Phổ cập giáo dục và lo bữa trưa... 3.000 đồng

Thứ ba, ngày 25/09/2012 12:58 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đề án phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi dự kiến “cán đích” vào 2015. Tuy nhiên, thời điểm này, trường mầm non vùng núi vẫn loay hoay lo bữa trưa... 3.000 đồng để các em được học đủ 2 buổi/ngày.
Bình luận 0

3.000 đồng và 10km

Để đến được Trường mầm non Há Dấu Cò (xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, Hà Giang), mỗi buổi sáng bé Vừ Mí Lử (5 tuổi) và 2 em trai 3 tuổi phải đi bộ từ 5 giờ sáng, vượt gần 3km đường đồi núi. 7 giờ 30 đến được trường, 11 giờ trưa các em lại vượt quãng đường đó để về nhà, rồi 13 giờ 30 chiều lại phải có mặt ở lớp…

Cứ thế, quãng đường đến trường trong 1 ngày của mỗi học sinh nơi đây đã lên đến hơn 10km… mà nguyên nhân của sự vất vả này cũng chỉ vì không đủ kinh phí tổ chức bữa trưa tại lớp cho các em với giá chỉ 3.000 đồng/bữa.

img
Học sinh tại điểm trường Lao Và Chải (Yên Minh, Hà Giang).

Toàn xã Cán Chu Phìn có 12 thôn với 15 điểm trường mầm non, nhưng chỉ có 2 điểm trường chính bắt đầu phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi trong năm học 2012 này. Tuy nhiên, để học đủ 2 buổi/ngày theo tiêu chí, mỗi học sinh hàng ngày đi về đủ 4 lượt đường đồi núi. Cô Sùng Thị Say - Hiệu trưởng cho biết: “Với đồng bào Mông, bữa trưa chỉ 3.000 đồng/cháu cũng khó lo được, vì mỗi hộ có 2 – 3 con đi học, số tiền cộng lại có thể là tiền ăn cả ngày của cả gia đình”.

Cũng theo cô Say: “Nhiều học sinh buổi trưa về nhà có khi cũng chẳng có gì ăn, phải vác bụng đói đến lớp buổi chiều. Nhà khá hơn thì có được bát mèn mén, vài miếng rau rừng. Vì vậy, thường thì lớp học buổi sáng còn đông đúc, buổi chiều ngót đi già nửa”.

Trường Mầm non xã Hữu Vinh (Yên Minh, Hà Giang) cũng đã được công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi năm 2011. Tuy nhiên, 9 điểm trường của xã này mới chỉ có 3 điểm trường thực hiện được việc ăn bán trú cho trẻ. Cô Nguyễn Thị Nhung - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Vận động để phụ huynh đóng góp cho con ăn trưa bán trú thực sự là khó khăn, vì gần 100% học sinh ở đây đều là người dân tộc thiểu số, trong đó có đến hơn 80% là hộ nghèo”.

Cố gắng xoay xở…

Cách trung tâm huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) gần 40km đường đồi núi, năm học này Trường Mầm non xã Bản Máy đón 149 học sinh nhà trẻ và mầm non của các dân tộc Mông, Tày, La Chí, Phù Lá… Cả xã có 4 điểm trường thì cả 4 đều nằm ở địa bàn đi lại rất khó khăn. Việc thực hiện học bán trú cho học sinh ban đầu được coi là… không tưởng.

Cô Trương Thị Chấm - Hiệu trưởng trường cho biết, để thực hiện học 2 buổi/ngày, trường đã vận động phụ huynh đóng góp 6.000 đồng/ngày… nếu gia đình nào không có tiền thì có thể góp bằng ngô, giáo viên sẽ thu lương thực đem bán để lấy tiền nấu ăn trưa cho các cháu. Với phương án này, trong năm học mới tại trường chính đã có 73/87 học sinh được học bán trú, điểm trường Mã Tẻn cũng đã tổ chức được cho 14 cháu ăn tại trường.

“Có những gia đình 2 – 3 con cùng đi học mầm non nhưng chỉ có cháu lớn được ăn, cháu bé phải nhịn đói về... rất đáng thương”.

Trong khi đó, cô Đỗ Thị Ngọc - Hiệu trưởng Trường Mầm non Lao Và Chải (xã Lao Và Chải, huyện Yên Minh) cho biết: “13 điểm trường của xã chỉ có duy nhất điểm trường chính tổ chức được cho học sinh 5 tuổi học bán trú. Để làm được việc này, các cô phải phân công lần lượt từng gia đình chịu trách nhiệm nấu ăn cho trường với kinh phí 6.000 đồng/bữa/cháu. Số tiền này là do Nhà nước hỗ trợ”.

Ông Phạm Văn Khuông - Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Hà Giang cho biết: “Thực hiện ăn bán trú là khó khăn lớn nhất trong việc hoàn thành phổ cập ở các xã khó khăn. Mặc dù có hỗ trợ 120.000 đồng/tháng/học sinh, nhưng mức này chưa đủ để đảm bảo chất lượng bữa ăn cho các cháu trong khi sự vận động đóng góp từ dân là rất khó. Sở GDĐT cũng đã có kiến nghị hỗ trợ thêm cho các em, không chỉ các cháu trong độ tuổi phổ cập mà cả học sinh dưới 5 tuổi”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem