Philippines ngừng nhập gạo: Đòn gió, không lo

Thứ tư, ngày 04/04/2012 15:47 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Theo phân tích của các chuyên gia, việc Philippines tuyên bố từ năm 2013 không nhập khẩu gạo là không đáng tin. Nước này chắc chắn vẫn phải nhập khẩu gạo, trong đó có gạo của Việt Nam.
Bình luận 0

Philippines sẽ chủ động lương thực?

Theo ông Tony Fleta - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines, hiện nước này đã hoàn thành 80% chỉ tiêu dự trữ gạo và có thể sẽ tự cung, tự cấp lương thực vào cuối năm 2013. Cũng theo ông Fleta, Bộ Nông nghiệp nước này đã yêu cầu xây dựng thêm nhiều kênh mương thủy lợi trên phạm vi toàn quốc để tạo điều kiện cho nông dân gieo cấy và thu hoạch lúa ít nhất 3 vụ/năm.

img
Doanh nghiệp không quá lo ngại về thông tin Philippines ngừng nhập khẩu gạo.

Ngoài ra, nước này cũng sẽ thúc đẩy các ngân hàng cho nông dân vay tiền mua lúa giống. Mục tiêu mà Philippines đặt ra là, cung ứng đủ nước tưới cho 290.000ha lúa trong năm 2013. Ngoài ra, Chính phủ nước này cũng đẩy mạnh cung cấp các thiết bị sau thu hoạch như máy tuốt, máy sấy, máy xay xát để nông dân có thể tiếp tục trồng và thu hoạch lúa ngay cả trong mùa mưa.

Nhận định về thông tin này, chuyên gia lúa gạo Nguyễn Đình Bích (Viện Nghiên cứu Thương mại) cho rằng: “Họ tuyên bố như vậy thôi, chứ thực chất chưa thể ngừng nhập khẩu gạo ngay được. Bởi việc sản xuất, cung ứng phải có thời gian mới làm được, chứ không phải cứ muốn là có gạo ngay”.

Theo ông Bích, thực tế hồi đầu năm, Philippines thông báo chỉ nhập khẩu 500.000 tấn, song gần đây lại cho biết sẽ mở thầu nhập khẩu thêm 380.000 tấn nữa, điều đó chứng tỏ họ vẫn chưa chủ động được việc cung ứng lương thực cho mình.

“Muốn biết thực hư của chuyện này như thế nào, chúng ta phải yêu cầu các tùy viên thương mại của mình ở Philippines đi thăm tận đồng của họ, chứ mới chỉ dựa trên tuyên bố của Bộ Nông nghiệp Philippines chúng ta không thể kiểm chứng chính xác được” - ông Bích nhận định.

Không đáng lo

Dù đã cố gắng chủ động nguồn lúa gạo, song hiện Philippines vẫn đang là nước nhập khẩu gạo nhiều nhất thế giới. Năm 2010, nước này đã phải nhập khẩu 2,45 triệu tấn gạo. Năm 2011, mặc dù thông báo giảm lượng nhập khẩu xuống còn 860.000 tấn, song trên thực tế, Philippines vẫn phải nhập khẩu tới trên 1 triệu tấn, trong đó có trên 975.000 tấn của Việt Nam với tổng giá trị hơn 476 triệu USD.

Ông Phạm Quang Diệu- Kinh tế trưởng Công ty Phân tích thị trường Agro Monitor cho biết: “Thực ra, Philippines đã nói tự chủ lương thực từ mấy năm nay rồi, nhưng rất khó thực hiện. Việc chuyển từ một nước nhập khẩu gạo hàng triệu tấn sang tự chủ cần rất nhiều thời gian”. Theo ông Diệu, sản xuất lúa gạo không hề đơn giản như Indonesia trước đây cũng từng muốn chủ động sản xuất lương thực, song từ năm 2010, họ đã phải quay trở lại nhập khẩu và hiện đã trở thành thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam.

Từ năm 2009 - 2011, tổng sản lượng nhập khẩu gạo từ Việt Nam của Philippines luôn đạt trên 900.000 tấn. Song từ năm 2010, Philippines đã giảm lượng nhập khẩu gạo từ nước ta và Indonesia đã thay thế trở thành thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất hiện nay.

Trong tình huống Philippines ngừng nhập khẩu gạo thực sự, ông Diệu cho rằng, điều này vẫn không đáng lo ngại, bởi nếu cần thiết, chúng ta có thể chuyển sang các thị trường thương mại khác.

Về phía Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trao đổi với NTNN, cơ quan này cho biết hiện vẫn chưa nhận được thông báo chính thức từ phía Philippines, còn các hợp đồng xuất khẩu năm 2012 vẫn đang triển khai bình thường.

Còn ông Trang Hiếu Dũng- Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NNPTNT) cho biết: “Chúng tôi chưa có thông tin về việc này, song nếu có cũng phải xem họ bỏ hợp đồng nhập khẩu nào, có thể họ chỉ bỏ hợp đồng Chính phủ tập trung. Còn hợp đồng thương mại giữa các doanh nghiệp với nhau, họ vẫn cho ký bình thường. Do đó, đến thời điểm này chiến lược sản xuất, xuất khẩu lúa gạo của chúng ta cũng chưa có gì thay đổi”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem