Đoàn phim "Vợ ba"
Sau 3 ngày công chiếu, chiều tối 20/5, bộ phim "Vợ ba" đã ngừng chiếu tại toàn bộ hệ thống rạp chiếu phim thương mại. Đây là quyết định do nhà sản xuất phim đưa ra.
Cùng ngày, Bộ VHTTDL đã có công văn gửi Cục Điện ảnh về việc “Kiểm tra báo cáo về bộ phim Vợ ba của đạo diễn Nguyễn Phương Anh”. Nội dung như sau: “Liên quan đến bộ phim "Vợ ba" của đạo diễn Nguyễn Phương Anh gây dư luận trái chiều, Bộ giao Cục Điện ảnh kiểm tra lại quy trình cấp phép thẩm định bộ phim, tham mưu lãnh đạo Bộ phương án xử lý”. Bộ cũng đưa ra thời hạn báo cáo Bộ trưởng về sự việc này “trước ngày 24/5/2019”. Đây là việc chưa có tiền lệ đối với một phim điện ảnh sản xuất trong nước và được phát hành đại chúng.
Sau khi bộ phim ngừng chiếu, những người trong nghề đã đưa ra nhiều ý kiến trái chiều.
Nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc:
Tôi nghĩ về phía Hội đồng duyệt phim quốc gia đã làm đúng vì Nhà nước đã có quy định cái gì thì cấm chiếu, cảnh nào không được phép xuất hiện và yêu cầu cắt bỏ theo luật… thì Hội đồng cứ thế mà làm. Còn phim không vi phạm các điều trên thì dĩ nhiên được duyệt cho phát hành. Mặt khác, việc rút phim ra khỏi rạp, ngừng chiếu là do nhà sản xuất, phát hành làm chứ Bộ hay Cục không yêu cầu cấm chiếu.
Biên kịch Đinh Thiên Phúc - tác giả kịch bản các phim “Hà Nội 12 ngày đêm", "Chiếc bình tiền kiếp" và có kịch bản "Thái tổ Lý Công Uẩn", "Thầu Chín ở Xiêm".
Về bộ phim, tôi cho rằng, chuyện phim "Vợ ba", với khán giả phương Tây có thể là bình thường, giống như món ăn lạ, nhưng ở Việt Nam thì liên quan đến thuần phong mỹ tục nên phim bị xét nét cũng không có gì khó hiểu.
Cũng giống như trường hợp cô Ngọc Trinh, cô ấy ra nước ngoài, mặc hở bạo như thế nào thì kệ cô ta, cô ấy chỉ không được phép mặc như thế khi tham gia các sự kiện ở trong nước thôi. Nhưng chúng ta phải nhớ rằng, việc nhìn nhận, đánh giá một bộ phim nên đi sâu ở cách làm phim và câu chuyện phim như thế nào, thủ pháp của đạo diễn khôn khéo ra sao. Cũng có nhiều ý kiến chê nội dung phim, tôi nghĩ, với đề tài này, người làm phim cần có vốn sống và sự trải nghiệm. Đằng này, một đạo diễn trẻ làm sao mà cảm nhận được về câu chuyện xã hội thế kỷ 19?
Đạo diễn Trần Hoài Sơn:
Theo Luật Lao động, trẻ em 13 tuổi hoặc thậm chí nhỏ hơn được phép đóng phim. Cũng cần nhớ rằng, điện ảnh không có nghĩa là thật, tất cả những gì mà khán giả xem trên màn ảnh không có nghĩa là thật. Cũng không có cơ sở để nói rằng đạo diễn thị phạm cho diễn viên.
Trần Hoài Sơn - đạo diễn phim truyền hình “Giao mùa”.
Câu chuyện thiếu nữ 13 tuổi trong lịch sử xã hội Việt Nam là có thật và quan trọng là nội dung của bộ phim không cổ súy mà là lên án hủ tục tảo hôn đó. Nói một cách chính xác nhất, khán giả và công chúng nói chung chỉ có thể phê phán người làm phim ở khía cạnh: Đã thực hiện những cảnh quay hơi quá đà để câu khách mà lẽ ra nên cắt bớt thì tốt hơn. Tuy nhiên, cũng chỉ là ý kiến của công chúng bởi không có quy định về văn bản cho thấy như thế nào là quá đà và không thể cấm vì bộ phim có thông điệp tốt.
Việc nhà sản xuất rút phim ra khỏi rạp chiếu có nghĩa là họ không muốn gây ồn ào, một phần lý do nữa xuất phát bởi thời gian qua xã hội đã chứng kiến nhiều cảnh tấn công tình dục trẻ em, chứ họ không sai, chỉ là thời điểm ra phim không phù hợp, sai thời điểm.
Cũng có thể với một số người, một số hình ảnh trong phim quá nhạy cảm và câu khách, nhưng thực ra cũng không có cơ sở nào quy định mức độ được coi là nhạy cảm. Hiện nay, quy định phân loại đối tượng khán giả 13, 16 hay 18 đều mang tính chất định tính, chung chung, chỉ nói quá nhiều cảnh nóng trong một hình ảnh thì không được phép mà không phải định lượng. Chẳng hạn, cụ thể như cảnh nóng tương tác 2 người tối đa bao nhiêu giây, diễn viên không được phép hở cơ thể bao nhiêu %...
Quay lại câu chuyện "Vợ ba", người làm phim không vi phạm vào vùng cấm về nội dung như đề cập các vấn đề liên quan đến chính trị, có các thông điệp chống lại nhân loại… Họ cũng không đi ngược với lợi ích quốc gia, dân tộc Việt Nam, chống lại Nhà nước, họ chỉ phản ánh một phần lịch sử của Việt Nam – lịch sử đó có thật nên Hội đồng duyệt dĩ nhiên cũng không sai, cũng đã đưa mức giới hạn tối đa là hạn chế khán giả dưới 18 tuổi.
"Vợ ba" là bộ phim độc lập của đạo diễn trẻ Nguyễn Phương Anh. Lấy bối cảnh vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam cuối thế kỷ 19, "Vợ ba" xoay quanh câu chuyện về cô gái 13 tuổi tên Mây do Nguyễn Phương Trà My 13 tuổi đóng, được gả làm vợ ba cho một gia đình giàu có. Từ đây, cô gái trẻ bị lôi vào một cuộc tranh đấu ngầm trong gia đình mới với vợ cả (diễn viên Trần Nữ Yên Khê) và vợ hai (diễn viên Maya).
Những vấn đề của xã hội Việt Nam thời phong kiến như hôn nhân sắp đặt, tục đa thê, trọng nam khinh nữ, vợ cả vợ hai ghen ghét nhau, ai có con trai thì sẽ được trọng trong gia đình… là những yếu tố mà bộ phim muốn đề cập đến. Trong các cảnh sinh hoạt của gia đình có vài cảnh mô tả chuyện phòng the bởi người vợ ba với tư cách là dâu mới, cần phải học hỏi tất cả mọi thứ khi bước chân về nhà chồng. Và đây là cội nguồn dấy lên các ý kiến trái chiều về việc đoàn phim sử dụng một diễn viên 13 tuổi tham gia các cảnh nóng trong phim là không phù hợp với luật pháp Việt Nam, khiến nhà sản xuất quyết định rút phim ra khỏi rạp và Bộ VHTTDL ra công văn nêu trên.
Theo thông tin từ phía nhà sản xuất thì trước khi công chiếu tại Việt Nam, phim đã gửi tham dự và giành một số giải thưởng tại các Liên hoan phim quốc tế như: Giải “Phim châu Á xuất sắc nhất” ở LHP quốc tế Toronto (TIFF) tại Canada hồi tháng 9/2018; “Đạo diễn trẻ xuất sắc nhất” dành cho Ash Mayfair (Nguyễn Phương Anh) ở LHP quốc tế Chicago (Mỹ); “Phim có đóng góp nghệ thuật xuất sắc nhất” tại LHP quốc tế Cairo (Ai Cập); Giải phim truyện xuất sắc nhất (LHP quốc tế Kolkata, Ấn Độ.) Phim đã bán được bản quyền chiếu thương mại ở 28 quốc gia và vùng lãnh thổ… |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.