8 - 9 năm.
Bị cáo Huỳnh Nguyễn Quốc Duy (kinh doanh tự do) bị đề nghị mức 11 - 12 năm.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.